(PLO) - Theo nhận định của giới chuyên gia Mỹ, tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda đang trỗi dậy trở lại và có thể trở thành một mối nguy hiểm trong năm 2016. Chính vì vậy, không nên đánh giá thấp tổ chức này.
Al-Qaeda đã làm thay đổi trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ khi tổ chức này, dưới sự chỉ đạo của Osama bin Laden, thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào New York và Washington ngày 11/9/2001, khiến gần 3.000 người bị thiệt mạng. Trong những năm sau đó, cộng đồng tình báo của Mỹ đã theo dõi chặt chẽ tổ chức này, cắt đứt các nguồn tài chính và nhân lực cần thiết của chúng trên thực tế. Tuy nhiên, tổ chức này đang trỗi dậy trở lại.
Trại huấn luyện “nở như nấm”
Tờ Thời báo New York (Mỹ) mới đây đưa tin, một lượng lớn các trại huấn luyện đã “mọc” lên ở Afghanistan, nơi trú ẩn an toàn của al-Qaeda trong thập niên 1990 và từ đó chúng lên kế hoạch cho các cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Theo Thời báo New York, nếu các trại huấn luyện này xuất hiện trở lại cách đây vài năm thì vấn đề chống al-Qaeda hẳn sẽ được đưa lên hàng đầu trong chương trình an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả thế giới hiện phải đối mặt với mối đe dọa bắt nguồn từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cuộc chiến chống al-Qaeda đã bị đưa xuống hàng thứ yếu.
Mặc dù các trại huấn luyện nói trên được cho là không quy mô như các trại từng được dựng lên trước vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, song theo nhận định của giới chuyên gia, al-Qaeda có thể trở thành một mối đe dọa trong năm 2016, trong bối cảnh trọng tâm của cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ phát động đã chuyển sang IS ở Iraq và Syria, và sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Afghanistan đã được giảm bớt.
Trao đổi với hãng tin Tân Hoa Xã, nhà khoa học chính trị Colin P.Clarke của tổ chức RAND Corporation nói: “Một trong những nguyên nhân khiến al-Qaeda ở Afghanistan trỗi dậy trở lại là do sự hiện diện của Mỹ đã giảm bớt, khiến việc duy trì các nỗ lực tình báo, giám sát và do thám trên khắp đất nước này theo đó cũng không còn được mạnh mẽ như trước. Cùng với đó là việc Mỹ tập trung nhiều hơn vào IS và một Taliban tái trỗi dậy, khiến họ xao lãng al-Qaeda”.
|
Cả IS và al-Qaeda, dù chẳng ưa nhau nhưng vẫn là mối lo chung của thế giới. |
Không nên coi thường
Mặc dù al-Qaeda không còn mạnh như cuối thập niên 1990, đầu thập niên 2000, song giới chuyên gia cảnh báo rằng chớ nên đánh giá thấp tổ chức này. Ông Clarke nói: “Chúng ta cần phải nhớ rằng al-Qaeda chính là tổ chức đã lên kế hoạch và thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Mặc dù chúng không còn mạnh như thời gian trước khi xảy ra vụ 11/9, song ý chí cũng như ý định tấn công phương Tây của tổ chức này chắc chắn vẫn rất mạnh mẽ”.
Theo ông Clarke, al-Qaeda là một tổ chức “có khả năng phát triển và thích nghi với hoàn cảnh”. Ông nhấn mạnh: “Hiện tại, al-Qaeda đã khôi phục được sức mạnh và tiếng tăm của chúng, đặc biệt là chúng đã tận dụng được các môi trường mà trước đây chúng chưa khai thác như Bangladesh và thậm chí là Ấn Độ để tuyển quân”.
Hiện chưa rõ tổ chức này lấy tài chính từ nguồn nào. Ông Clarke dự đoán rằng al-Qaeda đang thực hiện các phi vụ phạm tội ở mức độ thấp và kiếm tiền từ các khu vực địa phương nơi chúng kiểm soát. Ông cũng nói thêm rằng mặc dù giữa IS và al-Qaeda hiện nay có sự chia rẽ, song vẫn tồn tại khả năng hai nhóm Hồi giáo cực đoan này sẽ hàn gắn quan hệ.
Ông Clarke kết luận: “Mặc dù nhiều nhà bình luận đã nói về sự bất hòa giữa al-Qaeda và IS, song vẫn có khả năng trong tương lai hai tổ chức này nối lại quan hệ vì lợi ích chung”.
|
Nước Mỹ vẫn chưa có một khuôn khổ pháp lý chuẩn mực để chống khủng bố. |
Khủng bố Hồi giáo – Mối lo của nước Mỹ
Khủng bố Hồi giáo đã trở thành mối quan ngại chính của người Mỹ sau những vụ tấn công khủng bố thời gian qua ở Paris (Pháp) khiến 130 người bị thiệt mạng và một vụ tấn công được cho là do IS tiến hành nhằm vào bang California hồi đầu tháng 12/2015 làm 14 người bị thiệt mạng. Trong năm 2015, IS đã bành trướng vượt ra khỏi khu vực Trung Đông, tạo ra nguy cơ về những cuộc tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ để trả đũa chiến dịch ném bom mà nước này đang triển khai nhằm tấn công những vùng đất do IS chiếm đóng.
Cơn ác mộng tồi tệ nhất đối với giới lãnh đạo tại Washington là nước Mỹ sẽ phải gánh chịu một cuộc tấn công với quy mô tàn phá và mức độ thương vong tương tự các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Washington và New York, khiến gần 3.000 dân thường bị thiệt mạng. Nước Mỹ lo ngại rằng IS cũng có thể sử dụng những vùng lãnh thổ mà chúng chiếm đóng để lập kế hoạch cho những vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ, tương tự như những gì mạng lưới khủng bố al-Qaeda đã làm.
