Cụ thể, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8/2021 ước đạt 949 triệu USD. Lũy kế 8 tháng ước đạt 11,217 tỷ USD, tăng 43% so với cùng kỳ, trong đó: Gỗ và sản phẩm gỗ: 10,426 tỷ USD, tăng 42%; lâm sản ngoài gỗ đạt 791 triệu USD, tăng 54% so cùng kỳ năm 2020.
Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính (gồm: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc) hiện nay chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tháng 8/2021 ước đạt 243 triệu USD; lũy kế 8 tháng ước đạt trên 2,07 tỷ USD, tăng 34% so cùng kỳ.
Các thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản chính là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Cameroon, Thái Lan, Chi Lê, chiếm khoảng 55% tổng giá trị gỗ và lâm sản nhập khẩu 8 tháng qua.
Như vậy, 8 tháng năm 2021, xuất siêu gỗ và lâm sản ước đạt 9,149 tỷ USD, tăng 45%.
Tại Báo cáo mang tên "Tác động của đại dịch COVID-19 đến ngành gỗ: Thực trạng 8 tháng đầu năm và kịch bản cho các tháng cuối năm 2021" do nhóm nghiên cứu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VINFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA), Hiệp hội và Tổ chức Forest Trends công bố mới đây đã đánh giá COVID-19 gây ra nhiều khó khăn đối với ngành gỗ khi các trung tâm chế biến lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề.
Nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức 20-50% so với trước thời điểm giãn cách nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Dựa trên các con số báo cáo và phân tích thị trường, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm.
Và ở cả 2 kịch bản, kim ngạch xuất khẩu gỗ đều chưa chạm đến mục tiêu 14,5 tỷ USD đề ra.