Đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế và đồng chí Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (TGPL), Quản đốc Dự án WB chủ trì Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Bạch Quốc An, Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế nhấn mạnh trong hoạt động TGPL, việc thiết lập và áp dụng các tiêu chí đánh giá chất lượng là vô cùng quan trọng. Để hoàn thiện bộ tiêu chí này, theo đồng chí, việc tham khảo, học tập kinh nghiệm từ quốc tế là rất cần thiết; từ đó xây dựng một khuôn khổ toàn diện, bảo đảm quyền tiếp cận công lý của các đối tượng yếu thế.
Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Bạch Quốc An phát biểu khai mạc. |
Với mục tiêu đó, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu đã xây dựng Tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng TGPL – Phần về điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế. Đồng chí hy vọng các đại biểu tham dự hội thảo, đặc biệt là các đại biểu trực tiếp tham gia công tác TGPL sẽ cung cấp thông tin từ thực tiễn, trao đổi, thảo luận các vấn đề còn vướng mắc; qua đó góp phần xây dựng Tài liệu có tính khả thi, hiệu quả, đảm bảo quyền tiếp cận công lý của người dân nói chung và đối tượng yếu thế nói riêng.
Còn đồng chí Vũ Thị Hường, Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý cho biết trong phạm vi phần về điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế của Tài liệu hướng dẫn, Bộ Tư pháp đã phối hợp mời các chuyên gia độc lập nghiên cứu, cung cấp góc nhìn rõ ràng và cụ thể về các tiêu chí đánh giá chất lượng TGPL theo các điều ước quốc tế, kinh nghiệm quốc tế hướng dẫn. Đồng chí mong muốn các đại biểu tham dự sẽ cho ý kiến góp ý từ góc độ thực tiễn để hoàn thiện Tài liệu chuyên sâu và thực sự hữu ích.
Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý Vũ Thị Hường. |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội, đại diện Nhóm nghiên cứu giới thiệu các nội dung chính của tài liệu hướng dẫn tiêu chí đánh giá chất lượng TGPL phù hợp với điều ước quốc tế. Theo đó, trong phạm vi nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu đã tập trung vào quyền được TGPL được ghi nhận trong các điều ước quốc tế là thành viên như: Tuyên ngôn thế giới về quyền con người năm 1948, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị năm 1966… Cùng với đó là các hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá chất lượng TGPL như: Hướng dẫn của Liên hợp quốc về TGPL trong hệ thống tư pháp hình sự, hướng dẫn về Quyền được tiếp cận với TGPL trong tố tụng dân sự… Qua nghiên cứu các văn kiện này, nhóm nghiên cứu đã nhận diện một số nguyên tắc xác định tiêu chí đánh giá chất lượng TGPL gồm: độc lập, tự chủ và bảo mật của luật sư; lợi ích công cộng và hiệu quả sử dụng nguồn lực Nhà nước; hợp tác và tin cậy lẫn nhau; công cụ đánh giá chất lượng của người thực hiện TGPL; tiêu chuẩn chất lượng.
TS. Nguyễn Toàn Thắng, Viện trưởng Viện Luật so sánh, Đại học Luật Hà Nội, đại diện Nhóm nghiên cứu giới thiệu các nội dung chính của tài liệu hướng dẫn. |
So sánh với tiêu chí đánh giá chất lượng vụ việc TGPL tại Việt Nam, đồng chí cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi cách xây dựng một hệ thống đánh giá chất lượng toàn diện, bao gồm các danh sách kiểm tra và hệ thống quản lý hồ sơ (CMS). Hệ thống này nên được thiết lập để theo dõi và đánh giá từng bước trong quy trình TGPL, đảm bảo rằng các vụ việc được xử lý theo tiêu chuẩn nhất quán và hiệu quả. Bên cạnh đó, chú trọng việc đảm bảo TGPL được công bằng, đặc biệt là cho các nhóm dễ bị tổn thương; áp dụng các chỉ số đánh giá rõ ràng về hiệu quả, hiệu suất, sự hài lòng của khách hàng; tăng cường phản hồi và cải tiến quy trình; kiểm tra định kỳ và báo cáo…
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |
Tham dự Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ về các vụ việc thực tiễn TGPL cho người nghèo và đối tượng yếu thế và các tiêu chí đánh giá chất lượng các vụ việc này. Trên cơ sở đó, các đại biểu cho ý kiến góp ý, kiến nghị cụ thể đối với Tài liệu hướng dẫn.