Agribank giúp ngư dân vươn khơi bám biển

(PLO) - Xác định cho ngư dân vay đóng tàu không chỉ là hoạt động kinh doanh thông thường mà còn trở thành nhiệm vụ chính trị của các ngân hàng thương mại, thời gian qua, Agribank ưu tiên dành trên 5.000 tỷ đồng cho vay phát triển thủy sản. 
Nguồn vốn vay từ Agribank đã giúp ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi bám biển
Đến nay, nhờ đồng vốn của Agribank, nhiều con tàu mới được đóng từ nguồn vốn vay của ngân hàng đã được hạ thủy.
“Tàu gỗ 67”
Sau gần 5 tháng thi công, con tàu vỏ gỗ mang biển số TH93168 với công suất máy 829CV và nhiều trang thiết bị hiện đại, tổng kinh phí đóng mới 8,5 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay theo Nghị định 67 do Agribank Thanh Hóa cho vay là 6 tỷ đồng đã hoàn thành và chính thức vươn khơi. 
Xúc động phát biểu tại lễ hạ thủy, ông Trịnh Ngọc Thanh - Giám đốc Agribank - tâm sự: “Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của UBND tỉnh cùng sự vào cuộc tích cực của các ngành, chính quyền địa phương các cấp đã đạt được một số kết quả tốt”.

Phía Agribank Thanh Hóa cũng đã phân công cán bộ xuống các xã làm việc trực tiếp với chủ tàu có nhu cầu vay vốn theo Nghị định 67, chủ tàu đủ điều kiện thì hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp xã, cấp huyện. 

Tại Agribank Chi nhánh Thanh Hóa, các chi nhánh loại 3 vùng ven biển và thành phố đã tổ chức tiếp cận khách hàng theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, tổ chức đoàn lãnh đạo Agribank tỉnh và lãnh đạo, chuyên viên 5 Agribank cơ sở đi học tập kinh nghiệm công tác cho vay đánh bắt xa bờ tại Agribank huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An); làm việc với một số nhà máy đóng tàu để tìm hiểu các mẫu tàu; định mức kinh tế kỹ thuật, phương pháp cho vay và quản lý vốn để cán bộ có thêm kiến thức giới thiệu, tư vấn cho ngư dân và phục vụ công tác thẩm định cho vay được thuận lợi, nhanh chóng.

Đến nay, tổng số tàu UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 3 đợt là 55 tàu. Trong đó, tàu khai thác hải sản xa bờ là 42 chiếc, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá 13 chiếc. Số khách hàng Agribank tiếp cận là 40 chiếc, bao gồm 12 tàu hậu cần và 28 tàu khai thác đánh bắt. Đến ngày 30/11/2015, tổng số tiền phê duyệt cho vay là 68,51 tỷ đồng và dư nợ đã giải ngân được 30,82 tỷ đồng.
Ra khơi chuyến đầu đã có lãi
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Agribank Chi nhánh Thừa Thiên Huế cho hay, đến nay đã có 6 chủ tàu được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt vay vốn đóng mới bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67; trong đó, có 3 vỏ tàu gỗ được vay vốn của Agribank Thừa Thiên Huế.

Trao đổi với chúng tôi, ngư dân Trần Quân (thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An) cho biết, anh được Agribank huyện Phú Vang cho vay hơn 7 tỷ đồng, đóng mới tàu vỏ gỗ có chiều dài 25m, rộng 7m, cao 3,2m, công suất 700CV. 

Tương tự, ngư dân Phan Văn Chinh (thôn Vinh Hải, thị trấn Thuận An) cũng đóng mới tàu cá vỏ gỗ công suất 700CV, với tổng kinh phí gần 7,9 tỷ đồng (trong đó vốn đối ứng 2,3 tỷ đồng) hoàn thành đầu năm 2015. 

Chỉ hơn 10 ngày ra khơi chuyến đầu tiên, tàu đánh bắt được gần 20 tấn cá các loại, thu lãi gần 200 triệu đồng. Anh Chinh nói, chuyến biển vừa rồi chỉ là thử nghiệm nên chưa thật sự vươn khơi xa, chuyến sau sẽ cho tàu vươn khơi đến ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hiệu quả hơn.

Cũng ở khu vực miền Trung, tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về việc giải ngân cho ngư dân vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu cá, đến nay đã hạ thủy được 14 tàu công suất lớn. Tất cả những con tàu này đã và đang hoạt động, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Theo  thống kê, đến hết tháng 10, Bình Thuận đã có 130 chủ tàu đăng ký vay vốn theo Nghị định 67 được UBND tỉnh phê duyệt, nhiều nhất là ngư dân huyện đảo Phú Quý và thị xã La Gi. Trên cơ sở danh sách này, các chi nhánh ngân hàng thương mại trong tỉnh đã tiếp cận, hướng dẫn thủ tục cho 127 chủ tàu vay vốn theo quy định.

Phó Giám đốc Agribank Bình Thuận Huỳnh Tấn Nam cho biết, để giúp ngư dân biết về điều kiện vay, trình tự thủ tục, thành phần hồ sơ vay, ngân hàng đã thành lập các tổ công tác tại các chi nhánh, phòng giao dịch, cử những cán bộ chuyên trách, hiểu sâu, nắm rõ chính sách tín dụng theo Nghị định số 67 trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục vay vốn theo quy định, tạo điều kiện cho ngư dân được vay ở mức cao nhất có thể.
Có thể nói, Nghị định 67 thật sự là “cú hích” để Agribank phát triển mạnh hơn nữa trong đầu tư vào nông nghiệp, nhất là thủy sản, hỗ trợ mạnh mẽ cho ngư dân vươn khơi bám biển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. 

Đọc thêm