70 năm tuyên ngôn độc lập giữ nguyên giá trị về quyền tự quyết dân tộc

(PLO) - Để nhận thức sâu sắc hơn về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập đối với dân tộc Việt Nam, đối với công cuộc đổi mới hiện nay và thời đại là mục đích của hội thảo “Tuyên ngôn độc lập – giá trị dân tộc và thời đại” do Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức sáng qua (28/8).
Văn kiện “mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc”
Theo PGS.TS.Phạm Ngọc Anh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn độc lập “là văn kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị thời đại sâu sắc” vì không chỉ là văn kiện “mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc”, bản Tuyên ngôn độc lập còn là văn kiện khẳng định và kết tinh giá trị truyền thống yêu nước và khát vọng độc lập, tự do của dân tộc từ bao đời, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn thể dân tộc Việt Nam “quyết đem cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Tuyên ngôn độc lập còn đóng góp quan trọng trong sự phát triển của tư tưởng nhân loại về quyền con người, quyền dân tộc nên là ngọn cờ cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, thức tỉnh và cổ vũ, động viên to lớn cho các dân tộc bị áp bức ở các châu Á, Phi, Mỹ Latinh, trước hết là các dân tộc trên bán đảo Đông Dương đang chịu ách thống trị của thực dân Pháp vùng dậy đấu tranh theo tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.
Ra đời đã 70 năm nhưng đến nay Tuyên ngôn độc lập vẫn mang tính thời sự sâu sắc cả trên bình diện trong nước và quốc tế bởi những quyền dân tộc tự quyết và quyền con người, độc lập, chủ quyền và tự do, dân chủ, bình đẳng, hạnh phúc… được đề cập trong bản Tuyên ngôn độc lập vẫn đang là những vấn đề dân tộc Việt Nam và cả loài người hết sức quan tâm.
Và trên hết, “Tuyên ngôn độc lập là bản tuyên ngôn bất hủ, có sức sống trường tồn. Tư tưởng chủ đạo của Tuyên ngôn độc lập vẫn đang soi đường cho dân tộc Việt Nam trên hành trình củng cố, giữ gìn độc lập, tự do, hạnh phúc” - PGS.TS.Phạm Ngọc Anh nhận định.
Giáo dục để duy trì những giá trị nhân văn
Trải qua 70 năm, “những khẳng định về quyền tự quyết dân tộc, về chủ quyền của dân tộc Việt Nam trong Tuyên ngôn độc lập vẫn còn nguyên giá trị” - Ths.Nguyễn Thị Huyền Trang, Bảo tàng Hồ Chí Minh nhấn mạnh. Đặt bản Tuyên ngôn độc lập trong tương quan với “2 bản tuyên ngôn” của dân tộc trước đây là “Nam quốc sơn hà” (Lý Thường Kiệt) và Bình ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Ths. Huyền Trang nhận thấy Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh là sự khẳng định mạnh mẽ nhất về chủ quyền dân tộc, có gắn cả yếu tố dân tộc và thời đại, có liên hệ với các cường quốc trên thế giới để chứng minh cho một chân lý hiển nhiên: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do, độc lập và thực sự đã thành một nước tự do, độc lập”. 
TS.Nguyễn Thị Tình, Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng, để phát huy giá trị của Tuyên ngôn độc lập trong đổi mới và hội nhập quốc tế, cần chú trọng đến quốc sách hàng đầu là giáo dục, tạo dựng cho các thế hệ thấm nhuần được những tư tưởng, giá trị nhân văn cao cả, về tinh thần yêu nước, ý chí tự lập, tự cường của dân tộc, chủ quyền dân tộc trong bản Tuyên ngôn độc lập – những giá trị cao quý mãi soi sáng con đường đi lên của dân tộc Việt Nam.
Phân tích từ phương diện pháp lý của bản Tuyên ngôn độc lập, bà Vương Thị Nga – Bảo tàng Hồ Chí Minh chỉ ra đây là văn bản pháp lý đầu tiên của nước Việt Nam mới, công bố về sự thành lập của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mang tư tưởng xuyên suốt là “độc lập, tự do” cho dân tộc Việt Nam. 
Đi qua 70 năm, bản Tuyên ngôn độc lập vẫn giữ nguyên những giá trị sâu sắc về “quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do của các dân tộc”. “Đó là những giá trị mà dân tộc đã và đang không ngừng phấn đấu trong suốt sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. 
Những tư tưởng trong Tuyên ngôn độc lập là nguồn sức mạnh, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân trong công cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” - bà Nga nhấn mạnh.

Đọc thêm