Trong đó, số người chết do mưa lũ ở Thái Nguyên là 4, Hà Giang: 2, Điện Biên: 2, Hòa Bình. Còn 2 người thiệt mạng gồm 1 người ở Hà Giangvà 1 người ở Cao Bằng
Mưa lũ cũng gây ngập lụt cục bộ và sạt lở đất tại 7 tỉnh miền núi phía Bắc (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình), khiến 80 ngôi nhà bị thiệt hại; 26 nhà phải di dời; 296 ha lúa và 14 ha hoa màu bị ngập; 48.098 m3 đất, đá sạt lở và 7 cầu, cống bị hư hỏng. Ước tính sơ bộ tổng thiệt hại trên 9 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm hỏi gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống người dân; khắc phục tạm thời các điểm sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt.
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao nên dự báo từ hôm nay, 10/7 đến ngày 12/7, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, vùng núi mưa to đến rất to và rải rác có dông với tổng lượng mưa ở vùng núi phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm. Đợt mưa dông diện rộng ở Bắc Bộ và Thanh Hóa; mưa lớn ở các tỉnh vùng núi phía Bắc còn có khả năng kéo dài đến hết ngày 15/7.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo nguy cơ cao có lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, Nậm Nhùn (Lai Châu); Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Si Ma Cai, Bát Xát, Cam Đường (Lào Cai); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang); Mường Nhé, Mường Lay, Tủa Chùa, Nậm Pô (Điện Biên, ); Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn (Sơn La).
Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất; tổ chức di dời hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở; bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn các phương tiện tại các ngầm tràn và điểm giao thông bị sạt lở.