60 nhóm cực đoan thề trung thành với IS và cuộc chiến chống khủng bố ở Philippines

(PLO) -Chiến dịch bao vây tiến công lực lượng tổ chức khủng bố Maute tại Marawi - một thành phố Hồi giáo và là thủ phủ của tỉnh Lanao del Sur trên đảo Mindanao - của quân đội và cảnh sát Philippines đã diễn ra những ngày qua... 
Bahrumsyah - Thủ lĩnh IS người Indonesia
Bahrumsyah - Thủ lĩnh IS người Indonesia

Theo thông báo của quân đội nước này, cuộc đụng độ này đã khiến ít nhất 37 binh sĩ và dân thường bị chết, gần 60 ngàn người phải bỏ nhà ra đi lánh nạn. Tuy nhiên, đài CNN của Mỹ thì khẳng định, có tới hơn 100 dân thường đã bỏ mạng, hàng trăm ngàn người đã phải chạy khỏi thành phố.

Lá cờ đen

Những ngày này, tình hình an ninh của Philippines đã trở thành tiêu điểm chú ý của dư luận quốc tế, trong đó hình ảnh gây xôn xao nhất được đăng tải rộng rãi trên truyền thông quốc tế là một phần tử vũ trang chống chính phủ đang cắm lá cờ đen của Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên nóc một trường học ở Marawi!

Lẽ nào IS đã chuyển chiến trường sang Đông Nam Á? Có người cho rằng, những kẻ cực đoan đang gây bạo loạn ở Philippines chỉ là một đám thổ phỉ? 

Hình ảnh chiến binh Maute cắm cờ IS trên nóc trường học ở Marawi gây chấn động dư luận
Hình ảnh chiến binh Maute cắm cờ IS trên nóc trường học ở Marawi gây chấn động dư luận

Nhưng cũng có ý kiến phân tích, những kẻ này đã trở thành đối thủ hùng mạnh khiến quân chính phủ phải khiếp sợ, chúng đã “hợp lưu” với các nhóm cực đoan ở các quốc gia khác, có khả năng gây nên tình hình hỗn loạn trong một phạm vi lớn hơn. Bằng chứng là quân đội Philippines cho biết đã tìm thấy xác chết của những tay súng mang quốc tịch Indonesia và Malaysia trong các cuộc đấu súng vừa qua ở Marawi.

Bất kể thế nào chăng nữa, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố đối với nhiều nước Đông Nam Á là một tồn tại thực tế. Tuy quân chính phủ Philippines cho biết cuộc nổi loạn ở Marawi “đã dần đi đến hồi kết”, nhưng muốn triệt để loại bỏ khối u ác tính, e rằng không phải điều dễ dàng đối với các nước trong khu vực.

Tuyên thệ trung thành

“Tôi có một vấn đề nghiêm trọng ở Mindanao, dấu vết của IS có ở khắp nơi” – Hôm 24/5, sau khi rút ngắn chuyến thăm Nga trở về nước để chỉ đạo chiến dịch bao vây, truy quét nhóm phiến quân Maute ở Marawi, Tổng thống Duterte đã bày tỏ như thế. Ông Duterte khẳng định như vậy bởi nhóm phiến loạn giao tranh với quân đội chính phủ có mối liên hệ rất chặt chẽ với IS.

Cuộc giao tranh này bắt đầu từ ngày 23/5. Hôm đó, quân đội chính phủ tập kích để bắt giữ thủ lĩnh nhóm phiến quân Abu Sayyaf là Isnilon Hapilon nhưng bất thành. Hapilon là đối tượng nằm trong danh sách truy nã của Mỹ và đã được IS giao quyền làm thủ lĩnh chi nhánh của chúng ở Philippines.

CNN đưa tin, do lo ngại bị tóm nên Hapilon đã yêu cầu các thành viên nhóm cực đoan Maute tới tăng viện. Thế là hàng trăm tay súng Maute kéo vào thành phố Marawi chiếm giữ các cơ sở công cộng, bắt con tin, phóng thích nhiều phạm nhân trong 2 nhà tù. Cho đến nay, người ta vẫn không biết Hapilon đang ở đâu.

Tờ “USA Today” cho biết, hơn một chục nhóm vũ trang chống chính phủ ở Philippines trong đó có Abu Sayyaf và Maute đã tuyên thệ trung thành với IS và hình thành nên một liên minh lỏng lẻo. Hapilon đã được giao làm thủ lĩnh của liên minh này. Đồng thời, IS cũng đã công nhận Hapilon là “Amir” – (từ gốc Ả rập, còn gọi là Emir, Amier hoặc Ameer, tức “Tù trưởng”, Thủ lĩnh, hay người chỉ huy) của chúng ở khu vực Đông Nam Á.

“IS ở Đông Nam Á – Philippines giao chiến với mối đe dọa ngày càng gia tăng” – Ngày 29/5, CNN đã đăng tải trên trang web của họ bài viết mang tiêu đề trên. Bài báo viết: việc các phần tử quá khích thề trung thành với IS phát động cuộc tấn công mang tính khiêu khích như thế vào quân đội Philippines khiến người ta kinh sợ và ngày càng lo ngại về việc IS đang mở rộng phạm vi ảnh hưởng tới khu vực Đông Nam Á.

