7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long: Nguồn vốn nào thực hiện?

(PLVN) - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 dự án cao tốc ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế vào nguồn lực đang có, để hệ thống 7 tuyến cao tốc ở miền Tây hoàn thành với tổng chiều dài gần 800km thì vẫn còn xa…
Nguồn vốn đang là vấn đề nan giải để phát triển cao tốc ở ĐBSCL. (Ảnh minh họa)

Cần hơn 60 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ GTVT, 7 tuyến đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL có tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 37.300 tỷ đồng. Các tuyến cao tốc gồm Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu.

Về tiến độ đầu tư, theo quy hoạch, các tuyến cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Còn đoạn Bạc Liêu - Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài 26 km, rộng 17 m, quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Trong đó, phần vay ODA của Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc trên 3.800 tỷ đồng (hơn 196 triệu USD) và hơn 690 tỷ đồng của Chính phủ. Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 197 km, dự kiến đầu tư theo hình thức ODA và ngân sách, kinh phí khoảng 69.000 tỷ đồng. Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành; trong đó đoạn An Giang gần 60 km, TP Cần Thơ hơn 46 km, Hậu Giang hơn 23 km và Sóc Trăng 25,5 km. Dự án sẽ khởi công năm 2023 và hoàn thành sau 3 năm. 

Cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 225 km, đi qua các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu. Dự án có tổng mức đầu trên 33.250 tỷ đồng, dự kiến huy động nguồn vốn từ các nhà tài trợ và vốn đối ứng của Chính phủ. Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh và Chơn Thành - Đức Hòa cũng dự kiến thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 với tổng vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Hai dự án này đang ở giai đoạn hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.  

Nguồn vốn - bài toán nan giải

Nếu 7 dự án cao tốc theo quy hoạch được xây dựng hoàn thành thì cơ bản hệ thống đường cao tốc ở ĐBSCL là tương đối hoàn thiện với trục Bắc – Nam có hai tuyến cao tốc chạy song song, trục Đông – Tây cũng hai tuyến cao tốc song song. 

Quy hoạch “rất đẹp” là vậy, tuy nhiên vốn đâu để thực hiện lại là một vấn đề nan giải. Nhìn vào kế hoạch đầu tư của Bộ GTVT trình Chính phủ, vốn để thực hiện các dự án cao tốc trên chủ yếu là vốn đầu tư công, ODA, đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, như Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói trên Quốc hội mới đây cho thấy, nguồn vốn đầu tư công trong thời gian vừa qua bố trí cho ngành GTVT còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; nguồn vốn vay ODA ngày càng kém ưu đãi; thu hút đầu tư theo hình thức PPP gặp nhiều khó khăn do thời gian vay vốn kéo dài, trong khi nguồn vốn của tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, thực tế triển khai một số dự án BOT ngành GTVT thời gian qua cũng cho thấy, trong điều kiện chưa có quy định pháp luật về cơ chế chia sẻ rủi ro, đặc biệt là rủi ro về doanh thu, dẫn đến việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư các dự án BOT giao thông thời điểm hiện nay là rất khó khăn. 

Ngoài ra, ĐBSCL có đặc điểm tự nhiên rất đặc thù, là khu vực có nền địa chất phức tạp, địa hình nhiều sông, kênh, rạch nên phải xử lý nền đất yếu, xây dựng nhiều cầu, dẫn đến suất đầu tư cho các công trình lớn, thời gian thực hiện kéo dài.

Những khó khăn trên giải thích tại sao hiện nay khu vực ĐBSCL mới chỉ có khoảng 100km đường tiêu chuẩn cao tốc dù Nhà nước đã quy hoạch, quan tâm đầu tư. Hiện nay cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đang được xây dựng, nhưng dự án này là minh chứng cho thấy cao tốc xây dựng ở miền Tây khó khăn thế nào. 

Cụ thể, dự án này được khởi công năm 2009, dài 51km, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn. Sau đó phải chuyển chủ đầu tư, chuyển cơ quan quản lý dự án từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Nhưng đến nay, sau 11 năm thực hiện, dự án vẫn chưa thông tuyến, dù Chính phủ liên tục có văn bản chỉ đạo thúc đốc đẩy nhanh tiến độ.

Đọc thêm