Những chuyện “hậu trường” giờ mới kể
Kể lại một số câu chuyện “hậu trường” trong quá trình xây dựng Nghị quyết 27, GS.TS Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp khẳng định, Nghị quyết 27 là sản phẩm công phu, nghiêm túc, trách nhiệm và sáng tạo của Đảng ta. Chẳng hạn như thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” có tới 7 người trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổ Biên tập thu hút được 7 giáo sư luật, làm việc rất nghiêm túc tại Mỹ Đình suốt mấy tháng trời.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 3 hội thảo quốc gia ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam do Chủ tịch nước chủ trì; 3 hội nghị lấy ý kiến các Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy của 63 tỉnh, thành, 9 buổi làm việc với các cơ quan Bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tư pháp; 5 hội thảo chuyên đề chuyên sâu bàn về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Chưa kể là để có được kết quả này phải huy động 27 chuyên đề rất hay của các Bộ, ngành.
GS Liên cũng nhắc đến đánh giá của Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đây là kết quả của sự phối hợp sáng tạo giữa ba nhà: Nhà khoa học - Nhà quản lý hoạt động thực tiễn - Nhà chính trị. Chính vì sản phẩm rất công phu, nghiêm túc, trách nhiệm và sáng tạo của Đảng ta đòi hỏi chúng ta phải tiếp cận một cách rất nghiêm túc, sáng tạo và kỷ luật trong triển khai thực hiện.
Giải thích tại sao Nghị quyết 27 lại dùng từ “tiếp tục” xây dựng Nhà nước pháp quyền, GS Liên cho biết, không phải bây giờ chúng ta mới có Nghị quyết này mà khi tổng kết thì người Việt Nam đầu tiên chuyển tải tư tưởng Nhà nước pháp quyền chính là Bác Hồ với các tư tưởng rất rõ: dân là gốc, coi trọng pháp luật, coi trọng quyền con người, Đảng lãnh đạo…
Đứng ở góc độ khoa học, GS Liên thống kê được có tới 3 chương trình cấp nhà nước có liên quan đến Nhà nước pháp quyền và hơn 10 đề tài cấp Bộ cùng rất nhiều đề tài khác. Tất cả các nghiên cứu này đi đến một số kết luận “mở đường” cho chúng ta trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền. Thứ nhất, các nhà khoa học đã khẳng định rằng Nhà nước pháp quyền không phải kiểu nhà nước, mà chỉ là phương thức tổ chức quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, vì dân chủ, nhân quyền và quyền công dân.
Thứ hai, các nhà nghiên cứu khoa học đã khẳng định, bất cứ quốc gia, dân tộc nào đeo đuổi dân chủ, nhân quyền và công bằng thì có thể áp dụng học thuyết này vào trong việc xây dựng bộ máy nhà nước. Thứ ba là một khẳng định rất quan trọng rằng không có mô hình Nhà nước pháp quyền chung mà mỗi một quốc gia, mỗi dân tộc trên cơ sở những giá trị phổ quát của nhân loại, sẽ xây dựng mô hình nhà nước của mình, trong đó bao hàm hai hệ giá trị - giá trị phổ quát và giá trị đặc thù (các giá trị đặc thù do lịch sử, do văn hóa, do điều kiện, do tính chất của hệ thống chính trị tạo nên).
GS Liên cũng nhớ lại Nghị quyết giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ VIII năm 1994, lần đầu tiên Đảng ta đưa vào khái niệm Nhà nước pháp quyền và chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân. Từ đó, ông nhấn mạnh, chúng ta đã nghiên cứu rất kỹ, có kết luận khoa học đàng hoàng và trên cơ sở đó Đảng ta mạnh dạn dùng khái niệm này và đề ra chủ trương như trên.
Tiếp đến, Đại hội VIII, Đại hội IX, Đại hội X và nhất là Cương lĩnh xây dựng đất nước được bổ sung, sửa đổi năm 2011 đều đã khẳng định hai khẳng định rất quan trọng là xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân là 1 trong 8 đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa; là 1 trong 8 phương hướng để chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Tiếp đến, Đại hội XIII có bước phát triển rất lớn và rất thiết thực là chúng ta không chỉ khẳng định tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền mà xem nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị.
Về Nhà nước, GS Liên nhấn mạnh, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001) lần đầu tiên chúng ta khẳng định Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân, nhưng chưa đưa được đầy đủ khái niệm và các nguyên tắc cơ bản của Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 2013 của chúng ta không những khẳng định là tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền mà còn hình thành được trong Hiến pháp hệ thống các nguyên tắc và đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà Nghị quyết 27 sau này đã đưa vào.
Ngoài ra, khi tổng kết Nghị quyết 48, Nghị quyết 49 và 2 chương trình tổng thể về cải cách hành chính, chúng ta nhận thấy tất cả đều đụng chạm đến một khái niệm là Nhà nước pháp quyền. Do đó, nếu để rải rác ở các nghị quyết khác nhau thì sẽ không đồng bộ và vì vậy khi tổng kết Nghị quyết 48, 49, rất nhiều cơ quan đề nghị xây dựng một nghị quyết về Nhà nước pháp quyền, trong đó bao hàm cả cải cách pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Đây sẽ là một nghị quyết tổng hợp tổng thể, mang tính chiến lược lâu dài và ở tầm Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đặc biệt không nêu giai đoạn cụ thể mà đề cập đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện mới.
