35 năm phấn đấu và khát vọng vươn lên của Viện Khoa học pháp lý

(PLO) -Viện KHPL - Bộ Tư pháp được chính thức thành lập vào ngày 4/8/1983 với tư cách là một trong 9 đơn vị đầu tiên khi Bộ Tư pháp được tái lập vào năm 1981.
Hội thảo “Góp ý dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả đề tài khoa học cấp Bộ “Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015” do Viện Khoa học pháp lý tổ chức.
Hội thảo “Góp ý dự thảo báo cáo tổng hợp kết quả đề tài khoa học cấp Bộ “Bình luận Bộ luật hình sự năm 2015” do Viện Khoa học pháp lý tổ chức.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển trong 35 năm, Viện KHPL tự hào là đơn vị của Bộ luôn đồng hành cùng những sự kiện pháp lý trọng đại của đất nước, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Bộ và ngành Tư pháp. Viện KHPL là một trong những tổ chức nghiên cứu của quốc gia trực tiếp tham gia quá trình nghiên cứu phục vụ việc xây dựng Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) và gần đây là Hiến pháp năm 2013.

Viện KHPL cũng là một trong những nơi tiến hành các đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cấp nhà nước và cấp bộ để cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn góp phần hình thành nên đường lối cải cách pháp luật, cải cách tư pháp ở nước ta, thể hiện đậm nét trong Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 (theo Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị) và Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2006 của Bộ Chính trị).

Các nghiên cứu do Viện trực tiếp triển khai hoặc tham mưu tổ chức triển khai đã góp phần cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng những đạo luật rường cột của quốc gia như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thi hành án dân sự … Các nghiên cứu do Viện trực tiếp triển khai hoặc tham mưu tổ chức triển khai cũng trực tiếp góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế về tư pháp và pháp luật, nhất là trong việc triển khai Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, các cam kết trong WTO và cộng đồng ASEAN. 

Một điểm cũng rất đáng kể tới là trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện KHPL rất quan tâm tìm cách hiện đại hóa phương pháp triển khai công tác nghiên cứu của mình. Từ cuối những năm 1990, các nghiên cứu của Viện đã rất đề cao việc điều tra, khảo sát thực tiễn, đi kèm với việc áp dụng phương pháp liên ngành trong nghiên cứu, nhất là cách tiếp cận xã hội học, kinh tế học, chính trị học và văn hóa học pháp luật.

Thực hiện hướng nghiên cứu mới này, hàng năm, các cán bộ của Viện đã đặt dấu chân của mình ở hầu khắp các vùng, miền của Tổ quốc, từ vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới tới các vùng nông thôn hoặc đô thị. Qua những chuyến đi, thực tiễn phát triển của đất nước, thực tiễn pháp lý được phản ánh sinh động hơn trong các nghiên cứu của Viện, phục vụ trực tiếp quá trình hoàn thiện các lĩnh vực pháp luật quan trọng như pháp luật dân sự, pháp luật hình sự, giải quyết tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài, pháp luật môi trường… Thực tế đó đã làm cho các hoạt động nghiên cứu của Viện vượt qua được cách nghiên cứu thuần túy lý thuyết.

Xuyên suốt các công trình nghiên cứu của Viện là sự phát hiện, ghi nhận, cổ vũ những giá trị pháp lý cao đẹp của truyền thống và đương đại. Những công trình nghiên cứu về Bộ luật Hồng Đức, về 1.000 nghìn năm Thăng Long-Hà Nội nhìn từ góc độ pháp lý, về những thành tựu trong cải cách pháp luật và xây dựng bộ máy nhà nước, trọng dụng nhân tài dưới triều Vua Lê Thánh Tông cùng những nghiên cứu về di sản pháp lý tổ tiên ta để lại là những minh chứng.

Qua những nghiên cứu đó, giá trị trọng nhân nghĩa, trọng hiền tài, trọng pháp, trọng kỷ luật, kỷ cương của ông cha tiếp tục được làm sáng tỏ, truyền bá và lan tỏa. Những giá trị nhân bản đương đại như tôn trọng quyền con người, dân chủ và pháp quyền, thượng tôn pháp luật, đề cao hiệu lực, hiệu quả quản trị xã hội, trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn được các công trình nghiên cứu đề cập, làm sáng tỏ.

Trong bối cảnh thế và lực của đất nước trên trường quốc tế tiếp tục được tăng cường, quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ, Viện KHPL rất coi trọng việc mở rộng hợp tác quốc tế về nghiên cứu KHPL. Nhiều thành viên của Viện KHPL đã tự tin xuất hiện ở những diễn đàn, hội thảo quốc tế quan trọng. Bên cạnh các đối tác đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, những năm gần đây, Viện KHPL đã mở rộng thêm quan hệ hợp tác với Úc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc. Viện KHPL cũng là đối tác chính thức và nằm trong mạng lưới ASLI (Viện Luật châu Á) – tổ chức kết nối hợp tác khoảng 80 cơ sở nghiên cứu và đào tạo Luật thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của những công nghệ mới phát sinh từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (như công nghệ chuỗi khối – Blockchain, công nghệ về trí thông minh nhân tạo – Artificial Intelligence, công nghệ điện toán đám mây – cloud computing, công nghệ in 3D…) lên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Viện KHPL đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để kịp thời nhận diện những vấn đề pháp lý mới đang đặt ra. Viện cũng chủ động đề xuất với Lãnh đạo Bộ thiết kế các nhiệm vụ nghiên cứu để đánh giá một cách toàn diện tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với hệ thống pháp luật và yêu cầu mới đặt ra đối với việc thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Việc nghiên cứu về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với pháp luật càng giúp các cán bộ của Viện KHPL hiểu sâu sắc vai trò của khoa học trong đó có KHPL đối với sự phát triển của đất nước cùng những yêu cầu ngày càng cao về tiến độ triển khai nhiệm vụ và tốc độ vận hành các hệ thống có liên quan. Viện KHPL cũng thấy rõ yêu cầu tự mình phải trở thành một thiết chế thông minh (Smart Institute), một trung tâm đổi mới sáng tạo (innovation center), quyết tâm giữ ngọn cờ đầu trong quá trình hiện đại hóa tổ chức và hoạt động, khẳng định được vị thế là tổ chức nghiên cứu chiến lược của Bộ và ngành Tư pháp.

Nhìn lại chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong và ngoài Bộ, sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ công tác tại Viện và sự ủng hộ của các chuyên gia, nhà khoa học, tập thể Viện KHPL có thể tự hào về những gì mình đã làm được.

Những thành tựu ấy cùng các truyền thống tốt đẹp mà tập thể Viện đã gây dựng được là hành trang và động lực to lớn để các thế hệ cán bộ hôm nay của Viện KHPL tự tin, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ và vận hội mới, đưa sự nghiệp KHPL của bộ, ngành tiến lên phía trước trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và trước thềm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Đọc thêm