Bộ Công an xử lý vụ án oan ở Bắc Giang

(PLO) -  Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho biết sau khi hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định tái thẩm vụ án Nguyễn Thanh Chấn, Bộ Công an đã giao cho cơ quan CSĐT của Bộ phối hợp với các cơ quan tố tụng xử lý vụ việc này.
Bộ Công an xử lý vụ án oan ở Bắc Giang
Một trong những vấn đề làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong phiên chất vấn ngày 21-11 là vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang. Điều các đại biểu (ĐB) quan tâm là quá trình điều tra lại nếu giao cho Công an tỉnh Bắc Giang sẽ không đảm bảo tính khách quan do cơ quan điều tra Công an tỉnh này chính là cơ quan đã tiến hành điều tra vụ án Nguyễn Thanh Chấn trước đây.
ĐB Lê Thị Nga trong sáng ngày 21-11 phải chất vấn tới 2 lần để yêu cầu những người đứng đầu ngành kiểm sát, tòa án và công an trả lời rõ ràng các vấn đề này. ĐB Lê Thị Nga nói: “Theo quyết định tái thẩm, hồ sơ vụ án đã được giao lại cho cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang điều tra lại theo quy định của Luật tố tụng hình sự. Để đảm bảo khách quan, đề nghị Bộ trưởng Bộ CA không để công an Bắc Giang điều tra nữa mà căn cứ khoản 4 Điều 110 Luật tố tụng hình sự chỉ đạo cơ quan điều tra Bộ CA rút lên để trực tiếp điều tra, VKSND Tối cao trực tiếp giám sát điều tra”.
“Chia lửa” với Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, trả lời câu hỏi của ĐB Lê Thị Nga vào chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ CA Trần Đại Quang không giải đáp cụ thể mà cho biết: “Sau khi hội đồng thẩm phán TAND Tối cao ra quyết định tái thẩm, Bộ CA đã giao cho cơ quan CSĐT của Bộ CA phối hợp với các cơ quan tố tụng xử lý vụ việc này theo đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục tố tụng hình sự theo quy định pháp luật”. 
Tiếp đó, người đứng đầu Bộ CA cũng báo cáo bổ sung về tình trạng oan sai, hiện tượng ép cung, nhục hình trong hoạt động điều tra, xử lý vụ án hình sự và quan điểm chủ đạo, giải pháp của Bộ CA về vấn đề này.
Theo Đại tướng Trần Đại Quang, trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và công tác điều tra xử lý các vụ án hình sự nói riêng, một nguyên tắc chỉ đạo quan trọng hàng đầu và xuyên suốt là không để lọt tội phạm, không để xảy ra oan sai, nghiêm cấm việc mớm cung, ép cung, bức cung, nhục hình. Nếu vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải xử lý theo pháp luật hình sự.
Tuy nhiên cá biệt vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị, địa phương, thậm chí còn là án oan sai gây bức xúc trong dư luận. Theo quy định của pháp luật, thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra và điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án là những người phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra oan sai.
Về giải pháp lắp đặt hệ thống camera ở các phòng hỏi cung mà các ĐB đề nghị, theo ông Quang, đây cũng là một giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát các hoạt động hỏi cung của điều tra viên. Bộ CA cũng đã lựa chọn giải pháp này và đang từng bước trang bị, lắp đặt camera ở phòng hỏi cung.
Trên thực tế thì đã lắp đặt được một số camera ở những địa bàn trọng điểm. Nhưng do còn khó khăn về kinh phí nên mới thực hiện được ở một số nơi. Để triển khai toàn bộ kế hoạch này, sắp tới Bộ CA sẽ báo cáo Chính phủ, báo cáo QH tăng thêm kinh phí cho công tác điều tra hình sự.

Đọc thêm