50 năm khoả thân ra đường vì chứng "sợ mặc quần áo"

(PLO) - Cũng bởi “sở thích” kỳ quái ấy mà mơ ước, khát vọng có một mái ấm gia đình vốn giản dị với người khác nhưng trở nên xa xỉ với người phụ nữ đáng thương này. 
Đã từ nhiều năm nay, người dân Mường ở bản Mực (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) quá quen thuộc với hình ảnh bà Đinh Thị Động (53 tuổi) không bao giờ… mặc quần áo.
Sở thích xuất hiện sau biến cố gia đình
Để có thể diện kiến được người phụ nữ kỳ lạ, phải vượt qua hàng chục con dốc dựng đứng, trơn như đổ mỡ. Anh Khanh - người dẫn đường cho biết, cho dù trời lạnh, nhiệt độ xuống chỉ còn 9- 10 độ C, nhưng bà Động vẫn không động đến bất kỳ một mảnh áo nào. “Bà ấy khỏe lắm, dù lạnh hay nóng, nắng hay mưa, vẫn không mảnh vải che thân. Chỉ hôm nào cực lạnh, bà ấy mới ở nhà sưởi lửa.Chuyện bà Động hơn 50 năm qua không mặc quần áo không còn là chuyện lạ với dân bản nữa”, người dẫn đường chia sẻ.
Thấy có người lạ, bà Động vội vàng lấy chiếc chăn bông cạnh bếp trùm vội vào người. Sau màn giới thiệu của người dẫn đường bằng tiếng Mường, bà Động có vẻ bớt ngại ngần hơn. Già hơn rất nhiều so với tuổi ngoài 50, đôi mắt hõm sâu, khuôn mặt nhăn nheo khắc khổ, bà kể: “Không biết vì sao tôi lại không thể mặc được quần áo như thế. Vì nếu mặc quần áo vào, tôi thấy khó chịu, bứt rứt, ngứa ngáy, chỉ muốn xé nát nó ra từng mảnh thôi”.
Người đàn bà kỳ lạ quấn kín chăn mỗi khi có khách.
Người đàn bà kỳ lạ quấn kín chăn mỗi khi có khách. 
Chưa từng mặc quần áo một lần nhưng người đàn bà kỳ lạ này lại không hề bị bệnh hay ốm đau bao giờ. “Người tôi khỏe, mà da cũng dày lắm. Trời lạnh cũng chẳng thấy lạnh đâu”, bà Động cho biết. Liền đó, bà lật chăn khỏi người, khoe tấm lưng trần với làn da xù xì, đen đúa và chai sần. 
Giọng bà nghẹn ngào: “Ngày trước cũng thấy tủi thân lắm, vì không mặc đồ, đi đâu tôi cũng phải lủi thủi, chốn chui chốn lủi. Lâu dần thành quen, thôi thì với những người dân bản, tôi vẫn cứ đi lại bình thường. Chỉ khi gặp người lạ, tôi mới phải che chắn. Biết khác người khổ là thế, nhưng tôi không biết làm thế nào”.
Theo tìm hiểu, bà Động là con thứ năm trong gia đình có sáu anh chị em. Lúc mới sinh, bà bình thường như bao đứa trẻ khác. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi bà lên 5 tuổi. Do mắc bệnh nan y, bố mẹ bà Động đều mất sớm. Thương các cháu mồ côi, anh em bên nội đã đưa 4 anh chị của bà vào Đắk Lắk sinh sống. Quê nhà chỉ còn lại bà Động và cô em út lủi thủi nương tựa vào nhau. 
Thời gian này, phần vì bố mẹ cùng đột ngột qua đời, phần vì chị em ly tán, bà bị sốc. Từ một đứa trẻ bình thường, bà Động trở nên lầm lì, ít nói. Tâm sinh lý thay đổi, bà mất luôn cả thói quen mặc quần áo. Lúc đầu, vì bà còn nhỏ nên người làng không mấy quan tâm. Đến lúc bà trưởng thành, biết là chuyện lạ thì có ngăn cản, khuyên giải cũng không kịp nữa. Tận bây giờ khi đã sống được nửa cuộc đời, bà vẫn như vậy, kể cả khi ra ngoài hay ở trong nhà. 
Nghĩ gia đình nghèo khó không có quần áo mặc, người trong bản mang quần áo cho mặc, bà nhận nhưng vẫn chẳng mặc. Hễ có người bắt mặc vào, chỉ được dăm phút, bà lại xé tan tành. Người làng biết không phải bà bị điên, bởi bà thông minh lắm, dù không được đi học nhưng nói gì bà cũng hiểu. Vì thế, người làng đồn đoán bà Động bị “ma ám”, bị “bùa” nên mới sinh ra vậy. Nghe thế, anh em, họ hàng đi mời thầy mo khắp bản trên, xóm dưới đến để cúng “đuổi ma” nhưng cũng không hiệu quả. 
