Ảnh minh họa nguồn Internet |
Không biết quy trách nhiệm chính cho cơ quan nào
Thực trạng VSATTP đang ở mức tương đối nghiêm trọng mặc dù các cơ quan nhà nước đã sử dụng rất nhiều biện pháp, kể cả cưỡng chế lẫn tự nguyện, để giảm thiểu thiệt hại do không bảo đảm ATTP. Liên tiếp các vụ việc mất ATTP từ Bắc đến Nam được phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chẳng hạn, tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện sản phẩm mực đông lạnh trương thối, mốc xanh mốc đỏ được tẩy bằng hóa chất để biến thành… mực tươi ở chợ đầu mối Long Biên; hay gần đây nhất là dùng hóa chất nhuộm xanh cho cốm làng Vòng.
Tại miền Trung, cơ quan chức năng khám phá ra hàng loạt mẫu ớt bột nhiễm chất độc hại gây ung thư; ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, hai kho chứa hàng chục tấn mỡ thối với quy trình chế biến khép kín cũng mới bị phát hiện. Phòng PC36 Công an TP.HCM “đột nhập” hai cơ sở chuyên sản xuất mỡ bột, tóp mỡ, tịch thu 70 tấn mỡ từ lòng phèo, da, mỡ động vật còn dính phân…
Pháp luật hiện hành quy định ở cấp trung ương, lĩnh vực ATTP chịu sự điều chỉnh của các cơ quan khác nhau như Bộ Y tế (đối với thực phẩm lưu thông trên thị trường và thực phẩm nhập khẩu), Bộ NN&PTNT (đối với nông sản), Bộ Khoa học và công nghệ (quy trình công nghệ và tiêu chuẩn sản phẩm), Bộ Công thương (nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thực phẩm).
Thống kê cho thấy, có tới 56 văn bản có nội dung phân công trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước, chiếm 18,73% tổng số văn bản quy phạm pháp luật về ATTP. Để thực hiện trách nhiệm của mình, các Bộ, ngành đã ban hành 211 văn bản (47 Thông tư, 174 Quyết định). Đấy là chưa tính các văn bản do địa phương ban hành, khoảng 930 văn bản.
Tuy nhiên, con số “khủng” trên lại không đồng nghĩa với hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Khi phát sinh một vụ việc cụ thể về ATTP, điều đáng buồn là vẫn không xác định được trách nhiệm thuộc về cơ quan nào!
Khó xử lý hình sự vụ việc vi phạm ATTP
Theo báo cáo tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia về VSATTP mới nhất, các vi phạm chủ yếu là chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP chiếm khoảng 90%; vệ sinh cơ sở, vệ sinh dụng cụ không đảm bảo, tỷ lệ cơ sở không đạt tiêu chuẩn chiếm 30%; vi phạm quy định về công bố tiêu chuẩn sản phẩm khoảng 30%; vi phạm về không tổ chức học tập kiến thức VSATTP cho người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm từ 30 – 35%; ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định từ 10 – 30%...
Qua thanh tra, kiểm tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện 76.049 cơ sở vi phạm về chất lượng VSATTP, trong đó phạt cảnh cáo 22.953 cơ sở, phạt tiền 6.052 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 8,9 tỷ đồng.
Qua hoạt động khảo sát tại 4 địa phương về tình hình THPL trong lĩnh vực ATTP do một nhóm chuyên gia độc lập tiến hành, công tác tổng hợp, báo cáo tình hình THPL của các cơ quan quản lý phần lớn phục vụ cho công tác báo cáo định kỳ đối với các cơ quan nhà nước cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền. Song nghịch lý ở chỗ quy định pháp luật về việc kiểm tra của cơ quan cấp trên/ cơ quan có thẩm quyền hầu như rất ít khi được triển khai thực hiện và phát huy tác dụng của nó.
Riêng về xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật VSATTP thì còn ít. Trong 5 năm gần đây, toàn ngành Tòa án mới thụ lý 160 vụ, chỉ chiếm 0,05 tổng số vụ án hình sự đã thụ lý. Nguyên nhân hàng đầu là căn cứ xác định mức thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe của người tiêu dùng để khởi tố các vụ vi phạm pháp luật hình sự còn chưa được quy định cụ thể nên một số vụ vi phạm không đủ căn cứ để chuyển sang xử lý hình sự.
LS. Trần Việt Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Trí Việt) nhận định, chế tài về ATTP là nghiêm và đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước. Quy định pháp luật trong lĩnh vực VSATTP cũng không ít. Bộ luật Hình sự đã quy định tội “đưa vào thị trường thực phẩm không đảm bảo” gây hậu quả làm chết người, gây thương tích. Có điều, chứng minh được tội phạm này rất khó. “Việc xử lý bế tắc ở khâu chứng minh quan hệ nhân quả giữa hậu quả và hành vi. Chế tài xử lý thì rõ ràng có nhưng không thể áp dụng vì cơ chế chưa đồng bộ” – LS. Hùng phân tích.
Thục Quyên