Tại họp báo công bố báo cáo, ông Eric Sidgwick - Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam – cho biết, trong năm 2018, kinh tế Việt Nam tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh mẽ, dù môi trường bên ngoài suy giảm.
“Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ. Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”, ông Sigwick cho biết.
Theo dự báo của ADB, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020.
Tăng trưởng này sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực, dựa trên cơ sở tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ; sự tiếp tục mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp; cũng như khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do, gồm cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được phê chuẩn gần đây.
Vẫn theo dự báo của ADB, lạm phát của Việt Nam trong năm 2019 sẽ ở mức bình quân 3,5% và tăng nhẹ lên 3,8% trong năm 2020.
Theo ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế quốc gia, Cơ quan đại diện thường trú ADB tại Việt Nam, yếu tố rủi ro bên ngoài đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam là tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế lớn có thể giảm mạnh hơn, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc – các đối tác thương mại chính của Việt Nam.
Còn rủi ro về phía trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp.