ACB phủ nhận thiệt hại, “bầu” Kiên có vô tội

(PLO) - Tại phiên tòa  xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, các bị cáo kêu oan, phía ACB khẳng định không hề bị thiệt hại 1.400 tỷ như Cáo trạng cáo buộc. Vậy trường hợp nguyên đơn dân sự không thừa nhận bị thiệt hại, liệu các bị cáo có vô tội? 
ACB phủ nhận thiệt hại, “bầu” Kiên có vô tội
Từ chối bị thiệt hại có ảnh hưởng đến tội trạng của bị cáo?
Những lời khai tại phiên tòa cho thấy theo ACB thì các bị cáo nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng này không phạm tội. Bên cạnh đó, ACB còn phủ nhận tư cách nguyên đơn dân sự trong khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt và “đá” tư cách nguyên đơn dân sự cho Vietinbank. Tất nhiên, những động thái trên của ACB khiến phía Vietinbank rất bức xúc và cực lực phản đối, cho rằng “yêu sách” của ACB không có căn cứ pháp lý, không thể chấp nhận. 
Tranh luận nảy lửa giữa hai ngân hàng đã diễn ra và được ghi nhận trong nhiều ngày xét xử. Liên quan đến khoản tiền 718 tỷ đồng bị Huyền Như lừa đảo, phía Vietinbank cho rằng xét về mặt hình thức thì giữa ACB và Vietinbank không có một giao dịch gì cả, không có một thỏa thuận hay hợp đồng nào cả. 
Về nội dung, qua kết quả của quá trình điều tra thì khoản tiền 718 tỷ đồng được kết luận là tiền của ACB gửi vào Vietinbank. Dù gì thì khoản tiền 718 tỷ đồng đã được ủy thác, dù ai phải trả thì hiện ACB vẫn chưa thu hồi được, tức hậu quả vật chất đã phát sinh, không thể nói nếu Vietinbank phải trả thì ACB không có thiệt hại. 
“Việc này chỉ nhằm giải thoát trách nhiệm cho các bị cáo, vừa chơi lại trò đổ vấy trách nhiệm cho Vietinbank” - một Luật sư (LS) bảo vệ Vietinbank bức xúc nói. Thực tế, trách nhiệm thuộc về ngân hàng nào thì Cáo trạng đã xác định rõ đó là ACB, điều này không phụ thuộc vào việc ACB cố tình “đá bóng” trách nhiệm cho ngân hàng khác.
Vậy trường hợp ACB không thừa nhận bị thiệt hại sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc kết tội các bị cáo nguyên là lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng này? Liệu các bị cáo có vô tội như bản thân họ kêu oan và các LS bào chữa cho họ đề nghị?
Luật gia Nguyễn Văn Hồi (nguyên Thẩm phán TAND TP.Hà Nội) cho rằng: “Trừ những trường hợp mà Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS) quy định được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại thì việc bị hại khẳng định không bị thiệt hại mới đồng nghĩa với việc bị cáo không phạm tội. Còn xét về nguyên tắc chung thì “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng”, việc chứng minh tội phạm căn cứ vào hành vi và các tình tiết khách quan của vụ án chứ không phụ thuộc vào việc bị hại, nguyên đơn dân sự có thừa nhận họ có bị thiệt hại hay không?
 Đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái” trong vụ án bầu Kiên, việc không thừa nhận có thiệt hại, hoặc thiệt hại đã được khắc phục hoàn toàn như phía Hòa Phát chẳng hạn, sẽ chỉ được xem là một tình tiết giảm nhẹ. Không thể nói bồi thường, khắc phục toàn bộ thì hành vi của các bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thực tế hành vi đó vẫn rất nguy hiểm, vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cần phân biệt rõ trách nhiệm hình sự là chịu trách nhiệm trước Nhà nước, còn bồi thường dân sự chỉ là trách nhiệm đôi bên với nhau” .
Vậy trong vụ án bầu Kiên, có hay không việc hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự như các bị cáo và LS của họ khẳng định? Luật gia Lê Đình Can (nguyên Phó Viện trưởng VKS Quân sự Trung ương) cho rằng, trong bất kỳ một vụ án hình sự nào cũng có thể xuất hiện các quan hệ dân sự đan xen mà nếu bóc tách độc lập dễ tạo cảm giác các chủ thể ngay tình khi tham gia quan hệ dân sự đó phải có một trách nhiệm mơ hồ nào đó. 
Một khi các quan hệ dân sự đan xen nằm trong chuỗi hành vi phạm pháp đang bị truy cứu thì việc xử lý đúng bản chất sự kiện phạm tội là vấn đề hiển nhiên bởi yêu cầu phải xem xét, xử lý một cách toàn diện trong vụ án. 
Ai có quyền xác định tư cách tham gia tố tụng?
Câu trả lời tất nhiên là chỉ các cơ quan tiến hành tố tụng, Hội đồng xét xử mới là người có thẩm quyền xác định tư cách tham gia tố tụng của các bên. Không một tổ chức, cá nhân nào được quyền làm thay cơ quan tiến hành tố tụng việc đó.
Nhìn nhận vấn đề ACB từ chối tư cách nguyên đơn dân sự, một LS quan tâm đến vụ án phát biểu: “Việc xác định địa vị pháp lý và tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia vụ án hình sự là do Tòa án quyết định, dựa trên cơ sở các tình tiết diễn biến khách quan của vụ án, chứ không phụ thuộc vào “nhu cầu” bên A, bên B có muốn làm nguyên đơn dân sự hay bị đơn dân sự, hoặc bên này, bên kia “thích” làm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra tình huống các bên từ chối tư cách tham gia tố tụng, cho rằng tôi không bị thiệt hại nên không thừa nhận tư cách này…”.    
Một LS khác cho rằng, chủ sở hữu bị thiệt hại có quyền đề đạt yêu cầu được bồi thường, bồi hoàn, hoặc không yêu cầu giải quyết. Một khi ACB vẫn tiếp tục “không chịu làm nguyên đơn dân sự đối với bị cáo”, thiết nghĩ theo quy định của BLTTHS, Hội đồng xét xử hoàn toàn có quyền ra phán quyết về việc tuyên trách nhiệm hình sự đối với bị cáo nhưng sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nguyên đơn, bị hại nào không có yêu cầu”. 
Cần nói thêm, về yêu cầu của ACB đối với việc xem xét trách nhiệm của Vietinbank, trước đó trong phần tranh luận vụ án vào ngày 30/5, đại diện VKSND TP.Hà Nội đã nêu rõ quan điểm: đây là nội dung sẽ không xem xét trong vụ án này.

Đọc thêm