Âm thanh của phố

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Buổi sáng, anh mở cửa bước ra ban công, nhìn xuống phố. Âm thanh phố phường hôm nay nghe thật quen mà cũng thật lạ. Nghe như những gì đã mất, nay lại tái sinh...
Âm thanh của phố

“Ai bánh mì nóng không. Bánh mì nóng giòn, đặc ruột thơm bơ, hai ngàn một ổ”, tiếng rao của người bán bánh mì làm anh chợt giật mình. Bởi, tiếng rao quen thuộc ấy thế mà đã hơn 3 tháng nay vắng bóng. Ngày trước, lúc bận rộn cắm đầu vào máy tính làm việc, thấy đói bụng, nghe tiếng rao bánh mì, anh sẽ thò đầu ra ban công hét toáng lên: “Bánh mì ơi, cho hai ổ nóng giòn nha”. Rồi cầm tiền, chạy nhanh như bay xuống nhà, lấy 2 ổ bánh mì còn nóng hôi hổi, chấm với sữa đặc hoặc ăn kèm miếng chả lụa. Một ly cà phê. Thế là bữa sáng ngon lành đã xong.

Ngôi nhà nằm trong một con hẻm đông vui ở Gò Vấp, ban công hướng ra đường. Bàn làm việc gần ban công. Nếu mở cửa ban công, mỗi ngày sẽ có đủ thứ âm thanh của cuộc đời ập vào khứu giác anh.

Một trong những “đặc sản Sài Gòn” là tiếng rao. Sáng sớm, ngủ dậy đã nghe lanh lảnh tiếng bánh mì nóng. Anh bán bánh mì thường mặc cái áo màu cháo lòng, chạy một chiếc xe máy cũ, phía sau chở một cái ràng làm bằng kẽm, bên trong là bao vải to tướng, đựng những ổ bánh mì mà anh mới lấy từ một lò bánh, chạy khắp các con ngõ Sài Gòn để rao bán.

Buổi xế chiều thường có chị bánh giò cũng xe máy cũ và bao vải to tướng, chở bánh đi khắp nơi, dừng ở từng con ngõ, miệng rao “ai bánh giò nóng hônnn”. Tiếng rao kéo dài, giọng chị người Trung, nghe vui tai. Thi thoảng sẽ có một cái đầu hé ra từ cánh cửa nhà nào đấy kêu lên: “Bán cái bánh giò chị ơi”. Cuộc mua bán diễn ra chớp nhoáng, tiếng rao của chị lại vang lên vài lần nữa, như nhắn nhủ, thúc giục những ai còn chần chừ, rằng mau mau đến thưởng thức món ăn vặt ngon lành của buổi chiều đi nào...

Trong ngày, những tiếng rao còn vang lên vài lần khác. Đó là khi xe đậu hũ đi ngang, với tiếng rao “đậu hũ nóng nước đường gừng đê”, tiếng rao “ai chè đậu xanh nước cốt dừa đê”, rồi lại “ai trứng vịt lộn cút lộn vịt giữa đê”, “kem que kem que đê” hay “ai bắp xào cá viên chiên hôn”. Đi kèm với những tiếng rao của người bán sẽ là tiếng lao xao của người mua. Với những món ăn vặt ngon lành, lũ con nít của nhà nào đó sẽ reo lên, rồi ùa ra. Anh xe cá viên chiên, anh bán kem que sẽ bắt đầu bối rối, và “dẹp loạn” lũ trẻ bằng cách bảo chúng trật tự, từ từ rồi ai cũng có phần.

Âm thanh quen thuộc mà hầu như hội “cú đêm” nào ở Sài Gòn cũng đều biết, đó chính là tiếng lách cách của những xe mì gõ. Đêm đã dần về khuya, lúc này, bất cứ tiếng rao nào cất lên cũng nghe chừng lạc lõng lắm. Nhưng tiếng rao mì gõ lại khác. Đó không phải là âm thanh thoát ra từ tiếng nói con người. Tiếng lách cách phát ra từ hai que gỗ nhỏ, được cậu bé phụ bán xe mì gõ vừa rảo bước vừa gõ hai thanh gỗ vào nhau tạo ra những âm thanh vui tai, chính vì thế mà món mì mới có tên là “mì gõ”. Âm thanh ấy chính là báo hiệu, mì gõ đã đến, đã bán rồi. Lúc ấy, sẽ có người đặt ngay một tô nóng hổi cho mình ăn, vài tô cho cả nhà. Hoặc, cả hội có thể mở cửa, bước ra hẻm. Dưới một ngọn đèn đường đang lặng lẽ toả bóng, xe mì gõ đứng đó, làm ấm lên cái quạnh quẽ của đêm. Chung quanh xe, người ngồi lô nhô trên các ghế nhựa dã chiến, sì sụp húp tô mì gõ nóng hổi gía rất đỗi bình dân, trò chuyện với nhau những câu chuyện không đầu không cuối.

Những tiếng rao vang lên đều đều như nhịp điệu cuộc sống. Chỉ cần nghe tiếng rao là có thể đoán định ấy là khoảng thời gian nào của ngày. Người bình dân Sài Gòn, chỉ cần ngồi nhà, nghe tiếng rao, gọi món, không cần ra cửa cũng đã có ti tỉ thức ăn vặt để nhâm nhi.

Mà không chỉ có tiếng rao của người bán thức ăn đâu. Thi thoảng, lại có cả những tiếng rao khác của những người thu mua đồ cũ. “Ai ve chai bán hôn”, “ai tivi cũ máy quạt cũ điện thoại cũ bán hôn”… Dường như không còn tiếng rao thì Sài Gòn không còn là Sài Gòn vậy.

Những ngày giãn cách, ngoài nhớ ti tỉ thói quen xưa, nhớ cảm giác chạy xe trên phố ồn ã tiếng người, nhớ những buổi cafe, nhậu nhẹt bạn bè, nhớ công sở thân quen, anh còn da diết nhớ những tiếng rao ấy.

Ngày giãn cách, ban công nhìn ra phố vẫn hé mở, nhưng vắng bặt, hầu như không còn một tiếng ồn. Không có tiếng người xôn xao cười nói, tiếng xe máy qua lại nhộn nhịp, cũng không một tiếng rao. Tủ lạnh đã trữ đầy thức ăn để hạn chế ra khỏi nhà, nhưng anh lại thèm cảm giác mua thức ăn từ tiếng rao như xưa. Đôi lúc, đang làm việc, anh chợt ngẩng đầu lên, ao ước một tiếng rao ở phố vọng vào. Để thấy con hẻm nhỏ bùng lên sinh khí, để thấy lòng bớt cô quạnh, để thấy rằng nhịp sống khi xưa đã quay trở lại.

… Và sáng hôm ấy, buổi sáng đầu tiên khi thành phố này tháo bỏ giãn cách, anh đã suýt rơi nước mắt chỉ vì nghe tiếng rao của người bán bánh mì. Và anh lại chạy vội ra ban công, thò đầu ra ngoài, hét tướng lên: “Bánh mì ơi, cho hai ổ”. Rồi vội vã cầm tiền lao xuống.

Vẫn là bánh mì thật nóng, thật giòn, hai ngàn một ổ. Đặc ruột và thơm bơ, chấm với sữa tươi, thêm ly cà phê nữa là “ngon hết sẩy”. Anh ăn trong rưng rưng, nghe như phố phường đang chuyển mình.

Bình thường mới của anh bắt đầu như thế.

Đọc thêm