Đầu của Isnilon Hapilon thủ lĩnh Abu Sayyaf được treo thưởng 5 triệu USD
Đầu của Isnilon Hapilon thủ lĩnh Abu Sayyaf được treo thưởng 5 triệu USD

Ông Rohan Gunaratna, chuyên gia chống khủng bố người Singapore khẳng định: Tại khu vực Đông Nam Á đã có hơn 60 nhóm cực đoan tuyên thệ trung thành với IS. CNN nói, vụ đánh bom liều chết diễn ra tại thủ đô Jakarta của Indonesia hồi tuần trước là một minh chứng. Vụ tấn công liều chết này làm 3 cảnh sát bị chết. cảnh sát địa phương cho rằng vụ này có liên quan đến IS.

Tuần trước đó, cơ quan chống khủng bố của Malaysia cũng đã bắt giữ 6 phần tử cực đoan, 1 tên trong số đó là kẻ buôn lậu vũ khí cho IS. Hai năm gần đây, những kẻ ủng hộ IS liên tiếp xuất hiện trên các trang mạng xã hội.

Tờ “The New York Times” viết, Indonesia có khoảng 500 người có ý đồ sang Syria gia nhập hàng ngũ IS. Một số người Indonesia đã thành công trong việc gia nhập IS đang phát huy tác dụng quan trọng trong việc điều phối các hoạt động của IS ở Indonesia và Philippines.

Tạp chí “The Diplomat” của Mỹ viết, Indonesia là nơi có nhiều người có ý định gia nhập IS nhất, sau đó tới Malaysia. Hãng CNN thì trích dẫn một bản báo cáo cho biết: hiện có khoảng 1000 người Đông Nam Á đang ở trong các khu vực do IS kiểm soát ở Trung Đông.

Mindanao: Nóng càng thêm nóng

Năm ngoái, trên mạng đã xuất hiện một đoạn video mang nội dung: một phần tử IS người Malaysia thúc giục những người Hồi giáo cực đoan không thể tới Trung Đông được thì hãy sang Philippines; sau đó hắn và 2 kẻ thành viên khác người Indonesia và Philippines đã ra tay sát hại 3 tín đồ Thiên chúa giáo. “Mặc dù Philippines chưa bị chính thức coi là một “tỉnh” của IS, nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng, đó chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi” – CNN nhận định.

Ông Sidney Jones, người phụ trách Cơ quan nghiên cứu phân tích chính sách xung đột của chính phủ Indonesia nói: “Do thất bại ở khu vực Trung Đông, IS sẽ ngày càng cấp bách phát động các hoạt động bạo lực ở các nơi khác”. Trong tình hình các phần tử cực đoan ở Đông Nam Á ngày càng khó khăn trong việc tới được Syria, chúng phát hiện ra đảo Mindanao là sự lựa chọn tốt nhất.

Thành phố Marawi bị nhóm Maute đốt phá
Thành phố Marawi bị nhóm Maute đốt phá

Có ý kiến cho rằng, miền Nam Philippines là nơi ẩn náu tốt nhất cho các phần tử cực đoan trở về từ vùng chiến sự Trung Đông và cũng là căn cứ để chúng tổ chức lại, liên hệ với nhau, huấn luyện và lên kế hoạch hành động. Sự liên kết, hỗ trợ giữa các phần tử cực đoan 3 nước Indonesia, Malaysia và Philippines ngày càng nhiều.

Bản báo cáo năm ngoái của Cơ quan nghiên cứu phân tích chính sách xung đột Indonesia của ông Sidney Jones viết: một nhóm ít người Malaysia đã gia nhập tổ chức Abu Sayyaf; một thủ lĩnh của nhóm Maute đã kết hôn với một phụ nữ “chung ý chí, lý tưởng” người Indonesia.

CNN đưa tin, Bahrumsyah, kẻ tự xưng là “thủ lĩnh IS Indonesia” từng định mua vũ khí qua con đường đảo Mindanao của Philippines; tháng 4/2017, quân đội Philippines trong một chiến dịch truy quét ở tỉnh Lanao del Sur đã hạ sát 37 phần tử cực đoan, trong đó có 3 người Indonesia và 1 người Malaysia thuộc nhóm khủng bố Jemaah Islamiyah của người Indonesia.

Các chuyên gia phân tích của Trung tâm nghiên cứu phiến loạn và khủng bố Jean’s cho rằng, những sự hợp tác này là bước đi quan trọng của các phần tử cực đoan đi đến lập một mặt trận thống nhất ở Đông Nam Á, nhất là miền Nam Philippines. Trong sự kiện ở Marawi lần này, phía Philippines cũng đã phát hiện có tác tay súng quốc tịch nước ngoài đang chiến đấu trong hàng ngũ nhóm Maute...

Đọc thêm