Ngày 29/3, kết luận cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề ra yêu cầu này sau khi nghe báo cáo tình hình.
Căn cứ vào diễn biến dịch bệnh, Thủ tướng đề nghị, tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tất cả mọi người từ nơi khác đến khu dân cư phải được giám sát, khai báo cụ thể. Phải bảo đảm phân lập tuyệt đối vùng có người lây nhiễm với vùng chưa có người nhiễm để ngăn chặn ngay lập tức, khoanh vùng, dập dịch với phương châm “4 tại chỗ” phù hợp. Cấp nào quá tải cần thông tin kịp thời để điều phối, chi viện.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Đặc biệt, phải có biện pháp mạnh mẽ, toàn diện đối với các ổ dịch đã được thảo luận tại cuộc họp, nhất là ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và quán bar Buddha ở TP HCM. Phải tìm được những người (khoảng 40.000 người) ra vào Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua để theo dõi, sàng lọc, xử lý cụ thể từng trường hợp.
Vì vậy, phải tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ, chẩn đoán nhanh các ca nghi ngờ. Tập trung nâng cao năng lực điều trị cho tất cả các tuyến, tập huấn điều trị cho bác sĩ, nhân viên y tế, kể cả nhân viên y tế đã về hưu.
Cần thiết lập hệ thống trung tâm của từng thành phố để theo dõi diễn biến phòng chống dịch và điều trị bệnh. Phải sẵn sàng mọi điều kiện, bảo đảm ứng phó ngay lập tức với tình huống xấu nhất như lương thực, thực phẩm, bệnh viện dã chiến, lực lượng dự phòng, kể cả khả năng tình trạng khẩn cấp và cao hơn.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần như trong bức điện của Bộ Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ngày 7/4/1975, là “thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!". Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta.
“Các đồng chí phải tiếp tục rà lại, bổ sung năng lực y tế của thành phố về nhân lực, trang thiết bị, về con người, khả năng cung ứng dịch vụ và khả năng huy động tại chỗ”, Thủ tướng nói.
Đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài chính, theo tinh thần Chỉ thị 15, là tạm dừng dịch vụ xổ số kiến thiết trong 15 ngày, bắt đầu từ đầu tháng 4, Thủ tướng tiếp tục nhắc nhở: Với trường hợp Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha phải có phương án riêng trên tinh thần tìm ra, khoanh lại, cách ly quyết liệt, diện rộng bằng công nghệ và các phương pháp khác để giảm thiểu lây nhiễm từ các ổ dịch này.
Trong một diễn biến liên quan, theo thông báo ngày 29/3 của Bộ Y tế, bệnh nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên mắc COVID-19 là bệnh nhân số 178, 44 tuổi, địa chỉ thường trú tại xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ và có yếu tố dịch tễ liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức cuộc họp cùng ngày dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc. Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục chủ động triển khai kịch bản ứng phó với dịch bệnh đã được xây dựng; các ngành chức năng khẩn trương thống kê toàn bộ những người có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai bao gồm người bệnh, người nhà bệnh nhân, sinh viên thực tập, người đi học, đi làm… để có kế hoạch giám sát chặt chẽ.
Trước mắt, tỉnh Thái Nguyên sẽ ra văn bản yêu cầu tạm dừng toàn bộ hoạt động của xe buýt, taxi, vận tải tuyến cố định từ Thái Nguyên đi các vùng dịch và ngược lại trong thời gian từ nay cho đến khi có thông báo mới. Riêng các xe cứu thương, cứu hộ, cứu nạn, xe đưa đón người lao động sẽ thực hiện theo quy định riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc cũng yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm những trường hợp không thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu… Ngoài ra, các địa phương cũng phải kiểm soát chặt chẽ việc khai báo y tế của từng hộ dân trên tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”.