Trưa 30/8, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn của bệnh viện, đang điều trị hai ca nhiễm độc tố botulinum. Họ là hai chị em, tuổi trung niên, sống cùng nhau ở Long An, phát bệnh sau khi ăn món pate Minh Chay.
Khi nhập viện, cả có triệu chứng khó nuốt, không há miệng được. Bệnh diễn tiến nặng nhanh, liệt cơ toàn thân, liệt cơ hô hấp, phải thở máy. Sau hơn hai tuần điều trị, hiện tại người em hồi phục tốt hơn, đang tập cai máy thở, cử động được chân tay nhưng còn yếu.
"Người chị nặng hơn, đã tỉnh táo song chỉ mới cử động được các đầu chi và mấp máy môi. Bệnh nhân tiếp tục lệ thuộc hoàn toàn vào máy thở", bác sĩ Vĩnh Châu nói.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, từ ngày 24 đến 30/7, khoa Bệnh Nhiệt đới lần lượt tiếp nhận năm bệnh nhân bị sụp mi, liệt cơ hô hấp do ngộ độc botulinum. Trong đó, hai người là vợ chồng, cùng 36 tuổi, chuyển viện từ Khánh Hòa ngày 24/7. Người vợ mang thai 19 tuần.
Các bác sĩ Chợ Rẫy cho biết, trưa 19/7, hai vợ chồng cùng ăn pate Minh Chay. Hai ngày sau, họ lần lượt xuất hiện triệu chứng buồn nôn, nôn ói, nuốt khó, sụp mi mắt... Khi vào Chợ Rẫy, cả hai tỉnh táo nhưng sụp mi mắt hoàn toàn, nói khó, nuốt khó, yếu tứ chi, sức cơ còn 2 đến 4/5. Sau đó họ khó thở tăng dần, suy hô hấp phải đặt nội khí quản, thở máy vào ngày 27/7.
Ba bệnh nhân còn lại từ 20 đến 26 tuổi, là bạn bè, trong đó hai người ngụ tại Đồng Nai và một người ở Vũng Tàu. Ngày 24/7, họ cùng ăn pate Minh Chay, nhập viện vì nói khó, sụp mi mắt, khó nuốt, khó thở, yếu tứ chi với sức cơ từ 2 đến 3/5. Tại Chợ Rẫy, các bệnh nhân tỉnh nhưng suy hô hấp, phải thở máy.
Hai hộp pate Minh Chay mà các bệnh nhân đang ăn dở, được đem đi cấy vi sinh tại Viện Vệ sinh dịch tễ TP HCM. Kết quả phát hiện có vi khuẩn Clostridium botulinum.
Các bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy được hỗ trợ thở máy, kết hợp thay huyết tương năm lần cách ngày, bổ sung vitamin nhóm B, dinh dưỡng, vật lý trị liệu... Tới ngày 25/8, bốn bệnh nhân đang cải thiện khá hơn. Riêng bệnh nhân 20 tuổi tái liệt sau hai ngày cải thiện.
Ngoài 7 bệnh nhân trên, Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, ghi nhận hai ca ngộ độc do ăn pate Minh Chay đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Cục An toàn Thực phẩm chiều 29/8 đã cảnh báo khẩn, yêu cầu người dân ngưng ăn món pate này, nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi ăn phải vào bệnh viện ngay.
Sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới. Công ty này trụ sở tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội; sản xuất và kinh doanh qua mạng. Kết quả kiểm nghiệm ban đầu cho thấy một số sản phẩm Pate Minh Chay, thuộc các lô khác nhau, nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinumtyp B.
Botulinum là một chất độc tác động lên các dây thần kinh, do vi khuẩn Clostridium botulinum sản sinh ra trong quá trình phát triển. Loại vi khuẩn này sống trong môi trường không có không khí (yếm khí). Chúng có khả năng tự tạo ra bào tử, nằm lẫn trong đất cát. Khi có điều kiện thuận lợi, nhất là những thức ăn bị nhiễm vi khuẩn được đóng hộp, thì các bào tử này sẽ tái hoạt động trở lại, sinh sản, phát triển và tạo ra botulinum.
Bệnh nhân có thể bị ngộ độc sau 12-36 giờ, thậm chí lâu hơn, nếu ăn phải các loại thức ăn nhiễm độc. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân. Cuối cùng, bệnh nhân khó thở, không thở được do liệt các cơ hô hấp. Các triệu chứng này xuất hiện chậm hay nhanh tùy thuộc vào lượng botulinum ăn phải.
Ngộ độc botulinum là một bệnh cảnh vô cùng nguy hiểm. Khi bị liệt, dù điều trị tích cực, tình trạng này vẫn kéo dài vài tháng, có thể liệt không hồi phục. Thậm chí, bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Ngoài xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống, bào tử vi khuẩn Clostridium botulinum còn có thể xâm nhập qua các vết thương ngoài da không được giữ sạch. Khi vết thương liền miệng tạo ra môi trường yếm khí, thì các bào tử có thể tái hoạt sản sinh ra chất độc botulinum dẫn tới ngộ độc.
Riêng với trẻ em, trong đường ruột của trẻ nhũ nhi, bào tử vi khuẩn này cũng có thể phát triển dù ăn phải thức ăn bị nhiễm bào tử không đóng hộp, gây ngộ độc.