8 bất cập của Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005

(PLO) - Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, chưa nghiêm, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống tham nhũng

Đó là nhận định của Bộ Chính trị về tình hình tham nhũng ở nước ta tại Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.

Theo dự thảo Tờ trình về Luật PCTN (sửa đổi) đang được Thanh tra Chính phủ lấy ý kiến, kết quả 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên xuất phát những bất cập của Luật.

Thứ nhất, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là chưa làm rõ về nguyên tắc, hình thức, nội dung, thời gian, trách nhiệm thực hiện công khai, minh bạch;

Nội dung công khai, minh bạch theo ngành, lĩnh vực trùng lặp với quy định về công khai trong nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành;

Chế độ thông tin, báo cáo, đo lường, đánh giá về thực trạng tham nhũng và công tác PCTN chưa cụ thể.

Thứ hai, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ thực hiện đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức), chưa toàn diện;

Trình tự, thủ tục và nội dung thực hiện trách nhiệm giải trình còn chưa rõ ràng, chưa mang tính khả thi, chưa gắn với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác, đặc biệt là biện pháp về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Thứ ba, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; một số biện pháp hiệu quả còn hạn chế như thiếu cơ chế giám sát, tiếp nhận, xử lý thông tin, phản ánh vi phạm về nhận, tặng quà;

Thiếu biện pháp xử lý cụ thể; chưa khắc phục được việc tặng và nhận quà đối với người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến công vụ;

Chưa kiểm soát được hoạt động và thu nhập ngoài công vụ của người có chức vụ, quyền hạn…

Cần sửa đổi Luật PCTN để tăng cường hiệu quả công tác PCTN

Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng và không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng;

Cơ chế xác định người đứng đầu và phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu còn thiếu cụ thể…

Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập; còn vướng mắc về trình tự, thủ tục công khai bản kê khai, giải trình, xác minh tài sản, thu nhập khi có yêu cầu;

Chưa quy định rõ việc sử dụng bản kê khai tài sản vào mục đích phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng;

Thiếu quy định về việc xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình một cách hợp lý và thời hạn người kê khai tài sản, thu nhập có nghĩa vụ giải trình về tài sản, thu nhập...

Thứ sáu, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, bao gồm cơ quan kiểm tra của Đảng, kiểm toán nhà nước, thanh tra nhà nước và cơ quan giám sát chưa phù hợp, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phát huy vai trò của mỗi cơ quan trong xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Thứ bảy, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng, các quy định chưa bao quát được hết các tình huống phát sinh trên thực tế như việc tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh về hành vi có dấu hiệu tham nhũng

Thứ tám, chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản khác trong hệ thống pháp luật dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất, đặc biệt là với các quy định của Bộ luật hình sự;

Thiếu quy định về các biện pháp xử lý phi hình sự đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hành vi tham nhũng và thiếu quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền để xử lý các hành vi vi phạm Luật PCTN.

Theo Ban soạn thảo, những nhận định, đánh giá sơ bộ này sẽ tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện sau khi kết thúc tổng kết toàn quốc về 10 năm thi hành Luật PCTN.

Tại Hội thảo tham vấn về sửa đổi Luật PCTN do Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây với sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế, đa số các đại biểu đều nhận định, việc sửa đổi toàn diện Luật PCTN lần này của Đảng, Nhà nước thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn trong đấu tranh phòng ngừa, xử lý tham nhũng, tao môi trường lành mạnh để phát triển kinh tế xã  hội.

Đánh giá “nhiều điểm mới tại dự thảo Luật PCTN sửa đổi đã cơ bản tạo ra một cơ chế phòng ngừa tham nhũng toàn diện và sâu rộng, mang tính chủ động cao”, các đại biểu cũng cho rằng, Luật PCTN sửa đổi cần tăng cường hơn nữa việc tạo cơ chế để các thành phần trong xã hội có thể tham gia vào việc giám sát, phòng ngừa tham nhũng.

Các tồn tại của Luật PCTN được chỉ ra qua Báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật PCTN; các báo cáo hàng năm của Chính phủ về công tác PCTN (giai đoạn 2006 - 2015); và các báo cáo khảo sát, nghiên cứu, đánh giá về việc thực hiện Luật PCTN như Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) giai đoạn 2010 - 2014; Báo cáo kết quả khảo sát “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” năm 2013 do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ thực hiện; Khảo sát về xung đột lợi ích trong khu vực công: quy định và thực tiễn ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) và Thanh tra Chính phủ thực hiện; Khảo sát 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005 do Thanh tra Chính phủ thực hiện (Vụ Pháp chế triển khai)… 

Đọc thêm