90% người mắc ung thư phổi có sử dụng thuốc lá

(PLO) -Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời.
Hình minh họa
Hình minh họa

Thế nhưng trên thực tế, người ta vẫn chủ quan bởi tác hại của thuốc lá không đến ngay tức thì. Trong khi đó, kết quả nghiên cứu của ngành Y tế cho thấy thuốc lá là thủ phạm của hàng loạt bệnh ung thư đáng sợ.

 90% người mắc ung thư phổi do thuốc lá

Ung thư phổi là căn bệnh ung thư đầu tiên, chiếm tỷ lệ cao nhất do thuốc lá gây nên. Người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ ung thư phổi cao gấp 6,5 lần người không hút. Người hút thuốc lá cũng có thể chết sớm 20 năm so với người không hút thuốc lá. 

Trên thế giới tỉ lệ mắc ung thư phổi tăng khá nhanh trong vòng 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư khác và có sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng. Các nghiên cứu cho thấy ung thư phổi không phổ biến ở nhóm người không hút thuốc. Tại Việt Nam, theo thống kê tại Bệnh viện K, hơn 90% những người mắc ung thư phổi là người sử dụng thuốc lá.

Nguy cơ ung thư thanh quản cao gấp 12-14 lần

Thanh quản tiếp xúc trực tiếp với chất sinh ung thư (carcinogens) trong khói thuốc lá khi hơi thuốc được hít qua thanh môn ở khoảng giữa hai dây thanh âm. 

Những người hút thuốc từ 30 đến 39 năm có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 lần so với người không hút thuốc. Những người hút từ 40 năm trở lên có nguy cơ mắc ung thư thanh quản gấp 14 lần so với những người không hút thuốc. Những người hút thuốc từ 20 đến trên 20 điếu/ngày có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 12 đến 25 lần so với người không hút thuốc.

Chất dẫn trong khói thuốc thúc đẩy phát triển ung thư hầu, miệng

Các nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu dịch tễ học đã chứng minh rằng hút thuốc lá là nguyên nhân của ung thư hầu và khoang miệng. Các dẫn chất trong khói thuốc lá có chứa các chất thúc đẩy sự phát triển ung thư trong khoang miệng. Nguy cơ mắc ung thư khoang miệng ở nam giới có hút thuốc lá cao hơn 27 lần so với nam giới không hút thuốc lá. Con số này lên tới 14 lần đối với ung thư hầu. 

Nghiên cứu theo dõi của Hội ung thư Hoa Kỳ theo dõi 352.363 nam và 553.593 nữ từ năm 1982–1996 cho thấy nguy cơ chết do ung thư miệng hầu tăng lên từ 4 đến 13 lần  (ở nam) và từ 2 đến 12 lần (ở nữ) khi số lượng điếu thuốc lá hút hàng ngày tăng lên.

Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư thực quản

Đến năm 1982, với đầy đủ các bằng chứng từ nghiên cứu dịch tễ học, y sinh học và thực nghiệm, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã kết luận, hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra ung thư thực quản. 

Theo Carstensen, qua một nghiên cứu thuần tập theo dõi 25.129 nam giới trong 16 năm từ năm 1963 đến năm 1979 tại Thụy Điển cho thấy những người hút thuốc lá liên tục có nguy cơ mắc ung thư này cao hơn gấp 3,7 lần so với người không hút thuốc.  

Cai thuốc sẽ giảm nguy cơ ung thư tụy

Các nghiên cứu cho thấy người sử dụng nhiều thuốc lá nguy cơ mắc ung thư tụy cao hơn người không bao giờ hút thuốc từ 3 đến 5 lần. Nguy cơ này giảm đi ở những người đã cai thuốc lá.

Ung thư bàng quang và ung thư thận

Hút thuốc lá có thể gây ra tới 30% đến 40% các trường hợp ung thư bàng quang. Cai thuốc lá thành công trước tuổi 50 sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh khoảng 50%  sau 15 năm so với nguy cơ ở những người tiếp tục hút thuốc. 

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang và ung thư thận ở cả nam và nữ. Nguy cơ này tăng lên cùng với số lượng và thời gian hút thuốc tăng. 

Hút thuốc lá gây ra 70 đến 82% các trường hợp ung thư quanh thận và ung thư niệu quản  của nam và 37-61% ở nữ. Nguy cơ mắc ung thư thận ở những người hút thuốc cao hơn người không hút thuốc có thể tới 5 lần.

Mối quan hệ nhân quả với ung thư cổ tử cung

Có mối quan hệ nhân quả giữa hút thuốc lá và ung thư cổ tử cung. Nguy cơ mắc ung thư tử cung ở người hút thuốc có thể cao gấp 5 lần người không hút thuốc. Nguy cơ mắc giảm sau khi cai thuốc.

Ung thư dạ dày

Nhiều nghiên cứu dịch tễ học đã báo cáo tỷ lệ chết và mắc ung thư dạ dày cao hơn ở nhóm những người hút thuốc. Từ năm 2002, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) đã kết luận rằng có đủ bằng chứng chứng tỏ hút thuốc lá có quan hệ nhân quả với ung thư dạ dày.

Thói quen hút thuốc lá không chỉ có hại cho sức khỏe mà nguyên nhân của rất nhiều căn bệnh nguy hiểm chết người. Đó là còn chưa kể đến các bệnh tim mạch, bệnh liên quan đến sinh sản... Bởi thế, ngừng thuốc lá ngay lúc này là hành động sáng suốt để bảo vệ sức khỏe, hạnh phúc cho chính bản thân mình, gia đình và cộng đồng.

Đọc thêm