Dù khỏa thân vẫn sống như người bình thường
Mặc dù không chịu mặc quần áo, cuộc sống của bà Động vẫn như người bình thường. Hàng ngày, bà vẫn đi làm như bao người trong bản, lên rẫy cạo sắn, làm nương, rồi đi đánh cá khắp các bãi sông. Ông Đinh Văn Tấn, trưởng thôn Mực cho biết: “Bà Động ngoài việc không chịu mặc áo quần thì lành tính lắm, không làm hại ai bao giờ. Nhiều lần tôi thấy, khi vào rừng lấy củi, bà Động vác theo cái gùi bên trong đựng quần áo, nhưng không mặc. Đến gốc cây, bà dừng lại mặc quần áo vào rồi mới trèo lên cây đốn củi. 
Xong việc, bà lại cởi bộ quần áo ra cho vào gùi, rồi cứ ở trần như vậy địu củi về nhà. Hỏi thì bà ấy bảo mặc quần áo trèo cây để không bị cành lá làm xước người. Ai cũng phì cười với lý do ấy mà chẳng biết phải nói thế nào”. 
Ngôi nhà đơn sơ của bà Động.
Ngôi nhà đơn sơ của bà Động. 
“Mỗi lần đi thả lưới, bắt cá trên sông, bà Động cũng cứ ở trần như vậy, bà đứng lên bơi thuyền rất khỏe. Nhưng mỗi khi có thuyền khác tới gần là bà ấy lại ngồi thụp xuống. Quay lưng ra hoặc lấy cái tải, cái rá che cho đến khi khuất bóng người mới thôi. Ngày trước mới chỉ nghe chuyện về bà Động, tôi thấy hiếu kỳ lắm. Nhưng khi gặp và biết được câu chuyện kỳ lạ, tôi thương nhiều hơn. Vì vậy, những khi vô tình nhìn thấy bà Động, chúng tôi chủ động tránh đi cho bà ấy còn tự nhiên mà kéo lưới”, một người đánh cá xóm khác cho biết.
Để ép bà Động mặc quần áo là điều không hề dễ dàng. Ngay chính họ hàng, thậm chí cả người em gái thân thiết sống cùng từ nhỏ khuyên bảo, bà cũng không chịu. Em gái bà Động tâm sự: “Hôm trước có cán bộ văn hóa trên tỉnh về thăm bản. Thấy chị tôi như vậy, mấy ông cán bộ xã xấu hổ, liền ra chợ mua một bộ quần áo thật đẹp về cho bà ấy mặc. Người bản xúm lại giúp chị mặc quần áo nhưng vừa mặc vào người, chị tôi gần như nổi điên lên, xé rách tan. Như chưa hả cơn giận, chị còn mang dao ra chặt bộ quần áo vụn nát làm nhiều mảnh mới thôi. Từ đó, không ai còn dám ép chị tôi mặc quần áo nữa”. 
Người em gái cho biết thêm, nhiều lần cán bộ y tế xuống khám đều bị bà từ chối. Nhiều lúc họ còn còn nhờ đến cả công an xã giúp đỡ, nhưng cứ nhìn thấy bóng dáng công an và cán bộ lên nhà, bà Động bỏ luôn vào rừng ở mấy ngày mới về. 
Có thói quen kỳ lạ, bà Động bị ảnh hưởng cả đến chuyện tình duyên. Nói về ước muốn có một mái ấm gia đình, giọng bà Động nghẹn lại: “Nhiều lúc cũng muốn có một người chồng, và một gia đình để nương tựa. Nhưng tôi như thế này, ai thèm lấy”. Đôi mắt bà đỏ hoe, bà bảo: “Thời 15, 16 tuổi, tôi cũng ao ước mình được đi chợ tình, rồi bắt lấy một người chồng về làm đám cưới thật to, nhưng đó chỉ là suy nghĩ thôi. Buồn lắm, mỗi khi bản có đám cưới tôi chỉ dám len lén nhìn từ xa. Đôi khi nghe tiếng ru con của các chị, các mẹ tôi cũng thấy chạnh lòng”. 
Không màng đến người làng nghĩ gì về mình, hay chuyện mình có bị bệnh hoặc bị ma ám gì đó hay không, sâu thẳm tâm hồn, bà Động vẫn luôn canh cánh, lo lắng về cuộc sống của người em gái. Bà rưng rưng: “Vì tôi mà em gái chẳng thể lấy nổi chồng nữa. Nhìn em sống hiu hắt mà đắng lòng lắm”. 
Nghe chị nói vậy, người em gái ngồi bên cạnh chen vào: “Trước giờ tôi cũng có nhiều trai bản để ý, muốn xin cưới. Nhưng mỗi lần qua nhà nhìn thấy chị gái tôi trần truồng họ lại bỏ về... Từ đấy đến giờ thôi thì tôi cứ ở vậy, hai chị em rau cháo nuôi nhau qua ngày”. 
Câu chuyện về người đàn bà sống như thời nguyên thủy, có sở thích quái đản nhất xứ Mường cứ thế lan đi. Người biết chuyện thì chia sẻ, cảm thông, nhưng nhiều người tò mò, độc miệng thì cho là bà bị “ma ám” bắt phải làm như vậy. Vì thế, người đàn bà ấy vẫn phải sống trong những lời thị phi của xóm làng. Để rồi, bà tồn tại trong đời sống thực của người dân bản Mực như một “dị nhân”, một người không bình thường. Đâu là nguyên nhân biến một cô bé khỏe mạnh, bình thường thành một người kỳ lạ như bà Động, đó có lẽ là câu hỏi không có lời đáp.