Đến 30/6/2019, doanh số chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo cho vay đạt 42.623 tỷ đồng, với gần 1,3 triệu lượt hộ đã được vay vốn; doanh số thu nợ là 10.201 tỷ đồng. Trong ảnh: Gia đình chị Nguyễn Thị Nhung (thôn Chứ Bồ 2, xã Iakla, huyện Đức Cơ, Gia Lai) vay 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo cải tạo chăm sóc 1ha cà phê, chăn nuôi bò, gia đình có cơ hội thoát nghèo bền vững |
Củng cố hệ thống chính trị cơ sở
Trong 05 năm thực hiện Chỉ thị vừa qua, căn cứ theo mục tiêu Chiến lược đã đặt ra, hàng năm khi xây dựng kế hoạch tín dụng cũng như bảo vệ kế hoạch với các bộ, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đều xây dựng kế hoạch tăng trưởng tín dụng trên 10%.
Tính đến 30/6/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 198.505 tỷ đồng, tăng 69.050 tỷ đồng (+53,3%) so với cuối năm 2014, với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 9,99% (tính từ đầu năm 2015 đến ngày 30/6/2019).
Tổng doanh số cho vay từ khi có Chỉ thị đến nay đạt 260.941 tỷ đồng, với hơn 10 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; doanh số thu nợ là 191.186 tỷ đồng, bằng 73% doanh số cho vay.
Dư nợ tín dụng chính sách xã hội tập trung chủ yếu vào 08 chương trình lớn, chiếm trên 96%/tổng dư nợ, gồm: Chương trình cho vay hộ nghèo, Chương trình cho vay hộ cận nghèo, Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo, Chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, Chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở…
Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) tập hợp lực lượng, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, tăng số lượng hội viên, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đến 30/6/2019, 04 tổ chức chính trị - xã hội đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 197.640 tỷ đồng, chiếm 99.6%/tổng dư nợ tín dụng chính sách.
Giai đoạn 2014 - 2019, mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách khác, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội.
Đến 30/6/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 207.217 tỷ đồng, tăng 72.546 tỷ đồng so với cuối năm 2014. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước cấp đạt 35.148 tỷ đồng, tăng 10.078 tỷ đồng so với cuối năm 2014; nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 14.128 tỷ đồng, tăng 10.320 tỷ đồng so với cuối năm 2014; vốn được giao huy động và vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt 147.992 tỷ đồng, tăng 48.720 tỷ đồng so với cuối năm 2014.
Chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng là một trong những chương trình có dư nợ cao, đạt 17.053 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ, với trên 525 nghìn khách hàng còn dư nợ. Trong ảnh: được vay 50 triệu đồng chương trình cho vay giải quyết việc làm, gia đình anh Lê Lưu Hải (thôn Trái Giềng 2, xã Cam Hiệp Tây, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) có điều kiện cải tạo gần 1.000m2 xoài, chăn nuôi gia súc, gia cầm, gia đình có việc làm, thu nhập cao |
Góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững
Qua kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Chỉ thị trong thời gian qua, tiếp tục khẳng định phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: Phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định hộ nghèo và các đối tượng chính sách đủ điều kiện vay vốn; Thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư;
Kết hợp sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả, đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng và toàn xã hội cùng chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao. Đến 30/6/2019, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.488 tỷ đồng, chiếm 0,75%/tổng dư nợ, giảm 14,8% so với cuối năm 2014. Trong đó, nợ quá hạn là 807 tỷ đồng, chiếm 0,41%/tổng dư nợ; nợ khoanh là 681 tỷ đồng, chiếm 0,34%/tổng dư nợ.
Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH gần 5 năm qua đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902 nghìn lao động; giúp trên 19 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 301 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 6 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 118 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm từ 9,88% (năm 2015) xuống còn 5,23% (năm 2018).
Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế thị trường, định hướng XHCN.
Khi có Chỉ thị 40-CT/TW thì tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống của nhân dân rất nhanh, đạt hiệu quả tích cực, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, chăm lo các đối tượng yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước.