Ấm lòng hậu phương người lính đảo

Đã hai Tết Nguyên đán vắng “trụ cột” của gia đình nhưng chị và hai con luôn vững tâm để anh làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Tất bật với những lo toan và chăm sóc con cái hàng ngày, chị vẫn tươi cười mà nói rằng, chị chọn anh và hạnh phúc với quyết định của cuộc đời mình khi có chồng là lính…

Đã hai Tết Nguyên đán vắng “trụ cột” của gia đình nhưng chị và hai con luôn vững tâm để anh làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Tất bật với những lo toan và chăm sóc con cái hàng ngày, chị vẫn tươi cười mà nói rằng, chị chọn anh và hạnh phúc với quyết định của cuộc đời mình khi có chồng là lính…

Ấm lòng hậu phương

Chúng tôi tìm đến căn hộ nhỏ tại nhà khu tập thể E5, phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội để tìm gặp ba mẹ con chị Đường Thị Toàn (SN 1973, quê Phú Thọ). Chồng chị là Thiếu tá  hải quân Trương Phúc Hải (SN 1969, quê Hà Nam), đang công tác tại đảo Trường Sa Đông, quần đảo Trường Sa.

Ba mẹ con chị Toàn

Trong không gian nhỏ nhưng ấm cúng, chị Toàn cùng hai con - Trương Thị Khánh Linh, học sinh lớp 6A, trường Việt Nam – Angeri và Trương Phúc Quốc Khánh, học sinh lớp 4Z, trường Tiểu học Đặng Trần Côn A - tâm sự: “Anh Hải đã đi công tác được hơn hai năm và cũng đã hai cái Tết cổ truyền anh vắng nhà. Đêm giao thừa, nghe tiếng bố gọi từ đảo Trường Sa Đông mà các con vui mừng y như bố về đến nhà. Biết là anh đang phải hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm và Đảng và quân đội giao phó nên ba mẹ con thường động viên nhau và cứ có thời gian chị và các cháu lại biên thư ra cho anh”.

Chị Toàn cũng cho biết thêm, 2 con chị rất chăm ngoan và học giỏi. Học kỳ I vừa qua, cả hai cháu đều là học sinh giỏi và xuất sắc. Khánh Linh còn giành được học bổng của nhà trường trao tặng nên món quà gần đây nhất mà chị gửi ra cho anh nơi đảo xa là bảng thành tích của hai con: “Các cháu thường hay nhớ bố, cháu Linh thì lúc nào cũng ước được sớm gặp bố để được…ngủ với bố; còn Quốc Khánh thì mong bố về đưa  đi chơi. Cả hai chị em đã hứa với bố học thật tốt nên lúc nào hai cháu cũng cố gắng”.

Kể về mối lương duyên của mình với người sĩ quan Hải quân bây giờ, chị Toàn bùi ngùi: “Ngày ấy, chị là công nhân Xí nghiệp May Chiến Thắng của Tổng cục Hậu cần (Bộ Công an) còn anh vừa học xong Đại học Mật mã và đóng quân cạnh nơi chị đang công tác. Có lần, thấy anh mặc quần áo dân sự vào cơ quan chị chơi, ngỡ là người cùng cơ quan nên chị phớt lờ! Tuy nhiên, chính sự thờ ơ…rất tình cờ ấy đã khiến anh chú ý.

Dần dần, qua cách nói chuyện anh cảm mến chị lúc nào chả hay. Sau này, khi đơn vị rời lên đóng tại Bắc Giang, lúc nào anh cũng tranh thủ thời gian nghỉ phép để điện thoại hoặc biên thư hỏi han chị, qua trang thư thì tâm sự rất nhiều nhưng đến khi gặp chị lại…ấp a ấp úng chả nói được câu nào”. Dừng lại tủm tỉm cười, chị tiếp: “Ngày về Hà Nội, anh ấy đến thẳng chỗ làm của chị, cầm tay chị rồi bảo: “Anh muốn lấy em làm vợ thì cần phải có điều kiện gì không?”. Vừa bất ngờ, ngỡ ngàng, vừa xúc động, chị bảo với anh: “Em chỉ cần hai ta có một căn nhà nhỏ ấm cúng là được rồi”. Và thế là anh chị thành vợ thành chồng”.

