Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên mới

Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Kỳ cuối: Quyết tâm và quyết tâm cao hơn nữa

(PLVN) -  Suy cho cùng, điều quan trọng nhất là chất lượng các đạo luật phải đáp ứng được yêu cầu kiến tạo để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, hùng cường và thịnh vượng, hội nhập quốc tế sâu rộng. Trên tinh thần đó, chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa, đã quyết tâm, càng phải quyết tâm cao hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024. (Ảnh: VGP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024. (Ảnh: VGP).

Đã tập trung cần tập trung hơn nữa

Một số chuyên gia pháp lý nhận định, trong xây dựng pháp luật hiện nay vẫn còn tồn tại đâu đó tư duy làm luật là để quản lý, để bảo đảm sự an toàn... Bởi vậy, đổi mới công tác xây dựng pháp luật trước hết phải dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đồng thời tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (Cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số…), từ đó, hình thành các động lực tăng trưởng mới, các quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất mới, các ngành công nghiệp mới... như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

Người đứng đầu Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh, mục tiêu vươn tới của các điều luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức; duy trì và bảo đảm trật tự xã hội; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm công bằng và bình đẳng xã hội; thích ứng với sự phát triển của xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật; trong đó, đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và tập trung xây dựng văn hóa tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp...

Tại các phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật, nhiều lần Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã tập trung cho công tác xây dựng hoàn thiện thể chế thì cần tập trung hơn nữa, đã quyết tâm rồi thì quyết tâm cao hơn nữa, đã thúc đẩy rồi thì thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các quy định để thể chế, cơ chế, chính sách đi vào cuộc sống.

Phải tăng cường kiểm soát quyền lực

Theo ông Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ, vấn đề vẫn gây ra tranh luận là luật nên quy định có tính nguyên tắc hay quy định cụ thể. Nếu luật chỉ quy định những vấn đề lớn mang tính nguyên tắc thì việc xem xét thông qua có nhiều thuận lợi và sẽ có tính ổn định lâu dài... Tuy nhiên, một đạo luật như vậy sẽ có hai nguy cơ: Thứ nhất, nếu không có cơ chế kiểm soát tốt thì các cơ quan thi hành luật có thể sẽ “tự tung, tự tác”, giải thích theo ý chủ quan, không thực sự đúng với tinh thần của luật. Thứ hai, cơ quan thực thi pháp luật sẽ chậm trễ, lúng túng, thậm chí mỗi nơi sẽ có cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau. Ngược lại, nếu văn bản luật quy định quá chi tiết, tuy có thuận lợi là có thể được thực hiện ngay, nhưng lại có nhược điểm là việc thực thi sẽ bị “bó cứng” trong các quy định của luật. Các cơ quan và người thực thi áp dụng luật khi gặp trường hợp cụ thể không đúng với quy định của luật sẽ gặp khó khăn, không dám đưa ra giải pháp, khiến cho công việc bị ách tắc, trì trệ, nhất là trong tình hình hiện nay khi vấn đề trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đang được đề cao.

“Theo chúng tôi, luật nên quy định những vấn đề lớn mang tính nguyên tắc và để cho các cơ quan quản lý triển khai thực hiện trên địa bàn, lĩnh vực của mình một cách có hiệu quả nhất, bảo đảm đúng tinh thần của luật. Điều này xuất phát từ nhu cầu vận hành của công tác quản lý hiện nay đòi hỏi tính năng động, chủ động, liên tục và thích ứng nhanh nhạy với sự phát triển như vũ bão trong kỷ nguyên số. Tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm đòi hỏi một sự thay đổi mạnh mẽ tư duy lập pháp để xử lý nhanh nhất “điểm nghẽn của điểm nghẽn” hiện nay” - ông Đinh Văn Minh nhấn mạnh.

Cho rằng một trong những điểm yếu nhất trong quy trình xây dựng pháp luật (XDPL) là khâu kiểm soát quyền lực, ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực. Thứ nhất là, kiểm soát quyền lực nội bộ, tức là kiểm soát ngay trong các thiết chế của từng đơn vị. Ví dụ, trong Ban soạn thảo, các thành viên phải có cơ chế kiểm soát chéo lẫn nhau để không ai có thể “cài cắm” tư lợi vào văn bản luật. Thứ hai là, thông qua hoạt động thẩm định, thẩm tra, giám sát, kiểm tra văn bản. Thứ ba là, xem xét trách nhiệm công vụ của những người làm công tác XDPL. Đây chính là vấn đề kỷ luật lập pháp.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phổ biến, giáo dục pháp luật

Thời gian qua, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL có nhiều chuyển biến tích cực, được xác định là giải pháp đổi mới mạnh mẽ cách thức tiếp cận pháp luật cho người dân và cán bộ, công chức... Do đó, để công tác này tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo “cú hích” giúp việc triển khai các hoạt động PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, các đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tăng cường đăng tải tài liệu PBGDPL lên mạng xã hội để Nhân dân kịp thời, nhanh chóng nắm được nội dung các văn bản pháp luật hiện hành. Đồng thời, quan tâm PBGDPL theo vùng miền, các đối tượng có tính đặc thù...

Theo ông Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục PBGDPL (Bộ Tư pháp), việc PBGDPL cho cán bộ, công chức khác với phổ biến cho người dân; người dân thành thị khác người dân ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thời gian PBGDPL cũng không giống nhau. Bởi, cùng một khung giờ đó, việc phổ biến cho người dân Hà Nội thì có hiệu quả, nhưng áp dụng cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể không cao… Bên cạnh việc đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, vì đây là lực lượng nòng cốt góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc đổi mới công tác PBGDPL, kết luận tại buổi làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Về các kiến nghị, đề xuất của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp, thống nhất đưa vào Chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 nội dung nghiên cứu xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; nhất trí về chủ trương cần quan tâm, đầu tư thích đáng, có cơ chế tài chính đặc thù cho công tác pháp luật và chuyển đổi số trong lĩnh vực này; có chế độ, chính sách phù hợp cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, xây dựng pháp luật...

Để pháp luật luôn đi song hành với cuộc sống, thiết nghĩ, công tác xây dựng, thi hành pháp luật cần phải quyết tâm cao hơn nữa, tiếp tục đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, từ đó giúp tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn, lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của Nhân dân là trên hết, trước hết, đưa đất nước vững vàng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đọc thêm