Các lớp học đặc biệt
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng có một lớp học rất đặc biệt. Đặc biệt không chỉ ở chỗ, học viên là các em khiếm thị, còn bởi giáo viên ở đây đều không phải là các thầy, cô giáo có chuyên môn sư phạm mà là những sinh viên giỏi giang đến từ Đội công tác xã hội (CTXH) Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng.
Lớp học đã được tổ chức trong hơn 7 năm qua, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Trung tâm cũng như Đoàn trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ban đầu, khi lớp học mới thành lập, các bạn sinh viên đảm trách nhiệm vụ, nhiều người cũng e ngại, sợ rằng các bạn còn trẻ, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, khó lòng hoàn tất công việc với hiệu quả tốt nhất. Thế nhưng, chính cái tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của các bạn lại “làm nên chuyện”.
Trương Thiết Lâm là Đội trưởng Đội CTXH, nhiều năm gắn bó với lớp học. Lâm chia sẻ: “Chúng mình cảm nhận được sự khó khăn của những em khiếm thị và rất mong muốn góp sức giúp các em vượt qua trở ngại để hoàn thành việc học một cách suôn sẻ. Sinh viên nào giỏi môn nào thì kèm cặp môn đó. Trong lúc dạy học thì chú ý tạo sự thân thiện, gần gũi để các em dễ tiếp thu bài học, dễ nói chuyện hơn”.
Hiện tại, dù các thành viên vẫn đang còn đi học và bận rộn với lịch thi cử, làm thêm... nhưng vẫn nỗ lực để duy trì “quân số” tại lớp học với 15-16 người mỗi buổi, 3 ngày trong tuần. Để thuận tiện cho việc chỉ dẫn học tập, lớp học được chia theo khối từ cấp tiểu học đến THPT và chia thành từng phòng.
Tại đây, những thầy, cô giáo không chuyên sẽ đọc bài trên sách giáo khoa để các em học sinh khiếm thị chuyển thành chữ nổi. Các thành viên cũng hướng dẫn các học sinh khiếm thị học bài, củng cố kiến thức đã học trên lớp, hỗ trợ các em giải bài tập về nhà theo hình thức “một kèm một”.
Ở Đà Nẵng có lớp học dành cho học sinh khiếm thị do các bạn sinh viên Đà Nẵng phụ trách thì tại Cần Thơ cũng có một lớp học cực kì đặc biệt do các bạn học sinh Đại học Cần Thơ đứng lớp.
Lớp học đặc biệt này nằm trong khuôn viên tịnh thất Phước Ân (khu vực An Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Thấy hoàn cảnh các em nhỏ trong vùng nhiều em nghèo, không có tiền đi học thêm, hổng kiến thức, không theo kịp bạn bè trên lớp, nhà chùa đã mở một lớp học tình thương miễn phí.
Các anh chị sinh viên Đại học Cần Thơ là những người đứng lớp phụ đạo các em hoàn toàn không lấy tiền công. Các em được học toán, lý, hóa, anh văn và cả tin học. Môn tin học, nhà chùa có trang bị máy tính hẳn hoi do các mạnh thường quân hỗ trợ.
Lớp học đã hoạt động hơn hai năm, có nhiều lứa tuổi. Vì vậy, các em được chia làm nhiều lớp khác nhau để tiện kèm cặp cho hiệu quả. Nhờ những buổi học đều đặn hằng tuần như thế mà hàng trăm em nhỏ nơi đây dù khó khăn vẫn không tốn kém chi phí học phụ đạo, được nâng cao kiến thức, thành tích học tập cải thiện hơn rất nhiều.
Những lớp học thiện nguyện, miễn phí do các bạn sinh viên đứng lớp có ở khắp nơi trên cả nước. Tại một xã nghèo thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, những năm gần đây, vào dịp hè sẽ có các bạn sinh viên tình nguyện đến mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nghèo. Hay tại một số vùng núi, miền sâu, miền xa trên cả nước, có không ít sinh viên tình nguyện tận tâm, tận lực, cứ mùa hè lại lặn lội đến, mở lớp dạy cho các em ở bản, trong làng.
Và những gia sư áo xanh
Gia sư áo xanh là một chương trình sinh viên tình nguyện do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM phối hợp với Ban Công nhân lao động Thành Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP HCM tổ chức.
