“Tiền bạc, tình cảm đi vào, công lý sẽ cắp cặp ra đi“?

(PLO) - Đòi hỏi cao về chất lượng trong hoạt động của ngành kiểm sát để tránh oan sai, trong buổi sáng hôm nay (5/6), khi góp ý về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân nhân, nhiều đại biểu đã đưa ra những quan điểm khá gay gắt và thẳng thắn. PLVN xin trích đăng lại các ý kiến này:
ĐB Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng: "Cán bộ cần trái tim đầy nhiệt huyết, nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch”
“Như chúng ta đã biết, hiện nay có lý luận nếu để cho các cơ quan tư pháp thành khu vực sẽ có tính độc lập. Theo tôi thấy hiện nay các cơ quan tư pháp bị chi phối bởi ba vấn đề. Một là chính trị, Hai là tiền bạc, Ba là tình cảm. Chính trị, tiền bạc, tình cảm đi vào tòa thì công lý sẽ cắp cặp ra đi. 
Chính vì vậy ba vấn đề nếu như nói chỉ thành lập tòa án khu vực để không có sự can thiệp của chính quyền vào công việc của cơ quan nội chính là chưa chắc chắn. 
Tiền bạc và tình cảm không biên giới, bất cứ chỗ nào cũng có thể đi vào được và sẽ làm cho công lý không còn ở trong đó. Chính vì vậy tôi cho việc yếu nhất hiện nay là đội ngũ cán bộ chứ không phải do tổ chức bộ máy, vì những cán bộ bản lĩnh chính trị không vững vàng, không tinh thông về nghiệp vụ, đạo đức không trong sáng thì mới xảy ra oan và sai. 
Không phải do tổ chức nhập cơ quan này với cơ quan khác thì tốt, không phải chúng ta cộng vào tự nhiên nó tốt lên, mà cái chính yếu nhất hiện tôi cho là đội ngũ cán bộ, phải đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, để cán bộ có trái tim đầy nhiệt huyết, nhưng cái đầu phải lạnh và bàn tay sạch thì mới làm cho cán cân công lý và công bằng xã hội được thực hiện.”
ĐB Nguyễn Đình Quyền - TP Hà Nội: “Không thể đang tranh tụng lại xin dừng để về xin ý kiến thủ trưởng"
Triết lý trong tổ chức và hoạt động tư pháp của các nước trên thế giới nói chung đều hướng tới một mục tiêu đó là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Hạn chế đến mức tối đa những tác động tiêu cực của quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, các nhóm lợi ích kinh tế. Chính vì vậy các quan điểm và chủ trương của Đảng cũng đề cao tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Hiến pháp vừa sửa đổi cũng đã quy định những nguyên tắc về vấn đề này. Chính vì vậy theo tôi việc bảo đảm tính độc lập bảo vệ pháp chế và tuân thủ pháp luật trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát được thể hiện của một số phương diện sau đây:
Thứ nhất, về mô hình tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân. Thứ hai, những vấn đề về chức năng, nhiệm vụ và phạm vi thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân. Thứ ba, về cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoặt động của Viện kiểm sát nhân dân. Thứ tư, những vấn đề liên quan đến chế độ kiểm sát viên và Viện trưởng Viện kiếm sát, mối quan hệ giữa kiểm sát viên với các chức danh tư pháp khác. Thứ năm, những điều kiện bảo đảm cho hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
…Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng nguyên tắc tập trung thống nhất là nguyên tắc thủ trưởng. Trong hoạt động tư pháp không có khái niệm là chế độ thủ trưởng và không có khái niệm cấp trên, cấp dưới, đó là quan hệ hành chính. 
Trong quan hệ tư pháp đó là quan hệ về tố tụng trong phạm vi thẩm quyền theo luật định, viện trưởng có thẩm quyền của viện trưởng, kiểm sát viên có thẩm quyền của kiểm sát viên và mỗi người hoạt động theo phạm vi, thẩm quyền do luật định, sự chỉ đạo, thống nhất ở đây là sự chỉ đạo thống nhất áp dụng pháp luật chứ không thể đang tranh tụng tại phiên tòa xin hoãn lại về xin chỉ thị của viện trưởng được. 
Tính độc lập và tuân theo pháp luật của kiểm sát viên thể hiện ở tuân theo pháp luật chứ không phải thể hiện ở nguyên tắc tập trung thống nhất. Tập trung thống nhất ở đây là nguyên tắc tập trung chỉ đạo áp dụng thống nhất pháp luật, tôi không đồng tình với nguyên tắc thủ trưởng đồng hóa với nguyên tắc chỉ đạo tập trung thống nhất của viện trưởng. 
