300 ngàn ca nạo phá thai và chuyện nữ sinh thả rơi con mới sinh từ tầng 31 CC Linh Đàm

(PLO) - Việc V.A - một nữ sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội 21 tuổi, tự sinh con trong nhà vệ sinh rồi thả con rơi từ tầng 31 xuống sân chung cư tại Hà Nội mới đây khiến cả xã hội sợ hãi và lên án về lối sống buông thả, vô cảm trong không ít người trẻ. 
Người trẻ không chỉ có học, mà cần nhiều hơn nhưng hiểu biết về giá trị sống, sức khỏe sinh sản từ khi còn nhỏ.
Người trẻ không chỉ có học, mà cần nhiều hơn nhưng hiểu biết về giá trị sống, sức khỏe sinh sản từ khi còn nhỏ.

Nhưng phía sau hành vi có phần man rợ của cô gái này là sự đơn độc suốt quá trình mang thai, là tâm lý hoảng loạn, là sự chưa sẵn sàng đối diện với đứa con không mong đợi chào đời. Và cũng là giọt nước tràn ly của 300 ngàn ca nạo phá thai hàng năm ở Việt Nam…

Vào đại học để… thả ga?

Nhưng V.A không phải trường hợp đầu tiên. Năm 2015 cũng từng xảy ra sự việc sinh viên một trường cao đẳng tại Hà Nội ném con mới sinh từ tầng 3 xuống đất. Tại cơ quan điều tra, cô khai có yêu một thanh niên và đi quá giới hạn rồi mang thai. Chàng trai này khuyên cô giữ đứa bé và hứa làm đám cưới, nhưng cuối cùng, anh ta thay đổi.

Lỡ mang bầu, cái thai ngày càng lớn, sợ mọi người biết nên nữ sinh đã giấu chuyện. Đến khi tự sinh con một mình, thấy con sinh ra nhưng đã chết, quá hoảng loạn, người mẹ trẻ đem xác con mình vứt xuống khu vườn nhà dân liền kề để giấu.

Ngoài ra, các con số thống kê hàng năm về tình hình nạo, hút thai ở giới trẻ nước ta đang có chiều hướng gia tăng về số lượng và giảm về độ tuổi. Cùng với đó, trào lưu sống “cởi mở” đến mức xô bồ đã xuất hiện ngày càng nhiều ở sinh viên hiện nay.

Hàng năm, có đến hàng nghìn sinh viên bị đình chỉ học, buộc thôi học vì thành tích học tập kém, vướng vào tệ nạn xã hội. Trong đó, một phần không nhỏ sinh viên có tư tưởng ham chơi, mải yêu đương, “sống gấp”…

Không ít thầy cô ở các trường đại học (ĐH) nhận xét rằng, từ các học sinh học giỏi, ngoan ngoãn được cha mẹ, thầy cô “kèm chặt” ở bậc phổ thông, khi lên ĐH lại xuất hiện tư tưởng “sống thả ga”, tha hồ yêu đương… Đây là tư tưởng phổ biến và khiến lãnh đạo các trường phải đau đầu. Các em sống xa gia đình, nhiều em không có sự kiểm soát nên dễ bị cám dỗ, chạy theo trào lưu xấu.

Điều đáng nói, theo các chuyên gia tâm lý, mặc dù có suy nghĩ thoáng trong tình yêu và tình dục, nhưng các em lại chưa có đủ kiến thức để tự bảo vệ mình. Điều này dẫn đến những hậu quả đau lòng, những sinh viên ở độ tuổi đủ nhận thức, nhưng lại lâm vào hoàn cảnh bế tắc, hành động dại dột khi phải đối diện với những vấn đề của mình.

GDGT hiện như chiếc lưới thủng

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, không chỉ ở lứa tuổi sinh viên, tình trạng quan hệ tình dục sớm ở học trò, đặc biệt là lứa tuổi học sinh từ lớp 9 trở lên cũng khá nhiều. Nguyên nhân là do cách sinh hoạt hiện nay của người trẻ cũng đã cởi mở hơn, không gò bó như trước.

Giới trẻ tiếp cận, phát triển giới tính nhiều thông qua nhận biết từ xã hội, phim, ảnh… Và dù giới trẻ phát triển sớm, song việc giáo dục giới tính (GDGT) cho học sinh dù đã được bắt đầu từ cấp 2, nhưng lại chưa có hiệu quả, đặc biệt ở vùng nông thôn. Còn ở phạm vi gia đình, thời gian dành cho con cái ngày càng ít đi, ít có những chia sẻ, định hướng giúp con em mình vượt qua giai đoạn mất phương hướng này. 

Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, chuyên gia tâm lý Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Sự việc là một tiếng chuông báo động tới toàn bộ gia đình hiện nay. Nhiều gia đình đang bỏ lơ con cái ở độ tuổi học sinh, sinh viên, nhất là những người xa gia đình đến đô thị sinh sống, học tập.

