Ai tiếp sức cho lọc dầu Dung Quất chạy hết công suất?

(PLVN) - Trong bối cảnh giá xăng dầu lên cao, nguồn cung xăng dầu trên thế giới khan hiếm, thì chuỗi liên kết trong ngành Dầu khí càng ý nghĩa giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Các đơn vị từ khâu đầu đến khâu cuối thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn đảm bảo khai thác, cung cấp đủ dầu thô để Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành ở mức 100 - 110% công suất.
Bể chứa dầu thô của Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Dung Quất chủ yếu dùng dầu thô trong nước

Hiện nay, Việt Nam có hai Nhà máy Lọc dầu là Nghi Sơn và Dung Quất, có khả năng cung cấp khoảng 70% nhu cầu xăng dầu thị trường trong nước. Với Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, do ràng buộc các điều kiện và đặc thù kỹ thuật, các loại dầu thô khai thác ở Việt Nam không sử dụng cho nhà máy này. Để có nguồn dầu thô cho Nghi Sơn, các đơn vị chủ yếu nhập dầu từ Trung Đông. Dù Nhà máy Nghi Sơn đặt tại Việt Nam, có mục tiêu xây dựng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng đại diện phía Việt Nam là PVN chỉ chiếm hơn 25% vốn điều lệ. Doanh nghiệp chi phối hoạt động Nhà máy này là một đơn vị đến từ Nhật Bản.

Với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, PVN trực tiếp chi phối thông qua Công ty CP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR). Đây là một trong những doanh nghiệp chủ lực của PVN, chuyên sản xuất xăng dầu ở khâu hạ nguồn. Hiện, Nhà máy Dung Quất đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu xăng dầu trong nước. Nguồn cung cấp dầu thô cho nhà máy này đa phần đến từ trong nước (chiếm khoảng 80%), chủ yếu đến từ hai đơn vị chuyên khai thác dầu thô của PVN là Tổng Công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) và Liên doanh Việt Nam - Nga (Vietsovpetro).

"BSR là đối tác chặt chẽ của PVEP, do đó PVEP sẽ luôn ưu tiên dành nguồn dầu thô khai thác được của mình cho hoạt động sản xuất của BSR", ông Trần Hồng Nam - Tổng Giám đốc PVEP

Ngoài ra, một đơn vị khác của PVN là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) là đơn vị trung chuyển dầu thô trong nước đến Nhà máy Dung Quất, đồng thời nhập thêm một lượng dầu thô lớn khác cung cấp cho nhà máy này.

Theo ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng Giám đốc PV OIL, từ khi Dung Quất đi vào hoạt động, PV OIL luôn hỗ trợ BSR mua tối đa dầu thô Việt Nam, cả về khối lượng lẫn chủng loại mà BSR có thể chế biến.

Riêng năm 2021, PV OIL đã cung cấp cho BSR 5,58 triệu tấn dầu Việt Nam, đạt 140% kế hoạch, đáp ứng 80% tổng nhu cầu dầu thô của BSR.

Tăng cường liên kết chuỗi

Theo ông Bùi Ngọc Dương - Tổng Giám đốc BSR, trong lịch sử hình thành và phát triển của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn có sự đồng hành của PV OIL, Vietsovpetro, PVEP để thu xếp đủ lượng dầu thô cho hoạt động của nhà máy. Trong 12 năm qua, các đơn vị trên đã cung cấp tổng cộng hơn 85 triệu tấn dầu thô để phục vụ cho nhà máy này vận hành. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang vận hành ở mức 100 - 110% công suất thiết kế.

Tàu PV Trans (đơn vị vận tải thuộc PVN) bơm dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Tuy nhiên, lãnh đạo BSR thừa nhận, bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cộng thêm những biến động, xung đột giữa Nga - Ukraine đã đẩy thị trường năng lượng thế giới vào những biến động lớn. Điều đó đòi hỏi các đơn vị trong PVN phải thích ứng nhanh và có biện pháp kiện toàn lại chuỗi giá trị liên kết từ khâu đầu đến khâu cuối.

Tổng Giám đốc PVEP Trần Hồng Nam đánh giá, BSR là đối tác chặt chẽ của PVEP, do đó PVEP sẽ luôn ưu tiên dành nguồn dầu thô khai thác được cho hoạt động sản xuất của BSR.

Ông Bùi Minh Tiến - Thành viên HĐTV PVN thì cho rằng, trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu thế giới khan hiếm, tăng giá trong thời gian gần đây, Tập đoàn sẽ tiếp tục chủ động trong việc sản xuất xăng dầu từ nguồn dầu thô mà đơn vị này khai thác được. Do đó, việc liên kết chuỗi giá trị của các đơn vị trong Tập đoàn cần được tăng cường.

“Chính phủ hiện đang rất quan tâm đến chuỗi liên kết này, phải đẩy mạnh liên kết chuỗi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”, ông Tiến chỉ đạo trong buổi làm việc mới đây với PVEP, Vietsovpetro và PV OIL.

Đọc thêm