Báo cáo ghi nhận, tính đến 31/12/2016, sau quá trình cơ cấu lại, cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; DNNN cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô; Trong giai đoạn 2011-2015, đã thoái vốn nhà nước 26.222 tỷ đồng, thu về 36.537 tỷ đồng. Qua 11 năm triển khai bán vốn nhà nước, đến 30/9/2017 đã thu về 27.473 tỷ đồng.
Bên cạnh đó Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chỉ ra 4 vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN.
Thứ nhất, vi phạm nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong kinh doanh: Theo đó hầu hết các DN qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau. Một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định. Một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao như tập đoàn dầu khí, tập đoàn Than khoáng sản, tập đoàn Hóa chất, Điện lực.
Điển hình như tại các DN hoạt động khai thác khoáng sản, tình trạng khai thác vượt công suất; thăm dò, khai thác khi chưa được cấp giấy phép hoặc hết hạn khai thác; thiết kế mỏ không đúng giấy phép; một số DNNN kê khai thiếu thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường; tính thiếu tiền phí cấp quyền khai thác khoáng sản nên qua kiểm toán đã phải nộp bổ sung vào ngân sách 255,427 tỷ đồng. Nhiều DNNN quản lý đất chưa chặt chẽ; nhiều diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn, chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất với NSNN.
Theo kết quả giám sát của Quốc hội, một số DNNN chuyển nhượng đất được Nhà nước cho thuê dưới hình thức góp vốn liên doanh, hợp tác đầu tư bằng giá trị lợi thế quyền thuê đất. Sau đó thoái toàn bộ phần vốn góp, thực chất là hình thức lách luật để chuyển nhượng đất.
Thứ hai, vi phạm nguyên tắc thị trường: Có nơi, có lúc giá mua, giá bán chưa dựa trên quan hệ cung cầu, chưa lường trước được những thay đổi của thị trường, ví dụ: Giá khí trong bao tiêu bán cho các nhà máy điện theo hợp đồng dài hạn đã ký với nhà đầu tư, giá bán điện ưu đãi cá biệt cho doanh nghiệp tư nhân thấp hơn nhiều so với giá bán bình quân.
Thứ ba, vi phạm nguyên tắc quản trị DN. Cụ thể, công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ không tốt, có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ bị tê liệt không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân, vi phạm điều lệ doanh nghiệp, quy chế làm việc của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc.
Thứ tư, tình trạng vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính tiếp tục tồn tại. Nhiều DNNN qua thanh tra, kiểm toán có sai sót trong việc hạch toán tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tăng, giảm tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí và nghĩa vụ với NSNN. Công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại còn chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn, nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi, nợ nội bộ lớn, kéo dài nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.