85.000 tỷ đồng nợ xấu được ngân hàng tự xử lý

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình cho biết, trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013, đã có 85.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng được các ngân hàng tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình cho biết, trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013, đã có 85.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng được các ngân hàng tự xử lý bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro.

Nợ xấu thấp hơn dự đoán?

Theo nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do đi vào hoạt động chậm hơn 2 tháng so với dự tính nên Cty Quản lý Tài sản Nợ xấu Quốc gia (VAMC) chỉ có thể xử lý được khoảng 30.000 tỉ đồng nợ xấu, so với mục tiêu xử lý được 70.000 tỉ đồng nợ xấu trong năm nay.

Việc giảm hơn một nửa quy mô mua lại nợ xấu của VAMC có thể tác động lớn đến việc cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng trong năm nay và sẽ tác động tiêu cực đến viễn cảnh lợi nhuận của các ngân hàng. Tuy vậy, có một số dấu hiệu cho thấy các tổ chức tín dụng đang nỗ lực để tự xử lý nợ xấu thay vì chờ VAMC.

Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Đặng Thanh Bình cho biết, việc các ngân hàng tích cực tự xử lý nợ xấu góp phần đưa tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6/2013 xuống mức 4,68% tổng dư nợ, thấp hơn nhiều so với dự đoán.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, đến cuối tháng 7, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn là hơn 52.300 tỉ đồng, chiếm 5,85% tổng dư nợ tín dụng và tăng 11% so với cuối năm 2012.

Trong đó, nợ nhóm 5 tức nợ có khả năng mất vốn là 35.075 tỉ đồng, chiếm 67,1% so với tổng nợ xấu.  Theo quy định, với nợ nhóm 5, các ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% giá trị khoản nợ.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo xử lý và tái cơ cấu được 8 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; chỉ đạo 3 trong số 4 ngân hàng thương mại quốc doanh lớn cổ phần hóa, trong đó có 2 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

 Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình nhận định: xử lý nợ xấu không chỉ là câu chuyện của riêng ngành ngân hàng mà còn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đến tình hình phát triển chung của nền kinh tế. Chính vì lẽ đó, xử lý nợ xấu là một nội dung lớn và là mấu chốt trong tái cơ cấu các ngân hàng.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém thông qua nhiều biện pháp như: hợp nhất, sáp nhập, thậm chí cho phép các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng Việt Nam. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cần một quá trình.

Mục tiêu sắp tới của NHNN là tạo được hệ thống thể chế mới sát hơn với các thể chế an toàn hiện nay đang được áp dụng trên thế giới, từ đó tạo ra được một thể chế mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho việc đổi mới hoạt động của hệ thống ngân hàng, đặc biệt trong vấn đề quản trị doanh nghiệp.  

Từ nay đến 2015, NHNN sẽ cố gắng xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém thông qua nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, có hợp nhất - sáp nhập, thậm chí mạnh hơn nữa là cho phép các tổ chức nước ngoài, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài đầu tư vào các tổ chức tín dụng, ngân hàng Việt Nam.

Vẫn là “quả bom nổ chậm”

Tình hình nợ xấu của các ngân hàng đến thời điểm này vẫn là mối quan ngại của các cơ quan chức năng. Dự kiến, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) sẽ là tổ chức tín dụng bán nợ nhiều nhất cho Cty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với số nợ ban đầu trên sổ sách dự kiến trên 10.000 tỉ đồng.

Hai ngân hàng khác là Ngân hàng Nam Việt (Navibank) và Á Châu (ACB) cũng đã thông báo về việc sẽ bán một phần nợ xấu cho VAMC. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của Navibank việc bán bao nhiêu nợ cho VAMC hiện vẫn chưa được HĐQT ngân hàng quyết định. Ban điều hành chỉ vừa mới đề xuất các phương án xử lý nợ trong đó có phương án bán một phần nợ theo giá trị sổ sách cho VAMC.

 Còn theo lãnh đạo ACB, việc bán nợ xấu cho VAMC mới dừng ở chủ trương, còn bán lúc nào, giá bao nhiêu thì vẫn chưa cụ thể. Nhiều ngân hàng gốc quốc doanh khác cũng đã giao cho đầu mối là Ban tín dụng, Bộ phận quản lý nợ chuẩn bị làm việc với VAMC, song hai bên chưa chốt được các khoản nợ hay khối lượng mua bán cụ thể bởi bản thân các ngân hàng chưa có đủ cơ sở pháp lý, hướng dẫn (văn bản dưới Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC) để nhặt được ra các khoản nợ nào sẽ được bán cho VAMC.

Để gỡ vướng này, NHNN đã chuẩn bị xong 4 dự thảo thông tư hướng dẫn và VAMC đã làm việc với các ngân hàng thương mại để mua lại các khoản nợ xấu nhà nước. NHNN cũng đang xin ý kiến Thủ tướng về việc áp dụng lãi suất tái cấp vốn thấp hơn cho các ngân hàng đi vay bằng công cụ trái phiếu đặc biệt, so với lãi suất tái cấp vốn thông thường trên thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngân hàng, việc các ngân hàng bán nợ cho VAMC sẽ được 3 điều lợi, đó là có thể đưa nợ xấu ra ngoài bảng cân đối kế toán, có cơ hội vay được tiền tái cấp vốn, và chỉ phải trích lập 20%/năm cho giá trị nợ xấu thay vì có thể lên đến 100%.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ của các ngân hàng sau 6 tháng đầu năm, riêng nợ xấu của 3 ngân hàng lớn là BIDV, Vietcombank và Vietinbank đã là 23.100 tỉ đồng, gần bằng mức tổng lợi nhuận là 24.000 tỷ đồng của toàn hệ thống.

Trong đó, nợ xấu của BIDV gần 9.400 tỉ đồng, của Vietcombank 6.687 tỉ đồng và Vietinbank là 7.027 tỉ đồng. Số nợ xấu của 3 ngân hàng này cũng cao hơn rất nhiều so với tổng nợ xấu của các ngân hàng tốp sau, bao gồm SHB, MB, ACB, Sacombank, Techcombank, Eximbank cộng lại.

Ngọc Hải

Đọc thêm