Nghĩ ngợi ngày gió về

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng thấy trời lạnh, tôi nói với con trai để ba chở đi học cho đỡ lạnh. Bình thường con trai tôi đang học lớp 6 phải đạp xe chừng 2km để tới trường. Con bảo, thích vậy cho chủ động và không phải ba mẹ đón đưa.
Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)
Ảnh minh họa. (Nguồn: ST)

Thực ra nói lạnh, nhưng chỉ se lạnh, mặt trời vẫn mọc và nắng ấm lan toả khắp đường phố. Nên cái lạnh cuối thu chớm đông chỉ nhẹ nhàng chút thôi, người ta vẫn mặc quần đùi, áo thun chạy xe sáng sớm bình thường.

Đô thị những năm gần đây rét muộn và khi vào đúng đỉnh điểm của rét cũng không còn kiểu rét buốt lạnh như những ngày xưa. Các nhà khoa học nói trái đất đang nóng lên và mọi thứ thay đổi quá nhanh.

Hà Nội bây giờ là thành phố ô nhiễm không khí thuộc loại nguy hiểm. Đọc báo cáo từ Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Hà Nội cho biết vào mùa khô, từ tháng 5 đến tháng 9 hàng năm chỉ số chất lượng không khí nhiều ngày ở mức rất xấu, gây hại cho sức khỏe. Thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, có nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí như quá nhiều khu công nghiệp, làng nghề, xe hơi, xe máy lưu thông hằng ngày, rồi hoạt động đốt rơm rạ, rác thải sinh hoạt của người dân không được kiểm soát cũng là nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường không khí.

Quả là dân đô thị đang phải sống chung với không khí ngột thở đó. Nhưng biết sao giờ khi mà họ đang tranh giành nhau từ chỗ đậu xe, nhà bên cạnh nhau để đống rác sao cho hợp lý, dội nước, sửa nhà, có khách đông… cũng phải dè chừng bạn láng giềng. Cộng đồng dân cư phải dậy sớm đi làm khỏi kẹt xe, đường phố cứ mưa lớn là lụt, chen chúc nộp đơn cho con vào trường công từ mẫu giáo… thì chuyện sống chung với không khí tệ hại chả là gì.

Mới đây, tôi đọc tin, nhiều bạn trẻ phải chen chân lên Ba Vì để chụp ảnh với hoa dã quỳ, một loài hoa mọc ở vệ đường, thành từng bụi lớn, nở rộ màu vàng rực rất đẹp mắt. Nó cũng xuất hiện nhiều ở vùng Tây Nguyên. Ngắm hoa là một thú chơi tao nhã, nhẹ nhàng, nhưng bây giờ ồn ào và chật chội quá. Người trẻ không có thời gian, không gian để ngắm, quan sát, suy ngẫm, chậm rãi… mà họ ùa đến đó chụp vội vài tấm hình để đăng trên mạng xã hội. Họ trang điểm thật đẹp để có những tấm hình ưng ý và ít để ý những sự va chạm đông đúc xung quanh, nhưng họ lại rất thích được nhiều like, được bình luận trên mạng xã hội. Một thế giới ảo đang biến thành thật.

Phải chăng, chúng ta đang tìm đối tác để tương tác trên thế giới ảo nhiều hơn là sự thật. Vì cuộc sống ở khu phố, cộng đồng nó quá quen thuộc và chán ngắt, người ta cần tìm những bạn bè trong thế giới rộng mở hơn. Đó chính là không gian của Internet. Đó là nhu cầu tìm kiếm, sẻ chia mới.

Tôi cũng mới đọc một tin thấy choáng váng, đó là ở một khu phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội, người ta tìm thấy hàng trăm bộ hài cốt khi thi công cải tạo đường cống thoát nước. Như vậy, từ lâu khu cư dân đông đúc này sống chung với người chết, nói theo dân gian là sống chung với “ma” và không có cảm giác sợ hãi. Nhà văn Võ Phiến có truyện ngắn rất hay mang tên “Đến khi ma chết” nói về một con ma nhập vào một cái chuông ở một hộ dân ở đô thị. Cuộc sống ồn ã, cuồng quay, nhộn nhịp, khiến con ma “hết phép” để dọa người và nó đều thất bại khi có ý định doạ nạt thành viên trong gia đình. Khi con ma ở làng quê, nhịp sống tâm linh khiến nó trỗi dậy mạnh mẽ, nhưng đô thị khiến con ma “không chốn dung thân”. “Bây giờ, cõi chết lại bị đe doạ lấn tràn của sức sống. Thế này thì còn biết đi về đâu? Ánh điện sáng tàn nhẫn sẽ rọi khắp cả và làm tan biến hết cảnh hư linh. Hết làm người còn ôm hy vọng được làm ma, hết làm ma mới thực không còn là gì cả. Không còn làm gì cả: tan biến mất trong khoảng vũ trụ vô cùng! Con ma chuông, muốn giậm chân mà khóc rống lên: “Chao ôi? Sao mà khổ đến làm vầy? Khổ đến làm vầy?” (trích “Đến khi ma chết”).

Cuộc sống và văn chương đâu khác nhau là mấy. Nhà kia đám ma, nhà này đám cưới, nhà này ăn nhậu râm ran, nhà kia người già đơn côi một mình, ánh đèn hiu hắt. Việc ai nấy làm, nếu có qua đời, biết nhau phúng viếng cho phải đạo, không thì thôi cũng chả sao. Chả ai trách nhau được vì bản chất đô thị nó vốn thế.

Cuộc sống ở đô thị là vậy, có ca thán, buồn vui. Sự chật chội là điều đương nhiên khi mà lực lượng di dân tự do luôn hướng về ánh đèn đô thị. Họ đi học, làm nghề, làm thuê… rồi mong bám víu vào đây vì tương lai của họ cũng như con em họ. Thứ bụi mịn, kẹt xe, lụt lội, va quệt, cạnh tranh, chửi bới, xếp hàng chờ khám bệnh, sống cạnh nghĩa trang, mồ mả… chả là gì hết.

Con người đô thị san sát nhau, phả hơi vào mặt nhau, nhưng lại ít chào nhau. Họ cứ dửng dưng với nhau vì quen biết gì đâu mà chào, mà cười với nhau. Cười với nhau người ta kêu mình là đồ khùng.

Đô thị chật chội, nóng ran, va chạm, xô đẩy, nhưng đô thị lại quá lạnh lùng!