Chương trình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực quận, huyện ngoại thành có học lực trung bình, có tinh thần vượt khó, phụ đạo kiến thức cho các em. Sinh viên tham gia hoạt động sẽ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP HCM có học lực từ loại khá trở lên, hạnh kiểm tốt.
Những gia sư áo xanh trên mọi miền Tổ quốc. |
Trước khi đứng lớp, gia sư sẽ được tập huấn nghiệp vụ sư phạm cơ bản, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày vấn đề, phương pháp tiếp cận và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Năm nay, gia sư áo xanh ra quân vào thời điểm cuối tháng 2 vừa qua. Hiện nay, ban tổ chức đang tiếp nhận đăng ký của các khu lưu trú, khu nhà trọ công nhân và các gia đình khó khăn có con em đang học cấp 1, 2, 3. Sinh viên tình nguyện sẽ được giới thiệu đến gia đình, các khu lưu trú công nhân để tổ chức các lớp gia sư trong suốt năm học, chương trình tăng cường hỗ trợ các đợt cao điểm như hè, cuối học kỳ.
Có những trường đại học, phong trào sinh viên mạnh, hội sinh viên trong trường tổ chức các lớp học miễn phí, quy mô không nhỏ cho các em hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Cũng có những trường hợp, sinh viên âm thầm mở những lớp học nhỏ hữu duyên. Như trường hợp hai bạn Ngô Thị Mỹ và Nguyễn Thị Lan Anh, 21 tuổi. Cả hai bạn đều là sinh viên trường đại học thuộc khối Đại học Quốc gia TP HCM.
Hoàn cảnh gia đình khá giả, cha mẹ không khuyến khích làm thêm, nhưng thi thoảng, Mỹ và Lan Anh vẫn tham gia các công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập và kinh nghiệm. Nhưng kể từ năm ngoái, hai cô bạn thân hầu như đã bỏ các công việc làm thêm cuối tuần vì bận rộn cho một lớp học “mini” ở công viên.
Hai cô sinh viên thường ra công viên 23/9 ở khu vực quận nhất để cùng nhau ôn luyện ngoại ngữ. Tình cờ, tại đây, Lan Anh và Mỹ làm quen các em nhỏ bán hàng rong cũng khát khao học ngoại ngữ. Các em là dân nhập cư theo cha mẹ, sống nay đây, mai đó, chưa được đi học. Các em muốn học ngoại ngữ trước mắt là để công việc bán hàng, đặc biệt cho khách Tây được tốt hơn.
Mỹ và Lan Anh đã dạy cho các em không chỉ giao tiếp tiếng Anh mà còn học mặt chữ, học nhiều môn học khác. Cứ mỗi sáng chủ nhật, lớp học nho nhỏ ấy lại được thành lập ở một góc công viên. Sách, vở viết các “cô giáo” cũng sắm sửa cho các em. Đến nay, có 3 em nhỏ đã làm quen với mặt chữ, bắt đầu tập viết, hai em đã có thể giao tiếp sơ bằng tiếng Anh.
Có không ít bạn sinh viên như thế, âm thầm tham gia vào các câu lạc bộ thiện nguyện, các lớp học tình thương. Thay vì dành thời gian vui chơi cùng bạn bè, đi làm kiếm thêm thu nhập, họ dành thời gian cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, có khiếm khuyết trong cuộc sống.
Đem nhiệt huyết thanh xuân của mình trao truyền cho các em những kiến thức quý báu. Nhiều “thầy cô” không chuyên cũng rất nhiệt tình vận động bạn bè mình cùng tham gia dạy dỗ các em, vận động quyên góp quần áo, bút sách để hỗ trợ việc học tập của các em tốt hơn.
Họ là những người còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa thực sự là “thầy” với nghĩa đen. Nhưng, những người trẻ ấy xứng đáng với danh xưng “thầy” đầy trân trọng. Bởi, họ trao đi tri thức, trao đi tình thương yêu, góp phần dạy dỗ một thế hệ thiếu niên, trao truyền những bài học làm người với lòng nhiệt thành, với lương tâm và trách nhiệm. Những người thầy trẻ tuổi, thầm lặng ấy đã và đang trao đi những đóa hồng của tuổi 20 rực rỡ…