Họ có rất nhiều vấn đề phải học hỏi, phải sử dụng đến nền tảng giáo dục đạo đức trong gia đình để tự thích nghi với xã hội cũng như môi trường học đường. Đặc biệt là biết cách ứng xử với các mối quan hệ, trong đó có tình yêu, tình bạn... Theo tôi, nguyên do đến từ sự thiếu hụt nền tảng giáo dục gia đình, đặc biệt là giáo dục đạo đức, ứng xử, nếp sống…

Do đó, khi bước vào xã hội, những sinh viên ấy dễ bị giá trị ảo lôi cuốn. Tại sao nhiều bạn trẻ khác cũng xa gia đình, du học nước ngoài, họ vẫn trưởng thành và đứng vững? Đó là do họ được gia đình giáo dục tốt kết hợp với giáo dục nhà trường. Truyền thống, văn hóa gia đình là các yếu tố vô hình nhưng rất vững chắc, giúp con người đi đúng hướng, vượt qua sóng gió trong cuộc sống”.

Các chuyên gia tâm lý từng phải ví von chua chát, nhiều bạn trẻ coi trọng vật chất như chiếc điện thoại, đồng hồ hơn cả thân thể, giá trị bản thân. Mất một chiếc điện thoại vài triệu đồng các em xót, tiếc nhưng lại có thể dễ dàng cho đi thân thể của mình mà không đắn đo.

Cái gốc sâu xa của những chuyện khó tin nhưng có thật, theo các chuyên gia là vấn đề về GDGT. Mà hiện nay việc GDGT cho học sinh, giới trẻ, theo một bác sĩ về tình dục học cho rằng đang như “một chiếc lưới bị thủng lỗ chỗ”. 

Việc GDGT cho các em từ nhỏ không chỉ là chuyện về phòng tránh thai, quan hệ tình dục an toàn mà hơn hết phải là giúp các em biết quý trọng thân thể, hiểu được tình yêu thật sự. Bởi thực tế, không ít nữ sinh lỡ lầm sống thử, phát hiện có thai, người yêu ruồng bỏ, bạn bè chê cười, do nhiều lần uống thuốc phá thai, nên khi sinh nở, đứa trẻ bị ảnh hưởng các di chứng do thuốc để lại, cơ thể biến dạng, bị mắc chứng bệnh não úng thủy, khiến đầu bé rất to và dài, nhưng tay chân chỉ bé xíu. 

Theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB&XH), ở nước ta hiện nay khái niệm GDGT và giáo dục tình dục chưa được hiểu thấu đáo, thậm chí có sự nhầm lẫn, khiến nhiều người có suy nghĩ đây là vấn đề nhạy cảm. Ông cho rằng, ngay ở độ tuổi mầm non, trẻ cần được GDGT, như không cho người lạ động chạm vào các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Học sinh lớp 2, lớp 3 cần được biết về dậy thì, cơ thể phát triển ra sao. Khi con lên lớp 4, lớp 5, trẻ cần được giáo dục về tình dục, như quan hệ tình dục khi còn là trẻ em thì hậu quả sẽ ra sao, dạy trẻ biết cách phòng tránh thai.

Trong khi đó tại các nhà trường hiện nay, nhiều nơi vẫn tồn tại tình trạng nhân viên y tế là kế toán, thủ quỹ, nhân viên thư viện... kiêm nhiệm, thậm chí nhiều nơi còn “trắng” nhân viên y tế. Phần lớn phòng y tế học đường chưa đáp ứng yêu cầu so với quy định mà mới chủ yếu tập trung vào công tác vận động tham gia bảo hiểm y tế, sơ cấp cứu các chấn thương thông thường. 

Trở lại trường hợp không thể bào chữa của V.A,  một bạn trẻ bày tỏ quan điểm của mình, V.A là kết quả thất bại của một xã hội “sợ hãi tình dục”. Người lớn thích “tình dục” nhưng lại e ngại khi nhắc đến nó trước mặt trẻ con. Khi một đứa trẻ thắc mắc mình được sinh ra từ đâu, từ các bậc phụ huynh cho đến giáo viên giảng dạy về sức khỏe tình dục, sinh sản lại lúng túng tìm đủ lời nói dối để tránh né việc nhắc đến “tình dục” vì cho rằng: “Con vẫn còn bé, sau này lớn sẽ hiểu”.  

Để rồi lại thêm một thế hệ lớn lên mà chưa có đủ hành trang kiến thức về giới tính đã phải trưởng thành làm người lớn. Và đứng trước một thế giới bí ẩn, đầy hấp dẫn, như quả táo mà con rắn đã dụ dỗ nàng Eva nếm thử, những cô cậu trẻ tuổi ấy lao vào tìm hiểu để thỏa mãn trí tò mò và khao khát của bản thân mà trong đầu không có tí kiến thức gì để tự bảo vệ chính mình. 

Sẽ không có những điều đáng tiếc, nếu từ gia đình, nhà trường, mọi đứa trẻ đều có một phông văn hóa kỹ lưỡng về những giá trị của bản thân, về tình yêu, tình dục ngay từ nhỏ với không chỉ riêng các bé gái. Bởi các bé nam cũng cần được học về trách nhiệm và bản lĩnh khi đối diện với một sinh linh ngoài ý muốn, về phòng tránh thai và tôn trọng tình yêu, chứ không chỉ là những “ cuộc chơi” sẽ giải tán khi không còn “vui”...

Đọc thêm