Ảm đạm thị trường ngày giáp Tết

Không khí mua sắm các mặt hàng thiết yếu ngày giáp tết tại các chợ truyền thống, các Trung tâm thương mại,các siêu thị, các điểm bán hàng bình ổn giá  trên địa bàn Hà Nội diễn ra tương đối ảm đạm.

Không khí mua sắm các mặt hàng thiết yếu ngày giáp tết tại các chợ truyền thống, các Trung tâm thương mại,các siêu thị, các điểm bán hàng bình ổn giá  trên địa bàn Hà Nội diễn ra tương đối ảm đạm.

Thị trường Tết
Đã 24 Tết, nhưng không ít các điểm bán hàng Tết như thế này vẫn vắng vẻ người mua hàng

Quạnh hiu thị trường chợ truyền thống

Là người bán thịt lợn tại chợ Ô Chợ Dừa nhiều năm, cô Trần Thị Hạo cho biết: nhiều năm gần đây, chưa có năm nào như năm nay. Nếu vào thời điểm này các năm trước thì đã phải luôn chân luôn tay làm thịt cho khách, vậy mà bây giờ mới chỉ có thưa thớt người đến đặt hàng. “Mấy ngày trước cứ lo không đủ hàng để bán nên tôi đã gọi điện trước đặt hàng, mong là mấy ngày sát tết khách sẽ tới mua hàng nhiều hơn.”

Được biết đến là một chợ đầu mối lớn cung cấp mặt hàng rau củ quả trên địa Hà Nội nhưng cũng không ít chủ hàng than phiền bởi việc nhập hàng vẫn không được sôi động như các năm trước vào thời điểm này. Thậm chí, khá nhiều các chủ hàng phải chủ động cho người đến từng chợ hay các điểm chuyên nhập hàng của mình để chào mời.

Anh Nguyễn Văn Thới, chuyên cung cấp các mặt hàng rau cho các tiểu thương tại đây cho biết: chẳng thể hiểu nổi năm nay như thế nào nữa, lẽ ra như mọi năm vào lúc này đã phải đầu tắp mặt tối bởi các cú điện thoại và gọi nhập hàng liên tục của các chợ rồi. “Vì lo hàng năm nay bị tồn, để lại lâu thì hỏng rồi bỏ thì phí công sức nên 2 hôm nay tôi đã phải cho mấy thằng em đến các chợ để mời gọi những người quen nhập hàng đấy.”

Mặt hàng rau năm nay khá dồi dào, tuy thời tiết có lạnh và cũng ảnh hưởng không ít nhưng do trời không mưa nhiều nên hiện tượng rau bị giập nát và hỏng không đáng kể. “Trước đó tôi cũng đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng để cung cấp rau cho dịp Tết, rút kinh nghiệm một vài năm không còn rau mà bán do nhu cầu ăn rau nhiều hơn ăn những món đồ có mỡ dịp Tết của ngưởi dân. Vậy mà không hiểu sao đến giờ hàng vẫn bán chậm, nếu không bán được chắc tôi phải mang về muối ăn dần quá.” Anh Thới vui vẻ chia sẻ.

Không chỉ có chị Hạo, anh Thới lo lắng vì việc hàng bán khá chậm vào thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là tết như thế này, mà sự lo lắng ấy cũng xuất hiện không ít trên gương mặt của nhiều tiểu thương tai các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội. Cô Lê Thị Loan, nhà trong chợ Láng Yên_Hai Bà Trưng cho biết: tuy chỉ còn vài ngày nữa là Tết nhưng việc đi mua sắm của người dân tại chợ này vẫn chỉ như những ngày thường khác, không sôi động như thời điểm này các năm. “Có lẽ do kinh tế năm nay khó khăn nên cả người mua và người bán đều không vui, người mua không vui vì thu nhập thưởng không cao, người bán không vui vì người mua không nhiều.”

Trầm lắng thị trường các Trung tâm thương mại

Thị trường các mặt hàng tại các chợ truyền thống là vậy, nhưng ngay cả tại các Trung tâm thương mại, các siêu thị hay những điểm bán hàng bình ổn không khí mua sắm cũng không khá hơn là mấy. Mặc dù giá các mặt hàng năm nay được đại diện các trung tâm cho biết không hề có sự tăng giá cao các mặt hàng trong những ngày cận Tết như những năm trước.

Chị Hoa, nhân viên tại điểm bán hàng bình ổn giá trên đường Lạc Trung nói, khách hàng đến mua hàng cũng có hơn ngày thường, nhưng không đáng kể. “Hiện tại, sự sôi động trong mua sắm của người tiêu dùng chưa xuất hiện vào thời điểm này cũng là điều lạ, bởi thường thì tuần cuối của năm âm lịch sẽ là thời điểm nhộn nhịp nhất trong mua sắm. Đặc biệt khi mà Tết năm nay đến sớm hơn so với các năm khác.” Chị Hoa chia sẻ.

