Hành trình quay lại clip của thầy Đỗ Việt Khoa

(PLO) -Ngày 5/6, Thầy Đỗ Việt Khoa, người mới tung ra hình ảnh, clip được cho là tiêu cực cho biết, từ mấy năm trước, phụ huynh học sinh trường này đã gọi tới thầy phản ánh việc thu tiền trái quy định.
Hành trình quay lại clip của thầy Đỗ Việt Khoa
“Năm nào cũng thu tiền chống trượt và giải bài tập thể mà sở GD-ĐT Hòa Bình không biết, hay biết mà làm ngơ?”- Thầy Khoa đặt câu hỏi.
Thầy Khoa cũng cho biết, năm nay họ tiếp tục nài nỉ thầy về giúp họ ngăn chặn tệ nạn. Lần này thầy cũng không nhờ học sinh quay clip vì nhớ vụ học sinh quay clip vụ Đồi Ngô trước đây. 
Hành trình quay lại clip
Thầy Khoa kể lại: “Sáng ngày 2/6 thi môn văn. Nhìn quanh thấy có 1 nhà dân duy nhất có cửa sổ chếch sang trường. Tôi mượn nhà và đứng quan sát, còn đứa cháu đi cùng thì bấm máy quay. Môn văn, thí sinh tự do đi lại ngó nghiêng dùng phao thi, nhìn bài nhau. Giám thị bỏ vị trí ra ngoài. Thi xong thí sinh mang phao thì ra bỏ lại ngoài cổng, gốc cây, cắm cả phao vào cốc nước của quán nước”
“Vậy mà ngày 4/6, lãnh đạo Bộ coi đó là bình thường, là đã nhắc nhở kịp thời làm như chính họ nhắc nhở thí sinh ấy”- thầy Khoa chia sẻ.
Tới môn Lý, thầy Khoa mang máy qua các trường khác, để cháu ở lại quay bằng di động vì chỉ có 1 cái máy quay mượn được. 
Hình ảnh lộn xộn tại hội đồng thi THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình) - Ảnh do thầy Đỗ Việt Khoa cung cấp.
Hình ảnh lộn xộn tại hội đồng thi THPT Nam Lương Sơn (Hòa Bình) - Ảnh do thầy Đỗ Việt Khoa cung cấp. 
“Thằng cháu nó chứng kiến giám thị chia bài giải, nhưng di động quay không được rõ. Đến hết giờ chiều tôi hỏi thí sinh thì các cháu bảo 3 thí sinh được chia 1 đáp án rồi họ đi thu lại đủ số đã phát cho nên không mang được tờ nào về. Việc này muốn kiểm tra rất dễ: Cứ chấm sẽ thấy bài thi môn lý giống nhau”- Thầy Khoa phân tích. 
Tiếp đó đến môn sử, thầy Khoa quay lại thấy tình trạng thí sinh ngó nghiêng và rọi phao.
Đang quay thì 1 giám thị phát hiện ra có máy quay, đã chạy đi báo động nhà trường, họ đóng toàn bộ các cửa sổ. Công an liền đó ập tới chỗ có máy quay khiến thầy phải tránh đi cách đó 200 m quan sát tiếp.
Vì nhận thấy không thể nhờ nhà dân được nữa mà nguy cơ giải bài môn toán và các môn tiếp theo sẽ tiếp tục, thầy Đỗ Việt Khoa bèn gọi cho đường dây nóng của bộ báo cáo tình hình, muốn nhờ Bộ ngăn chặn sự việc.
Không đồng ý với cách làm của bộ
Thầy Khoa cho rằng, khi nhận được tin báo như vậy, đáng lẽ thanh tra Bộ GD-ĐT nên bí mật đột xuất đến kiểm tra vào sáng hôm sau thì Bộ lại điện cho Sở GD-ĐT Hòa Bình trong đêm rồi sáng hôm sau đến. 
“Đi thanh tra mà báo nhau tiền hô hậu ủng vậy thì bắt làm sao được. Bộ báo cáo môn toán không phát hiện sai phạm là chuyện đương nhiên. Học sinh cho biết môn toán không có bài giải cho nên điểm thi sẽ rất thấp”- Vị thầy giáo nổi tiếng chống tiêu cực lo ngại.
