Gương sáng Pháp luật

A Bát: Tổ trưởng Tổ an ninh cơ sở mẫn cán của buôn làng Ba Na

(PLVN) - Hàng chục năm qua, ông A Bát (SN 1960, trú tại thôn Kon Rơ Bàng 2, xã Vinh Quang, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giúp bà con thoát nghèo. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, ông A Bát vinh dự khi được nhận Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ông A Bát tích cực vận động dân làng tin vào Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Ông A Bát tích cực vận động dân làng tin vào Đảng, Nhà nước, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tích cực vận động dân làng xóa bỏ tập tục lạc hậu

Ông A Bát sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Kon Tum, nơi chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Ba Na. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã có khát vọng giúp đỡ cộng đồng. Năm 2000, ông A Bát được đảm nhận công việc Công an viên tại xã Vinh Quang.

Suốt hơn 20 năm qua, ông A Bát không chỉ đảm nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh- trật tự trên địa bàn, hướng dẫn người dân các thủ tục hành chính, mà còn là người tiên phong tuyên truyền pháp luật đến từng hộ gia đình. Trong quãng thời gian này, ông đã phát huy tốt vị trí, vai trò trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đảm bảo an ninh trật tự.

Ngoài ra, ông còn dẫn dắt bà con trong các phong trào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nông thôn mới… Nhờ những nỗ lực không ngừng, ông đã giúp người dân trong thôn nâng cao hiểu biết pháp luật, thúc đẩy ý thức tuân thủ luật pháp trong nhân dân, tạo ra một môi trường sống an toàn, lành mạnh trong khu dân cư. Ở tuổi 64 tuổi, ông A Bát tiếp tục được bà con tín nhiệm giữ vai trò Trưởng ban công tác mặt trận thôn kiêm tổ trưởng tổ an ninh cơ sở.

Ông A Bát chia sẻ: “Trước đây, trong cộng đồng dân tộc Ba Na, nhiều hủ tục trong đám cưới, ma chay hay việc tổ chức tiệc tùng linh đình đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều gia đình phải bán đất, bán trâu, bò để tổ chức đám cưới, ma chay, dẫn đến cuộc sống khó khăn, không còn đất để canh tác, sản xuất. Trước thực trạng này, tôi đã đứng ra vận động bà con thay đổi thói quen, tập tục, chỉ tổ chức các sự kiện gói gọn trong 1 ngày và kêu gọi sự quyên góp từ các gia đình khác thay vì phải vay mượn tài sản để tổ chức. Nhờ vào phương châm “mưa dầm, thấm lâu”, bà con đã dần thay đổi, những hủ tục cũng dần biến mất thay vào đó là sự chăm chỉ làm ăn, phát triển kinh tế”.

Ngoài việc thay đổi suy nghĩ của người dân trong các bữa tiệc của gia đình, ông A Bát còn tiên phong trong việc xóa bỏ mê tín dị đoan. Theo ông Bát, trước đây nhiều người dân ở làng khi bị bệnh chỉ cúng bái mà không đến thăm khám ở các cơ sở y tế, từ đó rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang.

Trước sự mê tín này, ông A Bát đã nỗ lực vận động bà con tin tưởng vào y học hiện đại, đi khám bệnh tại bệnh xá, bệnh viện. Nhờ vào sự kiên trì vận động của ông, nhiều người dân đã thay đổi tư duy đến bệnh viện thăm khám, chữa trị khi mắc bệnh: “Để người dân tin tưởng thì trước tiên bản thân tôi và tất cả người thân, bạn bè khi bị bệnh phải tới bệnh viện. Những người khác nhìn vào những trường hợp này sẽ tin và tự họ tiếp tục hướng dẫn, tuyên truyền bạn bè, người thân”, ông A Bát mộc mạc chia sẻ.

Song song với việc vận động dân làng xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín, ông A Bát còn tuyên truyền vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng qua đó vươn lên thoát nghèo và làm giàu hiệu quả.