Thị trường Tết
Sự sôi động mua sắm Tết của người dân vẫn chưa xuất hiện ngay cả những siêu thị hay các điểm bán hàng bình ổn giá

Đại diện của một Trung tâm thương mại lớn trên đường Lò Đúc_Hà Nội cho biết: “hiện tượng người tiêu dùng chưa đến mua hàng nhiều vào lúc này cũng là một điều đáng lo. Bởi được sự chỉ đạo từ trên, để tránh hiện tượng thiếu hàng đến tay người tiêu dùng, Trung tâm đã có sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn hàng. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo tốt thị trường.”

Vị đại diện này nói thêm, giá các mặt hàng năm nay cao hơn so với năm trước là do các mặt hàng đã được tăng từ những tháng trước đó, và người tiêu dùng cũng đã quen với mức giá này. “Vì vậy, việc giá cao cũng không phải là lý do chính khiến người tiêu dùng chưa đến mua sắm nhiều. Rất có thể do thói quen, tập quán người dân là sát ngày mới đi sắm Tết.”

Tuy nhiên, việc mua sắm cho dịp Tết Nguyên đán chưa diễn ra sôi động vào thời điểm này được không ít người tiêu dùng cho rằng, do kinh tế năm nay khó khăn, thu nhập thì không tăng thêm là mấy nên vẫn còn tính toán để bỏ ra những chi phí thật hợp lý trong việc mua sắm, tránh tình trạng thừa thãi, lãng phí sau Tết. Thậm chí, hiện tại còn có cơ quan chưa trả thưởng cho nhân viên vì vẫn đang tính toán về tài chính cũng là một nguyên nhân.

Tổng thu nhập một tháng của Anh Lê Đăng Thắng cùng vợ ở Khâm Thiên vừa tròn 8 triệu lại lo cho 2 đứa con. Khi mà hàng hóa mọi thứ đều đã tăng giá khiến hai vợ chồng anh Thắng cảm thây lo lắng cho việc chi tiêu trong dịp Tết này. Anh Thắng nói, “thưởng năm nay không được là mấy, hai vợ chồng chúng tôi sẽ tính toán thật kỹ cho cái Tết này xem nên chi cho khoản nào, nên mua cái gì sau đó sát ngày chúng tôi mới có thể đi sắm được.”

Cô Trần Thúy Quỳnh ở Giải Phóng_Hà Nội cho biết: không biết năm nay có đi sắm Tết được không nữa, “đã 24 âm lịch rồi mà cơ quan thông báo đang kiểm tra doanh số bán hàng năm nay và sẽ trả thưởng muộn hơn mọi năm. Nếu không có thưởng trước Tết, có lẽ tôi sẽ cùng gia đình về quê ăn Tết chứ đừng nói là mua sắm gì cho ngày Tết.”

Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hiện tại, thị trường tại các điểm bán hàng cũng như khu vực bán lẻ chưa thấy diễn ra việc mua bán một cách sôi động, có thể do nhiều nguyên nhân như kinh tế khó khăn của người tiêu dùng trong năm nay… “Nhưng theo tập quán thông lệ thì việc mua bán sẽ diễn ra sôi động hơn vào những ngày giáp tết khoảng 28 đến 30 Tết lúc đó sức mua sẽ thực sự là tăng mạnh.”

Bên cạnh đó, Sở cũng kết hợp cùng các cơ quan ban ngành khác để ngăn chặn và chống gian lận thương mại cũng như các mặt hàng không rõ nguồn gốc, vận chuyển lậu các mặt hàng cấm trong dịp Tết này, tránh hiện tượng xẩy ra ngộ độc hay vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. “Do nhu cầu tiêu dùng trong dịp tết là rất cao, mỗi gia đình khi đi mua sắm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu cần lựa chọn một cách hết sức cẩn trọng và thông minh, nên chọn mua những mặt hàng rõ ràng về nguồn gốc xuất sứ, hạn sử dụng không nên sát quá ngày hết hạn hay nên chọn những mặt hàng đã được qua kiểm định…” Ông Đồng nhấn mạnh.

Vị lãnh đạo này chia sẻ thêm, “Tốt nhất, người tiêu dùng nên đến các điểm bán hàng bình ổn giá, bởi những điểm này đã cam kết với Nhà nước, nguồn gốc xuất sứ của các mặt hàng rõ ràng và giá cả cũng đã được các cơ quan tài chính thẩm dịnh nên không lo hàng đắt hay hàng đã quá hạn sử dụng… Với những nhóm hàng không trong diện bình ổn giá cũng nên kiểm tra kỹ các chỉ số đo lường hay giá cả và ngày tháng sử dụng ghi trên mặt hàng đó.”

Nguyễn Thọ

Đọc thêm