823 ngày đêm "căng mình" dùng trí chống giặc giữa phi trường

Trong bước ngoặt mùa xuân năm 1973, sau thành công của Hiệp định Pari, ở Sài Gòn, có một trại lính vốn bình thường bỗng nổi tiếng ở hai miền Bắc - Nam cũng như ở nước ngoài.  Đó là Trại David.

Trong bước ngoặt mùa xuân năm 1973, sau thành công của Hiệp định Pari, ở Sài Gòn, có một trại lính vốn bình thường bỗng nổi tiếng ở hai miền Bắc - Nam cũng như ở nước ngoài.  Đó là Trại David.

“Ốc đảo David” giữa Sài Gòn

Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết giữa bốn bên: Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ( CPVNDCCH), Chính phủ Hoa Kỳ (CPHK), Chính phủ Việt Nam cộng hoà (CPVNCH). Theo tinh thần hiệp định, một ban liên hợp quân sự (Ban LHQS) 4 bên được thành lập để thực hiện hiệp định. 

strgsr
Ông Đào Chí Công

Phái đoàn CPCMLTCHMNVN hơn 100 người do tướng Trần Văn Trà làm trưởng đoàn. Phái đoàn CPVNDCCH (đoàn A) và phái đoàn CPCMLTCHMNVN (đoàn B) được xếp ở chung trong Trại David – một trại quân sự không quân mang tên người lính Mỹ đầu tiên chết ở chiến trường Việt Nam, gồm 80 nhà sàn lớn nhỏ lợp mái tôn.

Trại nằm sát phía nam sân bay Tân Sơn Nhất, trong khu vực quân sự, xung quanh có 13 bốt gác cao và trạm gác trên mặt đất, ngày đêm được canh phòng nghiêm ngặt và được rào xung quanh bằng hàng rào kẽm gai.

Thuở đó, họ đều là những sĩ quan trẻ, lần đầu tiên được đáp máy bay xuống phi trường Tân Sơn Nhất với nhiều cảm xúc. Họ vào trại khi không khí Tết vẫn còn ấm áp ở Sài Gòn. Một cành đào thắm sắc được máy bay chở từ Nhật Tân Hà Nội vào, cùng một cành mai được nhân dân Sài Gòn gửi tặng đặt trong phòng khách.  

Sắp xếp cho 2 Đoàn ta ở trại David, chính quyền Sài Gòn âm mưu cô lập, ngăn không cho ta tiếp xúc với nhân dân thành phố đồng thời dễ bề kiểm soát thông tin, gây nhiễu sóng thông tin của ta để hạn chế, bưng bít dư luận không có lợi cho chúng.

tnz
Chiến sỹ quân giải phóng xuống sân bay Tân Sơn Nhất

Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu ta đã lập một tổ kỹ thuật thông tin do một số kỹ sư và cán bộ kỹ thuật của TTXVN, mang theo phương tiện kỹ thuật vào trại lắp ngay hệ thống thông tin têlêtíp, kịp thời phục vụ thông tin 2 chiều của 2 Đoàn.

Mọi hoạt động của 2 Đoàn ta qua hệ thống thông tin vô tuyến này mà chuyển về cho TTXVN ở Hà Nội và TTX Giải phóng, cung cấp cho các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của dư luận trong nước và quốc tế có lợi cho phía ta, khiến đối phương rất lo sợ...

Những năm tháng không quên

Theo tinh thần Hiệp định, trong thời hạn 60 ngày sẽ thực hiện xong việc trao trả tù binh, cũng là thời hạn lính Mỹ phải rút toàn bộ khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ông Đào Chí Công, một người lính đang từ mặt trận Quảng Trị ác liệt được lệnh tham gia Ban LHQS.

Ông Công trước đó là cựu sinh viên Đại học Ngoại Thương nên có vốn tiếng Anh tốt, vì vậy ông làm nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu, dịch tài liệu tại văn phòng đối ngoại đoàn B. (Cũng nói thêm rằng, những người được lựa chọn tham gia là những chuyên gia giỏi về nhiều lĩnh vực quân sự khác nhau). Với ông Công và đồng đội, đó là 60 ngày rất đặc biệt trong đời lính.

rtgqq
Một dãy nhà mái tôn trại David

Một mặt, các ông được tận mắt chứng kiến (và giám sát) những đội quân xâm lược cuối cùng lên máy bay rời khỏi nước ta, một mặt chào đón những đồng chí, đồng đội từ các nhà lao của chính quyền Sài Gòn về với cách mạng. Có lúc, ngày hôm trước các ông đến nhà lao Phú Quốc kiểm tra tình trạng tù binh của ta, thì ngày hôm sau bay ra Hà Nội giám sát các phi công - tù binh Mỹ rời “khách sạn Hilton” ra sân bay Gia Lâm...

Về sinh hoạt, hằng tuần lương thực được chuyển từ ngoài Bắc và các vùng giải phóng vào. Mọi sinh hoạt của họ đều ở gọn trong hàng rào dây thép gai của trại; thỉnh thoảng nếu có dịp ra ngoài, các ông đều được đi xe con, gắn cờ 4 bên và hình ảnh những người lính, sỹ quan Việt cộng dần trở nên gần gũi, thân thiện với nụ cười hiền trong mắt nhân dân Sài Gòn.

Đi đến đâu các ông cũng tranh thủ tiếp xúc với dân chúng, mặc cho chính quyền Sài Gòn ra sức cản trở. Thêm nữa, hàng tuần ở trại đều tổ chức chiếu phim, đưa văn công giải phóng vào, xóa tan hình ảnh bọn Mỹ ngụy vẽ về Việt cộng một cách gớm ghiếc và một người có thể giết hại 10 người dân lành...