“Trước đây, bà con thường trồng bắp và mì, tuy nhiên những loại cây này lại không phù hợp với chất đất tại địa phương dẫn đến năng suất kém. Sau khi giúp người dân nhận thấy rõ hiệu quả kém của 2 loại cây này, họ bắt đầu chuyển đổi sang trồng lúa, mía… những cây trồng phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nên đã mang lại hiệu quả kinh tế. Cũng như tuyên truyền khám chữa bệnh, gia đình tôi phải chuyển đổi cây trồng trước để làm gương, làm mẫu, bà con nhìn vào đó là rõ”, ông A Bát cho hay.

A Bát: Tổ trưởng Tổ an ninh cơ sở mẫn cán của buôn làng Ba Na ảnh 1Nhờ những đóng góp của mình, ông A Bát đã được tặng thưởng nhiều bằng khen

Nhờ nỗ lực nêu gương, ông A Bát được bà con kính trọng, làm theo những gì được tuyên truyền, vận động, hướng dẫn trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất, trở thành gương sáng cho bà con trong làng noi theo.

Tuyên truyền pháp luật, giữ gìn bình yên buôn làng

Ngoài việc thay đổi tư duy, từng bước khơi dậy ý chí tự lực vươn lên, giúp người dân xóa bỏ hoàn toàn các thủ tục lạc hậu, ông A Bát còn tích cực tham gia vào việc phòng, chống ngăn ngừa buôn bán ma túy len lỏi vào trong thôn, làng. Theo đó, ông thường xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương và Công an tuyên truyền, nhắc nhở bà con tuân thủ luật pháp và hướng dẫn người dân tránh xa ma túy.

“Tôi thường dặn bà con nêu cao cảnh giác, nếu phát hiện trường hợp nghi vấn phải báo ngay cho cơ quan chức năng vào cuộc xử lý. Ngoài ra tôi luôn nhắc nhở các bậc làm cha, làm mẹ phải thực sự quan tâm, quản lý con cái, không để các cháu tụ tập sử dụng ma tuý dẫn đến phạm tội, gây ảnh hưởng đến gia đình và sự bình yên của dân làng. Việc thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để các chính sách, chủ trương được đi vào cuộc sống, tạo sức lan tỏa trong ý thức của mỗi công dân. Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của bà con trong thôn được nâng cao, không xảy ra vi phạm pháp luật”, ông A Bát chia sẻ.

Với những đóng góp cho cộng đồng, ông A Bát đã được nhận nhiều Bằng khen và danh hiệu cao quý từ Trung ương và địa phương. Năm 2017, ông A Bát vinh dự được Thủ tướng tặng Bằng khen vì đã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; năm 2020, ông được Bộ trưởng Bộ công an tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở. Ngoài ra, ông Bát còn được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh Kon Tum vì đã có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển vào Dân tộc thiểu số vào năm 2009 và năm 2020 được tặng Bằng khen là người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Ông A Bát còn tấm gương dẫn dắt bà con trong thôn phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững.Ông A Bát còn tấm gương dẫn dắt bà con trong thôn phát triển nhiều mô hình kinh tế bền vững.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh - Bí thư Chi bộ thôn Kon Rơ Bàng 2 cho biết: “Trước đây trong thôn một số người dân thiếu hiểu biết về pháp luật, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số dễ bị đối tượng xấu lợi dụng. Nhận thức được mối nguy hiểm này, ông A Bát đã không ngừng thuyết phục, giải thích cho bà con về sự đúng đắn của chính quyền, giúp họ nhận ra lẽ phải và tuân thủ tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Sự kiên nhẫn và quyết tâm của ông đã giúp ổn định đời sống xã hội và củng cố lòng tin của người dân đối với chính quyền địa phương”.

Ông Nông Hồng Công - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang nhận xét: “Ở tuổi ngoài 60, ông A Bát vẫn là tấm gương sáng về sự tận tụy, gương mẫu cho bà con trong thôn noi theo. Những đóng góp của ông không chỉ giúp đời sống kinh tế, xã hội của thôn Kon Rơ Bang 2 ngày càng phát triển, mà còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự và duy trì văn hóa truyền thống tốt đẹp của người dân tộc Ba Na”.

Đọc thêm