Tuy cùng sống ở Mỹ, nhưng khoảng cách của 4 họa sĩ rất xa nhau, vì họ sống rải rác ở nhiều tiểu bang. Người ở gần thì cách 4-5 giờ bay, người ở xa thì phải bay đến 10 giờ bay, múi giờ khác nhau, văn hóa, thời tiết khác biệt, nhưng họ có chung một sở thích là vẽ, và đặc biệt có chung nguồn gốc là người Việt Nam. Đây gần như là lý do duy nhất đưa đến họ đến với nhau tại cuộc triển lãm “Chào Việt Nam” lần này.
|
4 họa sĩ Mỹ gốc Việt thông qua nghệ thuật đã kết nối để cùng trở về mở triển lãm “Chào Việt Nam”. Ảnh: BTC |
Lần này, họa sĩ Bạch Hoàng Anh góp mặt cùng 3 bằng hữu tứ xứ bằng loạt tranh vẽ về phụ nữ. Trong đời thường, phụ nữ thường vất vả, lo toan nhiều bề, vì vậy, ở trong tranh, Bạch Hoàng Anh muốn họ hiện diện trong khoảnh khắc đẹp đẽ, yên bình, viên mãn.
Đó có thể là khoảnh khắc ngồi đọc sách, trang điểm, phơi nắng, hoặc lang thang chụp hình… Trong niềm cảm hứng về dáng nét thanh bình của người phụ nữ hạnh phúc, nữ họa sĩ có xu hướng dùng màu sắc nhẹ nhàng, hình hài ước lệ.
|
|
Hình ảnh phụ nữ trong tranh của họa sĩ Bạch Hoàng Anh. Ảnh: BTC |
Trong khi đó, với họa sĩ Nguyễn K Quy, đây có lẽ là lần đầu tiên anh trở về Việt Nam để triển lãm, sau hơn 20 năm sống tại Hawaii.
Anh tâm sự: “Qua mạng xã hội mà nhóm 4 người chúng tôi tìm tới nhau, cùng ngành nghề, sở thích, hợp cạ, nên triển lãm “Chào Việt Nam” cũng là cơ hội để chúng tôi gặp nhau trao đổi kinh nghiệm. Với tôi, vẽ là cái nghiệp, giống như một nghề.
Tranh của tôi đơn giản là diễn tả lại cuộc sống thường ngày của người dân nơi tôi sống. Có bạn nói là tôi vẽ theo trường phái ấn tượng… Chắc là vậy. Ở Mỹ nếu bạn được làm việc gì mà bạn thích thì đó là ước mơ… và hiện tại tôi đang sống với ước mơ ấy. Còn tương lai ư? Vẫn vậy, như một nghề, vẽ để sống, thế thôi”.
|
|
Tranh của họa sĩ Nguyễn K Quy. Ảnh: BTC |
Tranh của Trần Phương Ly thì theo phong cách hiện thực ý niệm. Chị cho biết, đó là một dạng hiện thực, có hình gần như thực, nhưng cái hiện thực ấy không phải là chân thực, là thực tế, mà là hiện thực của cái suy nghĩ, cái mơ mộng, nó được thể hiện ở bút pháp, ở bố cục, nhiều khi người xem có chút gì đó cảm thấy phi lý, xa rời thực tế.
Trần Phương Ly luôn vẽ những suy nghĩ, cảm xúc, khát vọng… của mình qua những hình mẫu thực.
|
|
Tranh của Trần Phương Ly theo phong cách hiện thực ý niệm. Ảnh: BTC |
Với Hồ Mộng Nhã Uyển, chị không định hình phong cách vẽ của mình. Lý do vì nữ họa sĩ từng làm việc cho hãng hoạt hình Walt Disney và sau 2 năm, chị lại chuyển sang một dự án phim khác, mà mỗi bộ phim lại mang một phong cách hoàn toàn khác biệt.
“Sau nhiều năm gắn bó với Disney, tôi - cũng như nhiều đồng nghiệp khác - vô tình phát triển khả năng biến hóa phong cách như một chú tắc kè hoa, thích nghi theo từng kiểu phim. Dần dà, thói quen đó ảnh hưởng đến cả quá trình sáng tác của tôi sau này.
Mỗi cảm xúc khi cầm cọ thường dẫn đến những bức tranh mang sắc thái khác nhau - lúc gần như trừu tượng, lúc lại phảng phất nét ấn tượng, có khi mang cả dáng dấp cổ điển. Nhưng dù có thế nào, tất cả những phong cách ấy đều là một phần của tôi”.
|
|
Tranh của họa sĩ Hồ Mộng Nhã Uyển. Ảnh: BTC |
Ngoài khai mạc lần 1 ở Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, triển lãm nhóm “Chào Việt Nam” sẽ có khai mạc lần 2 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, diễn ra lúc 18h ngày 1/3 đến ngày 9/3.