Sau đó, vào ngày 3/6, thầy Đỗ Việt Khoa đã cung cấp cho báo chí video và ảnh chụp lại văn bản thu tiền "chống trượt". 
Thông báo thu 300.000đ/HS của Trường THPT Nam Lương Sơn- Ảnh do thầy Đỗ Việt Khoa cung cấp.
Thông báo thu 300.000đ/HS của Trường THPT Nam Lương Sơn- Ảnh do thầy Đỗ Việt Khoa cung cấp. 
“Vậy mà chiều ngày 4/6, lãnh đạo bộ nói liều rằng nhà trường đã trả lại tiền từ trước khi thi, sau lại đính chính rằng sẽ trả trước ngày 12/6. Tệ nạn thu tiền chống trượt tái diễn khắp nơi, vì sao không ngăn chặn được? Vì bao che, vì phát hiện được thì...trả lại là xong”-Thầy Đỗ Việt Khoa bức xúc.
Thầy Khoa cũng cho biết thêm rằng thầy được báo lại cho biết tệ nạn giải bài tập thể vẫn tiếp diễn ở nhiều trường khác. Không chấm dứt được vì sự bao che, xử lý không nghiêm của các tỉnh. 
Ngoài ra, Bộ cũng không có thực quyền, bất lực vì quyền xử lý thi tốt nghiệp THPT thuộc về cấp sở, cấp ủy ban tỉnh thành. 
“Với cách trả lời báo chí né tránh không dám nhìn thẳng vào tệ nạn, không xử lý nghiêm khắc sai phạm cho nên lâu nay tệ nạn ngàn Giáo dục đã rất nặng, thành hệ thống và khó chữa. Năm 2007 làm thi nghiêm, trường này đỗ tn 8%, trượt 82%. Mấy năm nay lại đỗ 98%. Ngành Giáo dục phải là ngành trong sạch tuyệt đối như cái tên của nó chứ đừng để dối trá tràn ngập” -Thầy Đỗ Việt Khoa khẳng định.
Được biết, sáng hôm nay 5/6, Bộ GD-ĐT mới có ý kiến yêu cầu xác minh những hình ảnh lộn xộn thi cử mà thầy giáo Đỗ Việt Khoa cung cấp.
Bộ GD-ĐT vừa có công văn gửi Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết: Bộ đã nhận được thông tin về video clip được quay từ bên ngoài, phản ánh bên trong một phòng thi môn Ngữ văn tại hội đồng thi trường THPT Nam Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Đồng thời trường THPT này còn thu 300 nghìn đồng/học sinh để phụ vụ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc Sở tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành. Báo cáo tình hình và kết quả xử lý về Bộ GD-ĐT trước ngày 11/6/2014.
Còn nhiều nghi vấn tiêu cực khác
Theo tìm hiểu của PV Báo Pháp luật Việt Nam, sau thông tin của thầy giáo Đỗ Việt Khoa, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được thông tin về những lộn xộn ở phòng thi tốt nghiệp của hội đồng thi Trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) và Trường THPT Trưng Vương (Văn Lâm, Hưng Yên).
Ngay sau khi nhận được thông tin trên, Bộ GD-ĐT đã gửi văn bản chỉ đạo gửi Giám đốc Sở GD-ĐT hai địa phương này. Nội dung văn bản do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ký chiều ngày 4/6/2014 nêu rõ: 
Bộ GD-ĐT yêu cầu đồng chí Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội và Hưng Yên tổ chức kiểm tra, xác minh, xử lí nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành; Báo cáo tình hình và kết quản xử lí về Bộ GD-ĐT trước ngày 06/6/2014; Chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
Trả lời câu hỏi về quan điểm xử lí về những hình ảnh, tố cáo tiêu cực thi tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Nếu có những hình ảnh vi tiêu cực rõ ràng như ở THPT DL Đồi Ngô hay Trường THPT Quang Trung thì chúng tôi sẽ xử lí nghiêm”.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới độc giả về những phản ảnh được cho là tiêu cực trong kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2014./.

Đọc thêm