Về cách làm, chúng ta đã khẳng định đây là phương thức tổ chức vận hành quyền lực nhà nước trên cơ sở thượng tôn Hiến pháp, pháp luật, vì quyền con người, vì dân chủ và công bằng thì đây là cái chung thứ nhất. Thứ hai, ta cũng khẳng định là không có mô hình chung mà Nhà nước pháp quyền có những giá trị cơ bản. Do đó, trong quá trình làm, các nhà khoa học cũng như các nhà thực tiễn, nhà chính trị đã khẳng định đầu tiên giá trị gì là phổ quát của nhân loại, sau đấy lại khẳng định là giá trị là đặc thù. Sau khi khẳng định thì gom các giá trị lại, thể hiện rất khéo trong nhiệm vụ thứ nhất của 10 nhiệm vụ là nhận thức thống nhất về Nhà nước pháp quyền, đặc biệt là về những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền (8 đặc trưng bao gồm những đặc trưng là giá trị chung của nhân loại, những đặc trưng áp dụng hợp lý vào hoàn cảnh cụ thể của nước ta và những đặc thù như Đảng lãnh đạo). Sau khi xác định được 8 đặc trưng thì các nhà khoa học đánh giá về thực trạng và đưa ra nhiệm vụ, giải pháp để thể hiện trước hết là trên thể chế, sau nữa là trên thực tế rằng các giá trị đó là đặc trưng nhưng đồng thời là giá trị, là yêu cầu của Nhà nước pháp quyền.
Cũng theo GS Hoàng Thế Liên, 5 nguyên tắc mà Đảng ta đề ra chia thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là đường lối chung, nhóm thứ hai là đường lối cụ thể và nhóm thứ ba là phương thức thực hiện. Trong đó, quan niệm thứ năm rất quan trọng và “mở đường” cho chúng ta trong quá trình thực hiện, tức là cái gì mà thực tiễn yêu cầu, bức xúc, chín muồi, đồng thuận cao thì làm cho bằng được; cái gì mới, thực tiễn của cuộc sống chưa có kiểm nghiệm, chưa được nhất trí cao thì thí điểm, sandbox. Còn cái gì mà dù đã quy định nhưng thực hiện không chấp nhận, không mang lại hiệu quả thì sửa đổi. Đấy là chỉ đạo rất rõ, để cho chúng ta không máy móc áp dụng Nghị quyết này.
Đặc biệt, khi Nghị quyết ra đời, cũng có ý kiến băn khoăn về tính khả thi nhưng GS Liên tin tưởng Nghị quyết 27 sẽ thực hiện được. Bởi Đảng ta tiếp cận từng bước, bước chắc, tạo tiền đề và điều kiện để chúng ta càng ngày càng có một nhà nước pháp quyền hoàn thiện.
Chia sẻ mục tiêu của các nhà khoa học từng đặt ra là mốc thời gian có Nhà nước pháp quyền, nhưng về cơ bản, theo GS Liên, chúng ta chưa lượng hóa được mà chỉ hướng tới xây dựng được Nhà nước pháp quyền với 8 đặc trưng, 8 giá trị. Ông đã thống kê được 10 nhiệm vụ và hơn 50 giải pháp trong Nghị quyết thì đều hoàn toàn trong khuôn khổ Hiến pháp cũng như Cương lĩnh phát triển đất nước. Vấn đề là chúng ta đặt ra một cách quyết liệt để thực hiện cho bằng được.
Không được đổ lỗi cho pháp luật
Trong Nghị quyết 27 nêu ba nhiệm vụ trọng tâm: kiểm soát quyền lực, hệ thống pháp luật, tư pháp độc lập thì với 8 đặc trưng và 10 nhiệm vụ, GS Liên nhận thấy một số nhiệm vụ quan trọng. Về chủ quyền Nhân dân, theo ông, từ góc độ pháp lý, chủ quyền Nhân dân phải gắn liền với học thuyết về chủ nghĩa lập hiến, phải gắn với chủ nghĩa lập hiến. Trước hết, Nhân dân thể hiện ý chí của mình trong Hiến pháp và Lời nói đầu của Hiến pháp chúng ta nói về yêu cầu là Nhân dân Việt Nam xây dựng và bảo vệ Hiến pháp đã gián tiếp khẳng định Hiến pháp này thể hiện tính chủ quyền Nhân dân, tác giả là Nhân dân và thông qua Hiến pháp thì Nhân dân chọn chế độ, chọn con đường, cơ cấu bộ máy và giao quyền và giới hạn quyền lực của Nhà nước.
