Mặc dù khẳng định hiện tượng đô la hóa (ĐLH) không phải là vấn đề, mà chỉ là một triệu chứng, song các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), cho rằng xử lý triệu chứng, mà không xử lý vấn đề gốc rễ, không chắc sẽ đưa lại kết quả…
Lợi bất cập hại
Theo nghiên cứu “Giải quyết vấn đề đa tiền tệ tại các nền kinh tế (KT) chuyển đổi: Phạm vi hợp tác tại Cam-pu-chia (CPC), Lào và Việt Nam (VN)” vừa được ADB công bố hôm qua (15/10) - những đồng tiền của các nước khác, đặc biệt là đồng đôla, đang được sử dụng rộng rãi trên cả 3 quốc gia Đông Dương. Tỷ trọng ngoại tệ dao động từ khoảng 20% nguồn tiền lưu thông tại VN, khoảng 50% tại Lào và hơn 90% tại CPC.
Về khía cạnh lợi ích, hiện tượng ĐLH có thể tạo nguyên tắc cho các chính phủ vì khi đó chính phủ sẽ không thể dễ dàng tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua việc in tiền mà chỉ bằng biện pháp tăng thuế. Hơn nữa, hiện tượng ĐLH dẫn đến tỷ giá gần như cố định và do đó giá cả sẽ ổn định hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng nhiều đồng tiền có thể giảm khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý KT đối với các chính sách tỷ giá và tiền tệ; điều này cũng giảm khả năng của ngân hàng trung ương với tư cách là “người cho vay cuối cùng” trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngân hàng.
“VN đã có những bước tiến lớn trong việc hạn chế hiện tượng ĐLH. Đã giảm xuống khoảng 20%, theo hầu hết các phương pháp tính toán và được coi là một quốc gia bị ĐLH một phần. Tuy nhiên, việc chịu ĐLH một phần cũng tạo ra hạn chế, đặc biệt trong việc triển khai chính sách ổn định vĩ mô…”, ông Jayant Menon, chuyên gia KT cao cấp của Vụ Hội nhập KT Khu vực của ADB nhận xét.
Ông Jayant Menon lưu ý: “Quá trình ĐLH làm giảm hiệu quả của các công cụ ổn định KT vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tỷ giá mà các nước như VN cần có để giải quyết các thách thức KT và phát triển như tỷ lệ lạm phát gia tăng. Việc điều chỉnh trước các cú sốc bên ngoài cũng có thể kéo dài hơn và khó khăn hơn khi xuất hiện hiện tượng ĐLH, thậm chí chỉ một phần hiện tượng này”.
Xây dựng lòng tin
Hoặc chấp nhân ĐLH (ĐLH chính thức) hoặc phi ĐL H- theo các chuyên gia ADB, cả hai thái cực đều không khả thi. Bởi ĐLH chính thức – ngoài vấn đề về KT còn không chấp nhận được về chính trị, trong khi phi ĐLH bắt buộc (biện pháp hành chính) thì không khả thi, thậm chí tồi tệ hơn, phản tác dụng.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia ADB, trong ngắn hạn, VN cần tăng động lực tiết kiệm bằng tiền đồng thay vì bằng đô la hoặc vàng, lưu ý tỷ lệ lãi suất khác biệt nhằm khuyến khích gửi tiền dài hạn bằng tiền đồng. Đồng thời, giảm biến động đột xuất hoặc sự bất ổn tỷ giá ngắn hạn. Biện pháp quá độ có thể bao gồm cơ chế gắn kết tiền tệ (CBA); duy trì quyền đúc/in tiền; giảm rủi ro tiền tệ - lo ngại gần đây ở VN - và cải thiện niềm tin, nếu CBA tin cậy.
“Yếu tố chủ chốt vẫn là uy tín. Để bền vững và hiệu quả, nền KT phải sẵn sàng với quá trình phi ĐLH. Đặc biệt, xây dựng lòng tin là một quá trình lâu dài…”- ông Jayant Menon lưu ý. Một lọat giải pháp dài hạn được gợi ý như xây dựng thể chế, và quan trọng hơn việc ban hành là quá trình thực thi luật pháp và luật lệ phải hiệu quả; Phát triển và làm sâu sắc khu vực tài chính, cải cách DNNN.
Ông Jayant Menon khẳng định: “Vấn đề/ nguyên nhân của ĐLH chính là do thiếu tự tin vào đồng nội tệ, còn triệu chứng hoặc tác động của nó là việc sử dụng đồng tiền khác như đồng đôla Mỹ. Xử lý triệu chứng, mà không xử lý vấn đề gốc rễ, không chắc sẽ tạo ra kết quả!”.
Thanh Lan