Ẩm thực thời Tiktok: Cảnh giác với “review”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm thay vì đầu tư vào chất lượng sản phẩm lại chỉ chú trọng bỏ tiền quảng cáo trên các nền tảng giải trí thời thượng như Tiktok, Youtube... Hậu quả là người tiêu dùng lựa chọn theo “review” và “lãnh đủ”.
“Review” món ăn, địa điểm ăn uống đang là nghề “hot” hiện nay. (Ảnh minh họa)

“Review” món ăn, địa điểm ăn uống đang là nghề “hot” hiện nay. (Ảnh minh họa)

“Quả đắng” ăn theo “trend”

Mới đây, trên các nhóm nổi tiếng về ẩm thực đang ồn ào câu chuyện về một chuỗi nhà hàng nướng hải sản khá có tiếng, có nhiều chi nhánh trong trung tâm thương mại. Theo đó, anh Tr.H.D cho biết cùng nhóm bạn đến nhà hàng này ăn tối với món hải sản nướng và đến cuối buổi thì đau bụng. Tuy nhiên, khi liên hệ quản lý thì quản lý tránh mặt, không giải quyết. Khi trở về, nhóm này phải vào bệnh viện khám và điều trị.

Bên dưới bài viết, có không ít khách hàng khác vào phản ánh chuỗi nhà hàng nói trên bán hàng kém chất lượng, thực phẩm mất vệ sinh và cũng vài trường hợp khác ăn nhầm hải sản không tươi, bị đau bụng, cấp cứu nhưng không được xử lý thỏa đáng. Đáng nói là chuỗi nhà hàng này đầu tư phần “nhìn” cùng khâu quảng cáo rất tốt. Trên nhiều hội nhóm chuyên “review” ẩm thực, liên tục có những “hot girl” khen ngợi, giới thiệu về chất lượng món ăn của nhà hàng nói trên với những lời “có cánh” và những bức ảnh chụp thức ăn hấp dẫn, khiến thực khách đổ xô đến ăn.

Tương tự, có nhiều trường hợp thực khách phản ánh tình trạng những Tiktoker nổi tiếng chuyên giới thiệu những nhà hàng, quán ăn ngon, hấp dẫn, giá rẻ... Nhưng khi đến quán ăn mới thấy hoàn toàn không đúng như quảng cáo. Món ăn kém chất lượng, không hợp vệ sinh, ít hơn hoặc đắt tiền hơn nhiều so với những gì thể hiện trên “review”, khiến nhiều người cảm thấy như “bị lừa”.

Nguyễn Phương Trang, chủ quán bò hàu nướng Ngon ở Gò Vấp, TP HCM chia sẻ về thực trạng này như sau: “Thời bây giờ là thời của mạng xã hội, của video Tiktok. Thú thật làm quán ăn mà theo “trend” món mới lạ, muốn nổi nhanh trên thị trường thì không thể không quảng cáo trên nhóm review, Tiktok. Cách thu hút khách trẻ tốt nhất là mời những bạn Tiktoker nổi tiếng chuyên “review” món ăn để giới thiệu quán. Thực chất, đây là mối quan hệ bỏ tiền để quảng cáo, thế nên dù quán ăn có ngon, dở, chất lượng thế nào thì Tiktoker vẫn khen nức nở như thường. Cạnh đó, nhiều quán ăn đánh vào mức giá bình dân, nhưng lại đốt tiền cho quảng cáo Tiktok quá nhiều, dẫn đến việc “bóp” nguyên liệu, chất lượng món ăn để bù lại, hậu quả là người tiêu dùng “lãnh đủ”.

Cần chọn lọc thông tin

Có thể thấy, trong những năm gần đây, thị trường ẩm thực bình dân trong nước dường như là thị trường của giới trẻ. Giới trẻ chính là đối tượng tiêu thụ ngành hàng ẩm thực nhiều nhất, các hàng, quán, món ăn cũng hướng nhiều đến phục vụ đối tượng này, đơn cử như cách thức trang trí cũng ngày càng phải đẹp, độc đáo, các món ăn mới cũng liên tục ra đời.

Đặc điểm của thị trường ẩm thực “trẻ hoá” này là sự thay cũ đổi mới, “thay trend” liên tục. Những người kinh doanh món ăn phục vụ giới trẻ cũng luôn cần đến công cụ mạng xã hội để tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình. Vì thế, một tình trạng đang diễn ra trong thực tế: nhiều nơi bán hàng chất lượng nhưng không biết tiếp cận giới trẻ thì kinh doanh lẹt đẹt, một số nơi buôn bán chụp giật nhưng “bắt trend” tốt thì nổi đình nổi đám.

Sự phụ thuộc vào mạng xã hội trong lựa chọn ẩm thực thực ra đến từ hai phía: Cả người bán và người mua. Người bán khó ăn nên làm ra nếu không tận dụng mạng xã hội, còn người mua thì đặt niềm tin lớn ở các kênh review ẩm thực. Kết quả, người đứng giữa, tức các ứng dụng như Tiktok và các Tiktoker mới là người thu lợi nhiều nhất.

Quả thật, quảng cáo theo hình thức “review người thật việc thật” hấp dẫn hơn nhiều so với các hình thức quảng cáo truyền thống trước đây. Thông qua người tiêu dùng sành ăn với các góc ảnh, video cận cảnh, khách hàng cảm thấy hứng thú, dễ thuyết phục hơn và bởi thế dễ dẫn đến hiệu ứng đám đông, thành công về doanh thu.

Tuy nhiên, như đã nói, hiện nay, bên cạnh những người thực sự tâm huyết với ngành ẩm thực, nhiều Tiktoker, Vlogger làm nghề “review” chuyên nghiệp, nhận tiền của các chủ nhà hàng, quán ăn, nhân danh “cảm nhận khách quan” để đưa ra lời khen bất chấp sự thật nhằm câu kéo khách hàng. Thậm chí, nhiều Vlogger nổi tiếng không cần có mặt, thử sản phẩm, chỉ nhận hình ảnh, clip, thông tin từ phía doanh nghiệp và đăng tải như mình đã trải nghiệm. Không chỉ thế, với cách quảng cáo này, người trung gian quảng cáo sản phẩm hoàn toàn có thể tự do “thổi phồng” chất lượng sản phẩm, nói sai sự thật về giá cả, dịch vụ... Nếu có vấn đề gì xảy ra, bị khách hàng “tố” quảng cáo sai sự thật, phía đơn vị kinh doanh cũng sẽ phủi tay dễ dàng.

Cách đây ít lâu, một “hot girl” chuyên “review” món ăn ở Đà Lạt đã bị cộng đồng ẩm thực “tẩy chay” khi đăng tải bữa ăn ở một nhà hàng buffet rau giá “siêu rẻ”, lấy tư cách thực khách để giới thiệu món ăn đến mọi người. Đến khi khách hàng đến ăn mới “té ngửa” vì mức giá được giới thiệu chỉ là giá cơ bản, còn để có số thức ăn hấp dẫn như ảnh chụp thì phải tốn... gấp 3 lần tiền.

Rõ ràng, đang có những chiêu trò lừa dối người tiêu dùng từ một bộ phận người kinh doanh ẩm thực lẫn những người chuyên nhận dịch vụ giới thiệu món ăn trên các nền tảng ứng dụng giải trí. Điều người tiêu dùng cần làm là tỉnh táo, phân biệt và chọn lọc thông tin, đừng “ăn vì người nổi tiếng”, để rồi “tiền mất, tật mang”.

Đọc thêm