ĐB Chu Sơn Hà - TP Hà Nội: Viện Kiểm sát có tư tưởng không muốn kháng nghị.
Thông qua giám sát chúng tôi thấy trên thực tế Viện kiểm sát nhân dân còn có tư tưởng ngại việc ban hành các kháng nghị. Để giải quyết các vấn đề này chúng tôi xin đề nghị có những chế định làm sao hạn chế đến mức tối đa hiện tượng ngại kháng nghị trong khi đó đã đủ điều kiện để kháng nghị theo quy định của luật.
Quá trình chúng tôi giám sát Viện kiểm sát nhân dân có kiểm sát các hoạt động tư pháp, các cơ quan tư pháp có những yêu cầu cũng có ra văn bản kiến nghị, cá biệt lắm mới có văn bản kháng nghị. Trong khi đó một số vụ việc qua công tác kiểm sát đã đủ điều kiện và đủ yếu tố để ban hành kháng nghị.
Ban hành kháng nghị là một việc sẽ liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan tham gia tố tụng vào hoạt động tư pháp cho nên Viện Kiểm sát có tư tưởng không muốn kháng nghị. Chúng tôi đề nghị trong dự thảo cần phải có một chế định làm sao để hạn chế việc ngại kháng nghị. 
Đề nghị không mở rộng nhiệm vụ điều tra của cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân. Bởi vì nếu giao cho Viện kiểm sát nhân dân điều tra thực hành sẽ khó khách quan, sẽ xảy ra tình trạng vừa điều tra, vừa giữ quyền công tố.
ĐB Đỗ Văn Đương - TP Hồ Chí Minh: "Để nâng cao chất lượng công tác không phải cải cách trụ sở, không phải cải cách vỏ vật chất"
“ … Về việc thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực hay Viện kiểm sát khu vực. Tôi thấy hầu hết các ý kiến đồng ý giữ nguyên mô hình Viện Kiểm sát cấp huyện như hiện nay. Tối thấy như vậy rất phù hợp, vì có lẽ 2/3 công việc và theo đó 2/3 biên chế của kiểm sát cấp huyện hiện nay gắn liền với hoạt động của cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra và cơ quan thi hành án, kiểm sát việc khiếu nại về tư pháp. Vì tính chất nhiệm vụ đó mà quy định tổ chức bộ máy phải gắn với cơ quan điều tra ở cấp huyện chứ không thể thành khu vực được.
Viện kiểm sát bảo vệ quyền con người, trong Hiến pháp quy định Viện kiểm sát phải chống oan sai ngay từ khi điều tra, chứ không phải chờ đến khi tòa án quyết định, đấy là tính kịp thời. Tôi cho rằng để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát không phải cải cách trụ sở, không phải cải cách vỏ vật chất. Tôi rất nhất trí đồng chí Thuyền là phải cải cách con người, cải cách cái đầu, cải cách lương tâm và cải cách trách nhiệm.
Kinh phí phải tập trung vào việc này. Tập trung vào cải cách con người làm sao để người thẩm phán, người kiểm sát viên độc lập chỉ có theo luật, ông độc lập chỉ khi ông vô tư trách nhiệm tố tụng, phải độc lập khi có cơ chế pháp lý chặt chẽ, không có sơ hở, phải dành cho một chế độ, lương bổng cho thỏa đáng. Họ không nghĩ đến tiền thì họ mới trong sáng được. Đói thì không ăn vụng cũng làm liều. 
Thưa các đồng chí biện chứng cuộc đời như thế, không ai có thể nói mình sạch được đâu. Ta cứ quyết theo mô hình khu vực là hậu quả khôn lường.
Thưa Quốc hội ngay việc tử hình bằng thuốc độc và việc tổ chức mô hình tử hình đó theo khu vực hiện nay rất tốn kém, trước đây chỉ khoảng 15 triệu một tên tội phạm, nay có thể bội chi lên tới 200, 300 triệu, nhất là đối với các tỉnh xa xôi, trong điều kiện ta nghèo hỏi như vậy nhân đạo cần thiết ở đây đã cần thiết và phù hợp chưa. Nhân đạo với đa số hay thiểu số đây, trong khi đó còn rất nhiều người nghèo còn phải cần tiền. Tôi đề nghị không thành lập Tòa án khu vực mà cũng không thành lập kiểm sát khu vực, giữ nguyên như hiện nay.”

Đọc thêm