Hypocrat, người được xem là thủy tổ của ngành y đã đưa ra những lời thề danh dự cho tất cả những ai theo nghề này. Một trong số đó là cam kết: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.
Với các thầy thuốc Việt Nam, 12 điều y đức là kim chỉ nam dẫn đường cho họ trong sứ mệnh cứu người. Tất nhiên, đâu đó và ở bất luận lĩnh vực nào cũng có những thành phần chệch hướng, đi ngược lại những giá trị đạo đức nghề nghiệp mà họ phải phụng thờ.
Trở lại vụ tai biến y khoa thương tâm trong vụ chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, đã có 7 người tử vong trong số 18 bệnh nhân điều trị cũng đợt. Vụ việc nghiêm trọng và có thể có dấu hiệu tội phạm vì phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác nên phía công an đã tiến hành khởi tố vụ án. Các chuyên gia y tế cũng đã vào cuộc để tìm ra nguyên nhân của sự cố đáng tiếc này…
Người chết thì đã không thể sống lại và tang thương là điều hiển nhiên. Sinh mạng con người là thứ đáng quý nhất trên cõi đời này và con người làm mọi thứ bằng mọi giá cũng để giữ lại sinh mạng cho mình. Mỗi khi cái chết đến thì ngoài nỗi đau là oán trách thậm chí là những hận thù dai dẳng để con người lại tiếp tục gieo những nỗi đau vào nhau. Cứ thể nỗi đau sẽ chẳng thể nào dừng lại…
Nói vậy cũng chỉ để thấy, các y, bác sỹ trong vụ việc này cũng đang hứng chịu những lo toan và cả đau đớn ngoài mong đợi. Dư luận đang lên những cơn phẫn nộ trước khủng hoảng của ngành y tế Hòa Bình. Đáng buồn là có những người viết trên mạng xã hội, thậm chí là trên một số tờ báo với hàm ý kích động, “chửi bới” sự non kém của đội ngũ các y, bác sỹ. Có người còn kích động đền mạng vì những sự cố y khoa này.
Tai biến y khoa không hiếm gặp, nhưng đây là một vụ việc hy hữu gần như chưa xảy ra bao giờ. Cái cần của truyền thông, đặc biệt là trên mạng xã hội là nên giữ một thái độ hết sức bình bĩnh và thông cảm đa chiều. Cảm thông cho mất mát của bệnh nhân và thông cảm cho cả các y, bác sỹ vì sự cố chưa thể nào hiểu nổi này.
Sự việc rồi sẽ sáng tỏ. Đúng sai sẽ được tường minh. Nếu có dấu hiệu tội phạm pháp luật sẽ xử lý. Đừng nên quá đớn đau để có những phán xét vội vàng và làm cho nỗi đau cứ kéo dài thêm mãi. Các y, bác sỹ, xét đến cùng việc của họ là cứu người chứ không phải giết người. Xã hội cần họ và cũng cần hiểu họ và hiểu những công việc họ làm. Trong lúc mọi việc đang căng thẳng, xin đừng “thêm dầu vào lửa”…