Am hiểu thực tiễn mới không ban hành chính sách “trên trời”

(PLO) - Thảo luận ở hội trường ngày 22/11 về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được Quốc hội khóa XIII thông qua, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ghi nhận những chuyển biến tích cực trong công tác này. Tuy nhiên, Đại biểu (ĐB) cũng đề nghị cần có sự đầu tư xứng đáng cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn bản.
Cần một đội ngũ chuyên trách
Đánh giá Chính phủ cũng như các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh,  tuy nhiên theo ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) thì các báo cáo chưa phân tích được những hạn chế, bất cập trong việc triển khai thực hiện luật, pháp lệnh, đặc biệt về nguồn lực, về con người cũng như kinh phí. 
ĐB Luyến tỏ rõ lo ngại về việc nợ đọng văn bản, vì thế ĐB đề nghị “nên chăng phải có thời hạn nhất định. Số nợ đọng,  Chính phủ, các Bộ, ngành cố gắng ban hành xong trước ngày 1/1/2014 đồng thời phải có kế hoạch để triển khai ban hành các văn bản tiếp theo”.
 Đại biểu Quốc hội Đặng Đình Luyến
phát biểu tại Hội trường
Về nguyên nhân của tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn, ĐB Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) cho rằng nhiều văn bản luật khi trình Quốc hội có biểu hiện của lợi ích ngành, ít phân cấp cho địa phương; một số luật để quy định nhiều cho Chính phủ và các Bộ, ngành đã dẫn đến việc lách luật, lạm quyền, thể hiện rõ nhất là có những quy định hướng dẫn không phù hợp với quy định của luật. 
Chỉ ra những thực tế này, ĐB Thụy nhấn mạnh: phải có một đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác xây dựng văn bản pháp luật am hiểu thực tiễn cuộc sống, để tham mưu ban hành những chính sách khả thi, tránh tình trạng “chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất”.
Cũng cho rằng yếu tố con người là vấn đề “then chốt”, ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) đề nghị: “Cần phải rà soát lại đội ngũ cán bộ chuyên môn cho phù hợp với vị trí công việc. Cần xác định rõ tiêu chí, tiêu chuẩn cán bộ chuyên trách trong các cơ quan tham mưu chiến lược, cơ quan đề xuất và hình thành chính sách nói chung”. 
Đồng tình, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) nhấn mạnh: “Phải  củng cố về mặt tổ chức, nâng cao chất lượng công tác cán bộ của các cơ quan pháp chế của các cấp, các ngành, tạo điều kiện hợp lý để cán bộ, công chức trong lĩnh vực này hoạt động có hiệu quả”.
Đề xuất giám sát ngay sau khi luật có hiệu lực
Để công tác triển khai thi hành các văn bản luật thực sự “bám sát thực tiễn cuộc sống”, nhiều ĐB đồng tình với Chính phủ đề nghị Quốc hội, các cơ quan Quốc hội tăng cường việc giám sát công tác này. Tuy nhiên, theo ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng), chúng ta chưa làm tốt công tác giám sát. “Các đoàn giám sát của Quốc hội chỉ vạch ra được những nhược điểm, yếu kém cho lập pháp, nhưng chưa có quyền đình chỉ việc vi phạm, vi phạm từ lúc ban hành; cho nên nhiều đạo luật không có sức sống, nó chết yểu ngay từ khi mới sinh ra”. 
ĐB Vân đề nghị: “Phải đề cao hiệu quả của hoạt động giám sát khi phát hiện ra vấn đề cần sửa đổi ngay thì trình Thường vụ Quốc hội hoặc trình Quốc hội sửa đổi cho kịp”.
Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng đề nghị cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, rà soát để sửa đổi lại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; về việc cần phải bảo đảm đủ kinh phí và điều kiện, phương tiện cần thiết cho công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.… Những đề nghị của ĐB, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, sẽ được “tiếp thu đầy đủ để có thể đưa vào trong Dự thảo nghị quyết mà tới đây trình Quốc hội xem xét thông qua vào cuối kỳ họp”.

Đọc thêm