Những vụ tấn công khủng bố ở Paris thời gian qua đã minh chứng cho sức mạnh đang ngày một tăng lên của IS, đồng thời cho thấy khả năng của chúng trong việc thực hiện những vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhằm vào dân thường tại các quốc gia phương Tây. Những gì mà IS thực hiện đã giúp tổ chức này thành công trong việc kích động những phần tử đi theo IS trên toàn thế giới, trong bối cảnh chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đang ngày một gia tăng trên toàn thế giới.
Theo giới chuyên gia, mối đe dọa chính bao trùm khắp nước Mỹ hiện nay không chỉ là nguy cơ về những cuộc khủng bố có thể còn tiếp diễn, mà chính là việc những phần tử cực đoan mộ đạo đang chịu sự kích động từ những phần tử Hồi giáo cực đoan.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc), cựu Phó Giám đốc bộ phận Tình báo Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ - ông Wayne White - cho biết, chính phủ, chính quyền các bang và các đơn vị hữu quan địa phương không thể làm nhiều hơn những gì họ đang làm trong cuộc chiến chống lại những “con sói đơn độc” hay những tổ chức khủng bố quy mô nhỏ do những kẻ cuồng tín bị IS kích động thành lập trên toàn nước Mỹ.
Theo ông White, có hàng trăm nghìn “mục tiêu dễ bị tấn công” trên khắp nước Mỹ như: trung tâm thương mại, các khu mua sắm, trường học, những công trình công cộng ít nổi tiếng, nhà hàng, quán rượu, những cửa hàng hay những nơi thi đấu thể thao... và hiện không có cách nào để bảo vệ tuyệt đối những mục tiêu đó khỏi những kẻ khủng bố.
Hơn nữa, theo ông White, cuối tháng 11/2015, Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã kết thúc chương trình thu thập siêu dữ liệu (dữ liệu giám sát điện thoại), điều này làm chậm quá trình phục hồi dữ liệu về những liên lạc cá nhân bị nghi ngờ có liên quan đến những tổ chức khủng bố đang hoạt động ở nước ngoài. Tuy nhiên, có những đơn vị khác, không thuộc NSA, theo dõi những cuộc đàm thoại có thể là từ những “đối tượng tiềm năng” trên một số lượng lớn những trang mạng hay những phòng trò chuyện trực tuyến của các phần tử thánh chiến.
Thách thức trong năm mới
Trong cuộc trò chuyện với hãng tin Tân Hoa Xã, chuyên gia Dan Mahaffee thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Tổng thống và Quốc hội, cho biết có rất nhiều thách thức, cụ thể là sau vụ tấn công khủng bố ở bang California, có thể thấy các cá nhân hoặc một nhóm ít người có thể trở nên “tự cực đoan” và tổ chức những vụ tấn công khủng bố.
Trong nước, ông Mahaffee cho rằng chìa khóa cho vấn đề này là cần tiếp tục duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa luật pháp và cộng đồng người Hồi giáo, đồng thời tránh những phát biểu có thể gây ảnh hưởng đến mối quan hệ chặt chẽ này.
Tuy nhiên, nỗ lực trong việc ngăn chặn những thông điệp được phát tán trên không gian mạng từ những nhóm cực đoan, như “tổ chức IS trực tuyến”, chưa thực sự hiệu quả. Những nhóm cực đoan này đã tăng cường sự hiện diện của chúng một cách mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông xã hội, song những nỗ lực từ phía Nhà Trắng và đồng minh nhằm “phản tuyên truyền” vẫn là chưa đủ.
Còn Colin P. Clarke - nhà nghiên cứu khoa học chính trị cộng tác với tổ chức tư vấn RAND Corporation (Mỹ), cho biết, những gì Chính phủ Mỹ đang triển khai là xác minh và theo dõi những phần tử cực đoan đáng ngờ. Ông Clarke nói: “Không có một chìa khóa vạn năng hay một “viên đạn bạc” nào trong cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan, khiến cho cuộc chiến này càng thêm khó khăn. Và cũng không tự nhiên mà những phần tử đó lại tự cực đoan hóa”.
Giáo sư cấp cao tại Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ), ông Darrell West, trong bài trả lời phỏng vấn của hãng tin Tân Hoa Xã, nói rằng những nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm chống lại những phần tử khủng bố Hồi giáo ngay trong nội địa đã được cơ cấu lại. Ông West nói thêm: “Vụ tấn công bạo lực (tại bang California) cho thấy người Mỹ dễ bị tấn công như thế nào. Khó có thể tìm ra phần tử nào lập kế hoạch cho vụ tấn công đó. Có rất nhiều mục tiêu “mềm” trên khắp nước Mỹ, những nơi mà sự phòng bị quá yếu và dễ bị tấn công”.
Cuộc chiến chống IS sẽ được phê chuẩn hay vẫn tiếp tục tồn tại chỉ dựa vào những cảnh báo về mối nguy cơ sắp đến không đủ để có được một chiến dịch thực sự và những lời khẳng định sai lầm rằng IS cũng giống al-Qaeda, dù rằng hai nhóm này tiến hành chiến tranh tiêu diệt lẫn nhau. Năm 2016 sẽ là năm quyết định cuộc chiến chống khủng bố sẽ có một khuôn khổ pháp lý khi tổng thống mới của Mỹ lên nắm quyền nhưng cũng có thể lại mất thêm 4 năm nữa cho những tranh cãi chính trị và những ý tưởng bất chợt hơn là luật pháp và quy định…/.