Những mặt hàng dẫn đầu về kim ngạch XK là điện thoại các loại và linh kiện với giá trị là 46,135 tỷ USD. Tiếp đến là hàng dệt và may mặc đạt 27,772 tỷ USD; Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 27,017 tỷ USD; Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 15,123 tỷ USD và giày dép các loại đạt 14,52 tỷ USD.
Cũng theo Bộ Công Thương, trong 11 tháng đầu năm, Hoa Kỳ là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,74 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là EU đạt 38,28 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc đạt 38,13 tỷ USD, tăng 23,2%. Thị trường ASEAN đạt 22,69 tỷ USD, tăng 14%; Nhật Bản đạt 17,09 tỷ USD, tăng 11,5%; Hàn Quốc đạt 16,89 tỷ USD, tăng 24,7%.
Đáng chú ý, hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới từ việc tận dụng các FTA đã có hiệu lực và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Nhất là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ là yếu tố tích cực thúc đẩy quá trình XK hàng hóa.