Ông Đào Chí Công kể: "Nằm ở phi trường, chúng khủng bố bằng những âm thanh chát chúa, tiếng máy bay gầm rú trên đầu trong tiết trời oi bức, nóng bỏng. Nhưng hàng ngày, anh em chúng tôi luôn giữ sự lạc quan và tự tin, chơi bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, cầu lông... trong sân trại. Chúng tôi còn tổ chức giải mời các đoàn trong Uỷ ban Giám sát quốc tế (gồm Ba Lan, Hungary, Canada và Indonesia) đến thi đấu”.

Rồi những ngày Tết, đoàn cũng tổ chức vui tết cổ truyền dân tộc, có cả thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh, kẹo bánh, thuốc lá Thăng Long, rượu Lúa Mới, cành đào Nhật Tân từ Hà Nội đưa vào, mai vàng từ rừng căn cứ vùng giải phóng đưa ra bằng máy bay Mỹ.

Sau 60 ngày, khi việc trao trả tù binh giữa các bên đã xong, phái đoàn VNDCCH và phái đoàn Hoa Kỳ hết nhiệm vụ, rời khỏi Sài Gòn. Chỉ còn lại phái đoàn CPCMLTCHMNVN và phái đoàn VNCH trong Ban LHQS 2 bên. Các ông đã phải căng mình chịu đựng những áp lực, sự hằn học, đe doạ, thậm chí hành hung từ phía bên kia. Chúng như vô tình cho nổ lựu đạn cay bên ngoài hàng rào trại, nhưng ở đầu hướng gió nên khói cay tràn ngập trại...

Rồi chúng đưa tới xưởng sửa chữa máy bay (nằm cạnh trại) chiếc C130 cổ lỗ, cứ đến 9-10 giờ tối là mở máy chạy đinh tai nhức óc... Điều kiện đi lại, sinh hoạt của các ông ngày càng bị hạn chế; có ngày các ông phải chịu tới 28 đợt pháo kích tấn công và thường xuyên cô lập cắt điện, cắt nước...

Bước vào tháng 4/1975, sinh mạng của cả phái đoàn càng trở nên mong manh. Đối phương cách ly Trại David với bên ngoài, cho xe thiết giáp đậu quanh chĩa nòng pháo vào trại.

Những ngày cuối cùng của chiến tranh, mỗi người đều có một khẩu súng, một quả lựu đạn lúc nào cũng phải mang theo, kể cả khi ngủ. Mỗi người cũng được phát một chiếc khăn mặt để đề phòng trường hợp quân ngụy  phun khí độc vào, họ có thể đi tiểu tiện vào chiếc khăn mặt ấy để ấp lên mũi mà lọc bớt một số chất độc hóa chất. Và các ông đều sẵn sàng cho tình huống xấu nhất nhưng không một ai sợ cái chết có thể ập xuống bất cứ khi nào.

Dù đã có một chiến dịch giải cứu phái đoàn được chuẩn bị bằng cách cho đặc công đột nhập vào trại đưa phái đoàn ra, chỉ để lại đội quân cảm tử 12 người ở lại nhưng đã thất bại. Không ngồi yên chờ đợi, các ông bí mật đào hầm chiến đấu bằng những dụng cụ thô sơ tự chế ( từ cọc màn, dao... vì không thể ra ngoài mua cuốc xẻng). Chỉ trong mười mấy ngày, các ông đã đào được cả hầm chứa thương binh, tài liệu mật, lương thực và hệ thống hầm thông nhau dài cả cây số.

Sau này các ông được biết, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn - tướng Cao Văn Viên - khi bỏ chạy còn để trên bàn làm việc kế hoạch huỷ diệt trại David bằng pháo cối, ném bom, chất độc hoá học, xe tăng... Và rồi ông Công cùng đồng đội là những người vinh dự kéo lá cờ cách mạng sớm nhất ở nội đô Sài Gòn lên đỉnh tháp nước trong Trại David, vào lúc 9 giờ sáng 30/4/1975.

Tâm nguyện phục hiện Trại Davis

Ngay sau giải phóng, hầu hết những người lính, sỹ quan trong Trại David đều trở về các đơn vị, trở về quê hương hoặc tiếp tục học đại học. Ông Đào Chí Công ở lại văn phòng Ủy ban Quân quản ở Dinh Độc lập, phụ trách văn thư bảo mật cùng khoảng 10 đồng đội khác cho tới Hội nghị Hiệp thương tháng 11/1975. Sau này, ông công tác ở Bộ Quốc phòng và có một thời gian dài làm Tham tán Thương mại tại Liên Xô cũ.

Có thể nói, với khoảng 300 người lính, sỹ quan  ở Trại David- 823 ngày đêm ( 2 năm 2 tháng) là những ngày tháng mãi mãi đọng lại trong kí ức về một giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc. Mỗi người trong số họ đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình. Mới đây Đoàn đại biểu Quân sự CPCMLTCHMNVN và đoàn  đại biểu quân sự CPVNDCCH đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kí quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (kí ngày 12/9/2011).

Vật đổi sao dời, 36 năm sau chiến tranh, Trại David của những năm trước 1975 đã không còn dấu vết. Và, tâm nguyện của những người lính Trại David mong muốn phục hiện lại khu di tích ở gần sân bay Tân Sơn Nhất trong khoảng 1km2 để sau này, khi những nhân chứng lịch sử dần theo lá vàng về cội, hình ảnh Trại David sẽ còn mãi với thời gian, ghi dấu một thuở hào hùng...

Uyên Na

Đọc thêm