Mặc dù có những thứ ta chưa làm được vì chúng ta có những điểm khác về điều kiện, về dân trí, về chế độ chính trị nhưng khi xây dựng Hiến pháp đã bằng phương thức dân chủ tham gia, tức là 26 triệu ý kiến của Nhân dân tham gia góp ý Hiến pháp và đấy là một đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn chưa từng thấy. Một khi đã khẳng định quyền lập hiến của dân thì phải có con đường nào đó để người dân thực sự thể hiện ý chí của mình mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Thứ hai là phải có cơ chế để bảo vệ quyền lập hiến của dân cho đàng hoàng và như vậy mới giới hạn được quyền lực của Nhà nước và lần đầu tiên trong Nghị quyết 27, chúng ta đã nâng lên thành “dân được làm những gì pháp luật không cấm”, trước đó, Hiến pháp năm 2013 mới chỉ quy định dân được kinh doanh tất cả những gì mà pháp luật không cấm. Đó là một nguyên tắc của pháp quyền được ghi trong Nghị quyết, thể hiện sự tiến bộ rất lớn về nhận thức.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng nêu Nhà nước, công chức tổ chức hoạt động trên cơ sở Hiến pháp và cấm các cơ quan nhà nước tự cho mình quyền này quyền kia. Đây là những vấn đề rất lớn đặt ra và chúng ta phải nhận thức rất sâu sắc. Bởi trong điều kiện văn hóa lịch sử, điều kiện về chính trị của chúng ta để thấy được những bước tiến rất lớn và rất vĩ đại trong nhận thức của Đảng ta về vấn đề này.
Về quyền con người, quyền công dân, chúng ta yêu cầu tất cả các luật khi xây dựng đụng chạm đến quyền con người, quyền công dân thì phải xây dựng luật đó theo cách tiếp cận quyền. Sở dĩ nói là cách tiếp cận quyền vì đấy là quyền hiến định, là quyền tự nhiên. Điều 14 Hiến pháp 2013 đã nói trách nhiệm của Nhà nước là tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đó là 8 chữ vàng và Nhà nước phải bỏ tư duy “đấy là quyền tôi cho dân, quyền tôi quy định cho dân”.
Tư duy này không mới nhưng theo GS Liên, nó đặt ra yêu cầu đối với lập pháp, nhất là Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan giúp Chính phủ xây dựng nhiều đạo luật, phải đổi mới tư duy tiếp cận quyền. Nhà nước phải nghĩ ra cái gì là cấm, cái gì là hạn chế, hạn chế bằng 2 cách là đưa ra điều kiện cho nó và thủ tục hành chính. Do đó, chúng ta phải cảnh giác với những thủ tục hành chính vượt phép để hạn chế quyền, chưa kể thủ tục hành chính sẽ gây ra tốn kém trong khi hiện nay chúng ta bảo đảm dễ tiếp cận và chi phí tuân thủ thấp nhất.
Về hệ thống pháp luật, yêu cầu có ba nhóm và ba nhóm này gắn kết chặt chẽ với nhau. Nhóm đầu tiên là pháp luật trong Nhà nước pháp quyền phải như thế nào, tư pháp trong Nhà nước pháp quyền phải như thế nào, Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền phải như thế nào. Tất cả các nhóm đều có thể là đề tài nghiên cứu vì như thế thì mới hiểu được Nhà nước pháp quyền đặt ra yêu cầu gì cho mình và mình phải làm thế nào để đáp ứng yêu cầu đó.
GS Liên nêu quan điểm, đã nói Nhà nước pháp quyền thì đích của nó là dân chủ, là nhân quyền và công bằng, nó trở thành giá trị chung của pháp luật. Do đó nếu làm thủ tục rất dân chủ, ban hành rất đúng thẩm quyền, rất đúng thủ tục nhưng không bảo đảm các giá trị thì pháp luật đó chưa phải là pháp luật trong Nhà nước pháp quyền. Phải có tư duy như thế thì chúng ta mới làm được và khi xây dựng luật để điều chỉnh người dân thì phải có ý kiến của người dân, có thể chưa đạt được yêu cầu cao là được sự đồng thuận của dân nhưng phải có thước đo là người dân đồng ý.
Điều cuối cùng GS Liên trăn trở là nếu mà pháp luật không được thực thi một cách công bằng thì Nhà nước pháp quyền chưa phải là Nhà nước pháp quyền trên thực tế, do đó yêu cầu thực thi pháp luật trở thành một giá trị, một yêu cầu rất cao trong Nhà nước pháp quyền. Ông rất buồn khi mỗi một cơ quan không thực thi pháp luật mà hỏi ra cứ bảo là pháp luật còn mâu thuẫn, còn chồng chéo. Theo ông, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có đủ nguyên tắc để giải quyết những vấn đề, chẳng qua chúng ta không đủ nhận thức để giải quyết vấn đề ấy hoặc né tránh trách nhiệm và không giải quyết tốt.
“Cứ đổ cho pháp luật và khi đổ cho pháp luật là dễ nhất, đổ cho quy định là dễ nhất. Có mấy lần tôi đã nói rồi “pháp luật mà biết nói năng thì mấy nhà thi hành pháp luật hàm răng chẳng còn”. Đổ cho pháp luật là dễ nhất và đổ xong là thôi, trở thành một lý do rất chính đáng, tôi cho là không đúng”, GS Liên nhấn mạnh.