64% học sinh THPT nói dối cha mẹ

(PLO) - Rất nhiều clip nữ sinh đánh bạn như dân anh chị, du côn ngay trong lớp học vẫn thường xuyên được đăng tải trên mạng. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều chuyên gia, học giả, nhà khoa học bày tỏ sự lo lắng về đạo đức học đường.
64% học sinh THPT nói dối cha mẹ
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Việt Nam, hiện nay tỷ lệ học sinh tiểu học nói dối cha mẹ là 22%, THCS là 50%, còn THPT là 64%. Sự dối trá, không trung thực của trẻ nếu kéo dài có thể dẫn đến những hành vi không tốt như: trộm cắp, có những hành vi bạo lực vi phạm pháp luật ở tuổi chưa thành niên.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
 Ảnh minh họa. Nguồn internet
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, trong năm 2012 tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%. Hành vi phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện. 
Cô Đào Thị Kim Thoa (Trường Tiểu học Cẩm Thượng, TP.Hải Dương, tỉnh Hải Dương) cũng cho rằng, chương trình sách giáo khoa Đạo đức cấp tiểu học còn chưa phù hợp với thực tế để rèn luyện các em. “Nội dung trong sách còn sơ sài, ít tranh ảnh minh họa, chưa gắn với lối sống của học sinh. Thời lượng giảng dạy môn Đạo đức-Giáo dục công dân từ cấp tiểu học đến THPT chỉ có 1tiết/tuần là quá ít nên việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh chưa thể truyền tải, giảng dạy được kỹ nên các em đã không ý thức được việc tu dưỡng đạo đức, trách nhiệm của việc mình làm”.
Và một thực tế nữa, hiện nay ở cấp tiểu học và THCS, giáo viên chủ nhiệm phải kiêm nhiệm dạy luôn môn Đạo đức. Ở cấp THPT, tình trạng thiếu giáo viên dạy môn Giáo dục công dân vẫn khá phổ biến, vì có những giáo viên dạy Văn, Sử, Địa phải kiêm nhiệm giảng dạy Giáo dục công dân. Việc giáo viên phải kiêm nhiệm giảng dạy nhiều môn đã dẫn đến việc họ không thể tập trung vào việc giảng dạy chuyên sâu cho môn Đạo đức-Giáo dục công dân.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT), khi xảy ra các hiện tượng tiêu cực, vi phạm đạo đức, tội phạm chưa thành niên thì nhiều người cho rằng do trẻ không được giáo dục từ nhà trường là chưa chính xác, mà phải có trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội. 
Còn cô giáo Vũ Thị Quyên (Trường Tiểu học Chi Lăng, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) nêu thực tế: Việc trẻ em “chây ì”, sống ích kỷ có nhiều nguyên nhân từ phía gia đình. Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm đến kiến thức, trình độ văn hóa mà ít quan tâm đến việc rèn luyện đạo đức, lối sống cho con. Họ cho rằng, môn Đạo đức ở trường chỉ là môn học phụ và phó mặc việc rèn luyện nhân cách của con cho giáo viên.
Không phải “cần học” mà “cần sống”
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, giáo dục đạo đức là trang bị cho học sinh năng lực để tự điều chỉnh bản thân trong xã hội hiện đại với nhiều vấn đề phức tạp. Xã hội hiện đại cần những kỹ năng gì, năng lực gì để lớp trẻ có thể hòa nhập và hoàn thiện mình thì trong nhà trường hãy tập trung trang bị cho học sinh cái đó, cần bỏ những kiến thức quá trừu tượng, xa rời thực tế đời sống. Ví dụ như thế hệ trẻ bây giờ cần học cách chào hỏi, ăn mặc, ứng xử trong những tình huống khác nhau, cách vượt qua khó khăn, hòa nhập, chia sẻ với cộng đồng, cần biết các quy định pháp luật, những vấn đề đang diễn ra trong xã hội...
Tuy nhiên, tất cả những điều đó không nên thiết kế như một bài truyền dạy, mà hiệu quả của giáo dục chỉ có thể đạt được bằng trải nghiệm của chính người học.
Ông chia sẻ: “Tôi không quan niệm đây là việc “cần học” mà là việc “cần sống”. Giá trị sống phải do mỗi người tự trải nghiệm, đúc kết. Nhưng nếu ở phần “giáo dục pháp luật” chỉ cần trang bị cho học sinh những quy định cụ thể về pháp luật thì ở giáo dục giá trị sống, người giáo viên phải nâng mình hơn một bậc, thật sự tác động được tới tâm hồn, tình cảm của các em. Làm được điều đó thì mới có thể thành công”.
Cô giáo Đào Thị Kim Thoa cũng lo ngại, trẻ em càng lớn thì tâm, sinh lý sẽ có nhiều sự thay đổi, muốn được khám phá những điều mới lạ. Nếu không được gia đình, người thân và nhà trường cùng quan tâm, kịp thời phát hiện những điều sai, suy nghĩ lệch lạc thì sẽ hình thành những thói hư ngay từ khi còn bé. Những thói hư, tật xấu sẽ kéo dài cho đến khi các em trưởng thành và đến một lúc nào đó có điều kiện tác động, các em sẽ có những hành vi vi phạm pháp luật.

Đọc thêm