40.000 người Việt tử vong do thuốc lá mỗi năm

(PLO) - Tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới tuổi thọ trung bình của người hút thuốc lá ngắn hơn so với người không hút từ 5-8 năm.
Hút một điếu thuốc đồng nghĩa hút 7.000 chất độc hại vào cơ thể
Hút một điếu thuốc đồng nghĩa hút 7.000 chất độc hại vào cơ thể
Thuốc lá chứa 69 chất gây ung thư - Hút một điếu thuốc mất 5,5 phút cuộc đời
WHO ước tính nếu như thế kỷ 20 chỉ có 100 triệu người chết do thuốc lá thì sang đến thế kỷ 21 con số này có thể lên tới 1 tỷ người. Tỷ lệ hút thuốc có xu hướng giảm tại các nước phát triển và gia tăng ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nó gây tử vong cho 1/2 số người hút. Bộ Y tế Việt Nam nhận định mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, trung bình mỗi ngày có hơn 100 ca tử vong vì lý do này.
Khói thuốc lá chứa tới hơn 7000 chất phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 69 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, tuy nhiên người nghiện hút thuốc lá quá nhiều không bị chết ngay vì liều lượng cứ ngấm dần vào cơ thể.
Theo Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (Vinacosh), chỉ cần hút một điếu thuốc đồng nghĩa một người đã tự làm mất đi 5,5 phút cuộc đời. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút 5-8 năm. Mức độ tăng nguy cơ phụ thuộc vào tuổi bắt đầu hút (hút thuốc càng sớm thì nguy cơ càng cao), số lượng thuốc hút trung bình.
Tại Việt Nam phần lớn người hút thuốc bắt đầu từ khi còn rất trẻ. Gần 22% nam thanh niên từ 16 đến 24 tuổi hút thuốc. Điều tra năm 2010 cho thấy, 56% người hút thuốc bắt đầu hút trước tuổi 20. 
Ngửi  khói thuốc cũng dễ bị bệnh
Bạn không hút thuốc, nhưng người sống xung quanh thường phì phèo "ống khói" thì bạn cũng gặp phải nhiều nguy cơ sức khỏe do thuốc lá gây ra.
Theo Ts.Bs Hoàng Đình Chân – Chuyên gia đầu ngành về điều trị Ung thư Phổi -  Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt - Hà Nội cho biết: “Ở nước ta, mỗi năm có 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. 
Hít khói thuốc là một nguyên nhân gây ung thư phổi. Nếu bạn sống với người hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thì điều này ảnh hưởng vô cùng lớn tới sức khỏe của chính mình”.
Một ca phẫu thuật Ung thư Phổi tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt
Một ca phẫu thuật Ung thư Phổi tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt
Bác sĩ Chân nhấn mạnh: Những nguy hại do hít phải hơi thuốc lá của người khác hút (hút thuốc thụ động) cũng không kém phần nguy hiểm. Khói toả ra từ đầu điếu thuốc chứa nhiều chất độc cao gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra. Người không hút nhưng ngửi phải khói thuốc cũng thường gặp vấn đề về đường hô hấp. Khói thuốc có thể gây kích ứng và làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen suyễn, dị ứng, ho sâu và gây ra khó thở, thở khò khè, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đặc biệt có thể kèm theo các hội chứng đột tử của trẻ sơ sinh…
Lợi ích của việc từ bỏ thuốc lá
Từ bỏ việc hút thuốc lá là mục tiêu của rất nhiều người. Không ít người đã cố gắng từ bỏ nhiều hơn một lần nhưng không thành công. Việc bỏ hẳn thuốc lá có thể mất một vài tuần hoặc lâu hơn, nhưng một khi từ bỏ thành công thì lợi ích sức khỏe bạn nhận được là hoàn toàn xứng đáng với cuộc đấu tranh khó khăn đó.
- 20 Phút: Huyết áp, nhiệt độ cơ thể sẽ bình thường
- 8 giờ: Hàm lượng Carbon Monoxid và Oxy trong máu về mức bình thường
- 24 giờ: Giảm nguy cơ đau tim
- 48 giờ: Khả năng nhận biết hương vị được cải thiện
- 3 ngày: Hô hấp dễ dàng hơn và có thể chạy mà không thở khò khè
- 2 – 3 tháng: Hệ tuần hoàn được cải thiện và dung tích phổi tăng lên 30%
- 4 – 9 tháng: Nghẹt mũi và khó thở giảm, lông mao phát triển lại để xử lý các chất nhờn, làm sạch phổi và làm giảm nhiễm trùng
- 1 năm: Nguy cơ mắc bệnh động mạch vành giảm đi một nửa
- 2 năm: Giảm ngu cơ đau tim về mức gần bình thường
- 10 năm: Tỷ lệ tử vong do Ung thư phổi giảm mạnh. Các tế bào tiền Ung thư được thay thế
- 15 năm: Tỷ lệ mắc bệnh tim mạch như người không hút thuốc lá…
Thống kê tại Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt hằng năm cho thấy, lượng bệnh nhân tới khám và điều trị mắc phải các bệnh lý liên quan nhiều tới “ thuốc lá” như: ung thư phổi, vòm họng, ung thư khoang miệng, các bệnh về tim mạch và hô hấp …
Một lần nữa, Ts.Bs Hoàng Đình Chân – Giám đốc chuyên môn Bệnh Viện Ung bướu Hưng Việt muốn nhắn nhủ tới cộng đồng thông điệp:“ Phổi có thể phục hồi ngay sau khi bạn bỏ thuốc. Mức độ phục hồi phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu một người đã phát triển bệnh phổi ở mức độ nhất định, người đó không thể phục hồi hoàn toàn. 
Hút thuốc giết người một cách từ từ. Đó là lý do những người hút thuốc thường không nhận thức được thực tế rằng họ đang trên giường bệnh. Thay vì suy đoán mức độ hoặc cơ hội phục hồi, bạn nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Bỏ thuốc không bao giờ là quá muộn.”

Đọc thêm