9 học sinh đột nhiên có biểu hiện lạ
Mới đây, tại điểm trường Nà Bản (xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn), 9 học sinh tiểu học có biểu hiện bất thường về nhận thức và sức khỏe. Ban đầu, các em cảm thấy mệt mỏi, sau đó chuyển sang trạng thái hung dữ, mất kiểm soát bản thân, không nhận biết được ai kể cả người thân và thầy cô giáo. Trạng thái mất kiểm soát diễn ra khoảng 3-5 phút có thể kéo dài tới 10 phút. Sau khi hết biểu hiện lạ, các em đều rơi vào trạng thái ngất xỉu, khi tỉnh dậy nhiều em yếu không đi lại được và không còn nhớ gì. Được biết, 9 học sinh trên đều là nữ và nằm trong top những em học giỏi của điểm trường.
Theo phản ánh của giáo viên dạy ở điểm trường Nà Bản thuộc Trường Tiểu học Xuân Lạc, nơi đây có 5 lớp học với 108 học sinh. Từ đầu tháng 11, điểm trường có hai em học sinh lớp 5 bị ngất gây bất tỉnh tạm thời. Hiện tượng lạ này diễn ra nhanh từ 3-5 phút, một số trường hợp kéo dài đến 20 phút. Sau khi tỉnh dậy, phần lớn các em đều không nhớ chuyện gì đã xảy ra. Nhiều bé sức khỏe yếu sau khi ngất dậy không thể đi lại được. Trước khi có những hành động lạ, sắc mặt của các em thường thay đổi nhanh chóng, mắt đỏ...
Liên quan đến sự việc nhiều học sinh của Trường Tiểu học Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn có những biểu hiện bất thường về nhận thức và sức khỏe, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương đề nghị BV cử các chuyên gia phối hợp, hỗ trợ Sở Y tế Bắc Kạn tổ chức khảo sát, khám, xác định nguyên nhân và hướng giải quyết.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết: BV sẽ cử các chuyên gia lên Bắc Kạn để xem xét về dịch tễ học tại chỗ. Ngày 18/12, đoàn công tác sẽ lên Bắc Kạn. BV cũng đã liên hệ với Sở Y tế Bắc Kạn để tìm hiểu thông tin ban đầu về sự việc. Hiện các học sinh đã bình thường, trở lại trường học và chưa có biểu hiện bệnh trở lại. PGS.TS Trần Minh Điển nhận định: Những học sinh bị chứng bệnh trên có thể liên quan đến tâm lý, môi trường. Trước mắt, ngay trong đầu tuần, Đoàn Thanh niên của BV cùng các bác sĩ Khoa Thần kinh, Tâm bệnh sẽ đi lên Bắc Kạn để tổ chức khám bệnh tình nguyện cho tất cả các bạn học sinh tại điểm Trường Tiểu học Xuân Lạc, huyện chợ Đồn.
Có thể gây ra phản ứng dây chuyền tập thể?
Trong khi đó, TS Dương Minh Tâm - Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia cho biết, Viện từng tiếp nhận điều trị những bệnh nhân có biểu hiện ban đầu giống như một số học sinh ở Bắc Kạn bị biểu hiện bất thường như báo chí đã phản ánh. Tuy nhiên, triệu chứng các ca bệnh tại Bắc Kạn còn mâu thuẫn nên chưa khẳng định giống với các ca bệnh đã từng gặp tại Viện Sức khoẻ tâm thần nên cần phải thăm khám trực tiếp cụ thể mới có thể làm rõ được nguyên nhân của biểu hiện bất thường này.
TS. BS Trần Thị Hồng Thu - Phó Giám đốc BV ban ngày Mai Hương cho hay, những biểu hiện “lạ” của 9 em học sinh trên có thể là đặc trưng của bệnh rối loạn phân ly. Rối loạn phân ly thường gặp ở nhóm đối tượng trưởng thành, thanh niên, người lớn hơn là trẻ nhỏ. “Trong trường hợp trẻ nhỏ từ 7-10 tuổi có biểu hiện của rối loạn phân ly thường rất hiếm. Tuy nhiên, đối với trường hợp 9 em học sinh trên, tôi có thể đặt ra giả định, rối loạn phân ly của các em có thể liên quan tới áp lực học tập. Vì đây là thời điểm các em chuẩn bị thi hết học kỳ một những áp lực về kết quả học tập ở những nhóm trẻ yếu nhân cách (đang hình thành nhân cách) có thể xảy ra tình trạng này. Rối loạn phân ly không phải là bệnh “lạ” trước đây ở một số trường đã từng xảy ra chuyện các em học sinh trung học phổ thông bị ngất đồng loạt”, TS. Hồng Thu nói.
TS. Hồng Thu khẳng định: “Rối loạn phân ly không phải là bệnh lây truyền. Rối loạn phân ly có đặc điểm tăng cảm xúc, tăng tính ám thị. Trong đó, cơ chế ám thị do các cảm xúc căng thẳng và lo sợ, các kích thích sang chấn dễ gây ra phản ứng dây chuyền tập thể”.
Hội chứng này gặp ở những người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam. Rối loạn phân ly không lây như các bệnh truyền nhiễm khác nhưng có thể phát thành trong một tập thể. Nguyên nhân chủ yếu của rối loạn phân ly là do các chấn thương tâm lý hoặc hoàn cảnh xung đột. Đó là những chấn thương gây cảm xúc mạnh như lo sợ cao độ, tức giận quá mức, thất vọng nặng nề... Các rối loạn này thường phát sinh một thời gian ngắn sau khi chấn thương.
Rối loạn phân ly thường gặp ở những người có tính cách thiếu tự chủ, thiếu kiềm chế, thích được chiều chuộng, thích phô trương, tinh thần chịu đựng khó khăn kém, thiếu lý tưởng sống lành mạnh. Ngoài ra cũng có thể gặp các yếu tố có hại khác như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, suy dinh dưỡng, chấn thương sọ não. Theo nhận định của chuyên gia, rối loạn phân ly hiện nay điều trị rất khó nhưng có thể dự phòng được bệnh. Trong đó, vai trò của cha mẹ rất quan trọng cần phải xây dựng nhân cách cho trẻ ngay từ khi bé. Nhân cách đó sẽ được rèn luyện theo thời gian để các em không bị ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Trong nhà trường, thầy cô cần giáo dục cho trẻ tính đoàn kết, tính tập thể, trách nhiệm… để tránh những căng thẳng về tinh thần.