Ai hưởng lợi?

(PLVN) - Tham gia vào game show được lợi gì cho các em? Với những mặt trái đã vạch rõ thì quả thật trẻ bước vào cuộc chơi truyền hình thực tế có thể sẽ mất nhiều hơn được. Nhưng các em vẫn bị cuốn vào, cuộc chơi thực chất là của người lớn và chỉ người lớn được lợi.
Chấn Quốc bật khóc khi MC công bố nhầm kết quả.
Chấn Quốc bật khóc khi MC công bố nhầm kết quả.

Trong vụ scandal “đọc nhầm tên quán quân” diễn ra tại cuộc thi Giọng hát Việt nhí mới đây, không ít lời xì xào chung quanh sự nhầm lẫn này. Nguyên do là bởi trước đó, hàng loạt điều “bất ổn” đã được khán giả chỉ ra trong diễn biến cuộc thi từ cuộc đua bình chọn xem ai “mạnh” hơn ai.

Cậu bé bị đọc nhầm là Quán quân, trước đó vốn có lượt bình chọn rất cao, còn cô bé Quán quân có khoảng cách khá xa về lượt bình chọn, thế nhưng, ngay ở thời điểm quyết định, kết quả bình chọn bỗng thay đổi nhanh đột ngột, phù hợp với kết quả cuối cùng mà chương trình đưa ra.

Cả quá trình này đã được nhiều khán giả theo dõi và chụp lại, làm dấy lên nghi ngờ về kết quả và cố tình tạo scandal.

Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng quả thật, trước mắt đã thấy chương trình Giọng hát Việt nhí từ một chương trình đã cũ, không nhiều sức hút bỗng nóng lên, được bàn tán suốt một thời gian, lượt xem của đêm chung kết trên Youtube cũng tăng đột biến.

Dù thế nào đi nữa, trẻ em cũng là người chịu thiệt thòi, câu nói ấy quả không sai trong môi trường game show. Những đứa trẻ bắt chước hành động, cách ăn mặc của người lớn, trẻ hát nhạc tình não nề không hợp lứa tuổi, trẻ học kinh doanh sớm…

Tất cả những điều này sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý và sự phát triển của trẻ về sau. Nhưng ngoài trẻ ra thì hầu hết những người lớn chung quanh đều được lợi: Nhà sản xuất được rating, doanh thu quảng cáo.

Các bậc cha mẹ có khả năng sẽ đạt được mục tiêu mong muốn trong cuộc đua tranh của trẻ (mà thực chất là của họ). Khán giả có thêm nhiều chương trình để xem, để cười thú vị khi thấy lũ trẻ học đòi làm người lớn trông thật ra dáng…

Nhiều trẻ may mắn, đoạt giải, thành công, có danh tiếng sớm (số này không nhiều), thì bất đắc dĩ trở thành “cỗ máy kiếm tiền” cho các bậc người lớn. Như trường hợp P.M.C, cô bé ca sĩ dân ca, Á quân mùa đầu của Giọng hát Việt nhí.

Sau khi đoạt giải Á quân, tuổi thơ của cô bé không còn là những ngày học tập, vui chơi cùng bạn bè. P.M.C thường xuyên bỏ học, được một nam ca sĩ có tiếng nhận làm con nuôi, mà thực chất là “gà” do công ty giải trí của anh này đào tạo, được cha mẹ thay mặt nhận show liên tục, rồi cuộc chiến những người trong gia đình “tố” nhau độc quyền “khai thác” tài năng của em, rồi chuyện em sành điệu, yêu từ rất sớm… 

Nhiều bậc cha mẹ nhìn vào ao ước con mình cũng nổi tiếng, hái ra tiền như thế, mong muốn thông qua con đường game show để tìm kiếm thành công cho con và cho mình. Các công ty giải trí, các nhà sản xuất chương trình có thêm động lực để tiếp tục tạo ra những thần tượng nhí cho làng giải trí. Khán giả tung hô, cổ vũ. Có mấy ai biết, đằng sau ánh hào quang, các em đã đánh mất những gì?