(PLO) - Chiều ngày 2/2/2016, Bộ Y tế đã tiến hành cuộc họp trực tuyến khẩn cấp để đối phó với dịch Zika – gây teo não nhỏ ở trẻ sơ sinh đang hoành hành ở Nam Mỹ. Việt Nam hiện có mật độ muỗi Aedes rất cao và đó cũng chính là nguồn lây truyền vi rút Zika.
Loài muỗi Aedes là nguồn lây truyền vi rút Zika
Bệnh do vi rút Zika là bệnh nhiễm vi rút Zika cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch.
Vi rút này được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue.
Có một số bằng chứng gợi ý vi rút có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, tuy nhiên sự ghi nhận này là rất hiếm.
Thời gian ủ bệnh từ 3 đến 12 ngày. Người bệnh có biểu hiện như sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu. Khoảng 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Hiện nay chưa ghi nhận ca tử vong do bệnh do vi rút Zika.
Theo PGS Trần Đắc Phu tính đến ngày 01/2/2016 có 31 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo các trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ đang lây lan mạnh vi rút Zika, đáng chú ý là Brazil, Colombia, Mexico ...
|
Loài muỗi Aedes là nguồn lây truyền vi rút Zika |
Có nhiều nguyên nhân có thể liên quan đến chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh như các nhiễm trùng, nhiễm độc tố của bà mẹ trong quá trình mang thai, những lỗi của gen, … ; do đó có thể mất nhiều thời gian để xác định chính thức mối liên quan này.
Tuy nhiên, trong số các trường hợp mắc chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh có một số trường hợp xét nghiệm dương tính với vi rút Zika, đồng thời cũng có nhiều trẻ xét nghiệm âm tính với vi rút Zika.
Hiện nay, WHO đang tập trung nghiên cứu để xác định về mối liên quan của vi rút Zika với hội chứng não nhỏ ở trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm vi rút Zika trong thời kỳ mang thai và hội chứng viêm đa rễ và dây thần kinh Guillain-Barre do sự gia tăng đột biến các trường hợp mắc những bệnh này trong các ổ dịch Zika tại Brasil.
Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm vi rút Zika; tuy nhiên nguy cơ dịch có thể xâm nhập và lây lan rộng trong cộng đồng là hoàn toàn có thể do sự giao lưu du lịch, thương mại, lao động rất lớn giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, đồng thời nước ta lưu hành bệnh sốt xuất huyết cùng với sự lưu hành của loại muỗi Aedes - đây cũng là loại muỗi truyền vi rút Zika.
Ngoài ra, cái khó của vi rút Zika là khả năng chẩn đoán khó vì 80% bệnh nhân là không có triệu chứng và khi có triệu chứng thì na ná như sốt xuất huyết, đó là sốt, phát ban, nhức mỏi…
Hơn nữa, cộng đồng Việt Nam hiện chưa có miễn dịch cũng như vắc xin phòng dịch đối với virut này. Trong khi đó, giai đoạn này, đang trong dịp Lễ, tết, lưu lượng người nhập cảnh, đi lại rất lớn. Trong đó có cả những người từ vùng dịch như Châu Mỹ hoặc Thái Lan.
Việt Nam sẵn sàng đối phó dịch Zika
PGS.TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết hiện tại Việt Nam có đủ điều kiện để xét nghiệm vi rút Zika cũng như các biện pháp phòng chống dịch từ cửa khẩu, các điểm phòng chống dịch đã hoạt động.
Với kinh nghiệm phòng chống các dịch bệnh mới nổi để không vào Việt Nam, PGS Kính cho biết không đáng lo ngại với dịch Zika mà hiện nay gần Tết nguy hiểm nhất vẫn là dịch liên cầu lợn nguy cơ tử vong cao.
|
Cẩn trọng với virus Zika vì có nguồn gốc lây truyền từ muỗi Aedes |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết bằng mọi nỗ lực hi vọng dịch Zika không vào Việt Nam. Tuy nhiên với tất cả những khó khăn của dịch đó là không rõ triệu chứng lâm sàng, không có miễn dịch trong cộng đồng, nhu cầu giao lưu lớn và Việt Nam đang lưu hành muỗi Aedes gây sốt xuất huyết cũng là tác nhân truyền vi rút Zika thì công tác phòng chống dịch vẫn đặt lên hàng đầu.
“Đáng lo ngại, bệnh sốt xuất huyết có cùng nguồn lây truyền virus Zika - là loài muỗi Aedes. Việt Nam hiện có mật độ muỗi Aedes rất cao”, bà Tiến nói.
Bộ trưởng khuyến cáo tình hình thời tiết hiện nay có nhiều bất lợi, nhiệt độ thấp nhưng dịch sốt xuất huyết vẫn còn tồn tại là điều rất "lạ" từ trước đến nay.
Bà Tiến cho rằng để phòng chống dịch là phải diệt bọ gậy, không để muỗi sinh sống. Đặc điểm của muỗi này là sống ở nước sạch nên có phát quang bụi rậm cũng không thể diệt được muỗi mà nên đổ hết tất cả vật dụng có thể chứa được nước để không còn chỗ cho muỗi đẻ./.