Khi hỏi nếu chị được quyết định lại về việc đồng ý làm vợ lính ngày ấy, chị có suy nghĩ không thì chị Toàn cười: “Nếu được chọn lại, chị vẫn làm vợ anh ấy, làm vợ lính, thậm chí là lính Hải quân công tác nơi đảo xa nhưng chị thực sự tin rằng đó là quyết định đúng đắn và mang lại hạnh phúc, mang lại một mái ấm như bây giờ”.

Kể lại tâm trạng mình trước ngày anh lên đường ra công tác nơi đảo xa, chị Toàn không kìm được xúc động: “Biết tin anh nhận quyết định công tác tại Đảo Trường Sa Đông, chị rất bất ngờ và đã khóc. Lúc ấy, anh động viên chị: “Anh đi làm nhiệm vụ của Đảng và quân đội giao, mọi việc ở nhà cũng như chăm sóc con cái phải nhờ em. Nếu ai cũng chọn việc dễ dàng, thuận lợi thì việc gian khổ phần ai?”. Chị vững tâm hơn nhưng luôn dặn lòng, nhất định không nói cho ai biết, kể cả hai bên nội ngoại vì sợ ý chí của mình sẽ lung lay. Sát ngày anh lên đường ra đảo, mọi người mới hay tin và bấy giờ mới hỏi chuyện chị”.

Những bài văn ấm áp tình cảm gia đình của cháu Khánh Linh viết gửi ra cho bố nơi đảo xa

Món quà hậu phương ra đảo xa

Quà Tết chị Toàn gửi ra cho chồng là những bộ quần áo do chính tay chị may cho anh, kèm theo là chè thanh nhiệt và không thể thiếu những lá thư do chính tay chị và các con gửi ra cho anh. Thư Khánh Linh gửi cho bố ngoài việc báo cáo thành tích học tập, còn có những bài văn mà cháu được điểm cao khi viết về gia đình và nỗi nhớ bố khi vắng nhà.

Câu chuyện thêm phần ấm áp khi chị kể chuyện của cháu Quốc Khánh cách đây tròn một năm. Hồi đó, lớp của Khánh có một bạn tên Tú có bố ra thăm Trường Sa cùng đoàn công tác, Khánh hồn nhiên nhờ bạn: “Bố cậu ra Trường Sa nhớ thăm bố tớ nhé”. Bố của Tú mặc dù trong chuyến đi không có lịch trình ra thăm Trường Sa Đông nhưng ông đã đề xuất lên cấp trên và lãnh đạo Quân chủng Hải quân để hoàn thành tâm nguyện của hai đứa trẻ.

Ra đến đảo, anh Hùng - bố của Tú- đã ôm thật chặt Thiếu tá Trương Phúc Hải và nhắn nhủ: “Cháu nhà anh và cháu nhà tôi học cùng lớp với nhau. Cháu biết tôi ra Trường Sa nên mong muốn tôi ra thăm anh”. Liền đó, anh Hùng điện thoại về đất liền để gặp ba mẹ con chị Toàn, thông báo cho Khánh biết bố của bạn Tú đã “hoàn thành nhiệm vụ”.            

Câu chuyện này nhanh chóng lan ra khắp trường và ai nấy khi nghe đều hết sức cảm động. Đó cũng là tình hậu phương nơi đất liền luôn hướng đến những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ vùng biển, vùng trời của Tổ quốc.

Trong căn nhà nhỏ luôn tràn ngập tiếng cười con trẻ ấy, ảnh hai vợ chồng Thiếu tá Hải và chị Toàn được treo nơi trang trọng nhất như động viên cả ba mẹ con để trở thành hậu phương vững chắc cho anh. Ở căn phòng ấy, tình cảm hậu phương luôn ấm áp dành cho những người lính nơi đảo xa…

Ngọc Trìu

Đọc thêm