Mới đây, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Tại Hội thảo, Bộ KH&ĐT đã xin tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để thành phố Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển…
Thứ nhất, Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.
Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; Phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô;
Phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.
Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (ảnh MPI) |
Thứ hai, Quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 06 mục tiêu về kinh tế; 05 mục tiêu về xã hội; 06 mục tiêu về môi trường; 02 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 01 mục tiêu về quốc phòng, an ninh.
Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...
Thứ ba, xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: Văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; Xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 06 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể; Bảo vệ môi trường; Giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; Kinh tế; Văn hóa xã hội; An ninh, an toàn; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực.
Quy hoạch Thủ đô đã xác định nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách, cần giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ.
Quy hoạch còn xác định 04 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; Đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Thứ tư, Quy hoạch xác định các ngành, lĩnh vực của Thủ đô phải đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của cách mạng 4.0; phát triển thông minh và kinh tế số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng chuyển đổi số với các trung tâm cơ sở dữ liệu lớn và điều hành thông minh.
Trong đó, xác định: Phương hướng phát triển các ngành quan trọng (thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản); Phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực (Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; Giáo dục và đào tạo; Văn hóa, thể thao; Lao động, việc làm, an sinh xã hội; Khoa học và công nghệ; An ninh, quốc phòng, đối ngoại…); Phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; Phương án phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Chuyên gia đóng góp vào dự thảo Quy hoạch Thủ đô |
Thứ năm, nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 05 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 05 không gian chú trọng phát triển nhằm khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển, đồng thời có sự liên kết hài hòa giữa các tiểu vùng, giữa các không gian dựa trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế so sánh của các vùng, ưu tiên phát triển một số tiểu vùng mang tính dẫn dắt, chú trọng một số không gian mới để tạo động lực phát triển.
Các phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung phát triển theo 04 tuyến hành lang và 01 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng trung du miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Trên cơ sở Dự thảo Quy hoạch xin ý kiến tại Hội nghị, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.