365 và 584

(PLVN) - Một năm có 365 ngày, thì tính riêng trong năm 2022 và chỉ riêng trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư (KH&ĐT), TP HCM đã phát đi có 584 văn bản hỏi ý kiến Bộ KH&ĐT. Đó thực sự là con số rất đáng suy ngẫm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sáng 16/4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM sáng 16/4 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Số liệu này được lãnh đạo Bộ KH&ĐT đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM mới đây, trong bối cảnh kinh tế TP chỉ tăng trưởng 0,7% so với cùng kỳ 2022, thấp nhất trong 5 TP trực thuộc TW.

Đại diện Bộ KH&ĐT cho hay, năm 2022, TP có 584 văn bản hỏi ý kiến và Bộ này đã có 604 văn bản trả lời. Điều đáng nói là hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền TP. “Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau. Trung bình mỗi ngày Bộ phải trả lời cho TP hơn 1,6 văn bản, mà Bộ còn trăm nghìn việc khác, trong khi trách nhiệm đã được phân công, phân cấp”, đại diện Bộ nói rõ ràng; và cho rằng đó là một dấu hiệu của tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, chờ hướng dẫn, chưa chủ động, quyết liệt trong thực hiện.

Một trong những nguồn cơn dẫn đến tình trạng trên, phải chăng là do đã xảy ra một số vụ khởi tố, truy tố, xét xử một số cán bộ vi phạm, thiếu trách nhiệm? Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công an khẳng định không có việc “hình sự hoá hành chính”; mà các vụ việc thời gian qua xử lý đúng quy định pháp luật. Đại diện Bộ Công an đánh giá, nói tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức là có thật. Có những việc đáng lẽ đã quyết theo thẩm quyền và quy chế, nhưng cán bộ vẫn thận trọng quá mức, lấy ý kiến rất nhiều sở, ban, ngành rồi chờ đợi, như “đẽo cày giữa đường”. “Không những lo ngại mà còn có thể đánh giá sâu hơn là co cụm, cầu an, thận trọng quá mức để xử lý các công việc chung trong điều hành của thành phố”, đại diện Bộ Công an nói.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nói vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay tại TP HCM là giải phóng được tư tưởng cho cán bộ, lãnh đạo, khắc phục tư tưởng sợ, không dám làm: “Đang có tình trạng ba không: không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng”.

Về phía TP HCM, lãnh đạo TP nhìn nhận một trong những vấn đề lớn nhất mà TP nhận thấy là chất lượng nguồn nhân lực “rất đáng lo ngại”, một số nơi không đáp ứng yêu cầu; cùng với đó là tư tưởng e dè, thiếu tính chiến đấu. Thường trực Thành ủy đã và đang tổ chức các đoàn đi các địa phương, sở, ngành để kiểm tra, giám sát, uốn nắn cũng như hỗ trợ khối nhà nước khi yếu sức. Nếu phát hiện trường hợp yếu kém thì điều chuyển, thậm chí cho nghỉ hoặc kỷ luật.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu TP HCM cần xử lý dứt điểm tồn đọng liên quan cán bộ, điều chỉnh, sắp xếp phù hợp người với năng lực và nhiệt huyết. Cán bộ cần tránh hai khuynh hướng: Sợ trách nhiệm, không dám làm, hoặc để xảy ra tiêu cực, tham nhũng. Đó là những chỉ đạo rất đúng đắn, vì hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta đã tương đối đầy đủ, thẩm quyền của từng cơ quan và vị trí cán bộ đã quy định tương đối rõ, trình tự thủ tục cũng rất minh bạch. Chỉ những điều khó khăn chưa có trong luật, hoặc mới phát sinh, thì mới cần bàn bạc xin ý kiến tháo gỡ; chứ đừng mang tâm lý lòng vòng, sợ trách nhiệm, không chịu tìm hiểu, phụ thuộc vào ý kiến người khác; vừa không làm tròn phận sự của mình, vừa vô tình làm trì trệ bộ máy.

Đọc thêm