5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Nguồn vốn nào thực hiện?

(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thừa nhận, ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Thành bại của 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông phụ thuộc vào các ngân hàng?
Thành bại của 5 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam phía Đông phụ thuộc vào các ngân hàng?

Chưa chắc huy động được vốn tín dụng

Đây là một trong những nội dung Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa thừa ủy quyền Thủ tướng gửi báo cáo lên Quốc hội về tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông.

Theo đó, Bộ GTVT đã báo cáo hàng loạt khó khăn trong quá trình triển khai cao tốc Bắc – Nam. Cụ thể, các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn.

Các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Bộ GTVT thừa nhận, thực tế trong hơn 2 năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng. Hệ số an toàn vốn (CAR) của nhiều ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này.

Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã làm việc với hệ thống ngân hàng. Nhưng theo Ngân hàng Nhà nước, dù các ngân hàng nhận thức được trách nhiệm trong việc xem xét, cung cấp tín dụng cho các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam nhưng việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành. Do đó, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng.

Từ những khó khăn trên, Bộ GTVT thừa nhận: Ngay cả trường hợp nhà đầu tư (NĐT) đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án. Bộ này cũng cho biết, theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, NĐT có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp NĐT không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

Với thực tế này, Bộ GTVT đề xuất, trong trường hợp NĐT không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển hình thức đầu tư. 

Phát hành trái phiếu có khả thi?

Theo ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công – tư (PPP), Bộ GTVT, tổng vốn đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam khoảng 39.530 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia hơn 20.000 tỷ đồng chiếm khoảng 51%; vốn NĐT huy động 19.394 tỷ đồng, chiếm khoảng 49%, bao gồm vốn chủ sở  hữu tối thiểu 20% khoảng 3.879 tỷ đồng, vốn huy động tín dụng khoảng 15.515 tỷ đồng. Như vậy, trung bình, NĐT phải huy động được khoảng 3.100 tỷ đồng từ vốn tín dụng cho một dự án. Tính cả vốn chủ sở hữu, NĐT phải huy động được khoảng 4.000 tỷ đồng/dự án. Đây là một thách thức rất lớn với NĐT.

Theo một số chuyên gia kinh tế, về mặt lý thuyết, ngoài huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng, NĐT có thể huy động bằng việc phát hành trái phiếu công trình. Tuy nhiên, việc huy động vốn thành công bằng phát hành trái phiếu thực hiện công trình giao thông ở Việt Nam gần như chưa có tiền lệ. Suất đầu tư đường cao tốc lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, liệu có mấy ai bỏ tiền lớn để mua trái phiếu?

Như vậy, nếu ngân hàng không cho vay tín dụng, NĐT không thể phát hành trái phiếu thành công thì 5 dự án cao tốc Bắc – Nam sẽ dùng nguồn tiền nào để thực hiện? Không lẽ lại được xem xét chuyển sang đầu tư công? 

Trong khi đó, rõ ràng nguồn lực nhà nước để đầu tư công thêm 5 dự án PPP là rất khó khăn. Theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, không thể cứ dự án nào không thể đầu tư PPP là chuyển sang đầu tư công vì nguồn lực nhà nước có hạn, còn nhiều dự án xã hội khác cần đầu tư.

Đọc thêm