NSND Minh Vương không ngại đụng chạm khi nhận xét thẳng thắn 'hậu bối'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên ghế giám khảo, NSND Minh Vương thường nhận xét thẳng thắn, đôi khi nhận những ý kiến trái chiều về các nghệ sĩ trẻ, tuy nhiên, ông chưa bao giờ ngại "mếch lòng".
NSND Minh Vương luôn đưa ra nhận xét thẳng thắn cho "hậu bối". Ảnh: BTC
NSND Minh Vương luôn đưa ra nhận xét thẳng thắn cho "hậu bối". Ảnh: BTC

NSND Minh Vương là một trong những kép có giọng ca đẹp, mang bản sắc riêng. Năm 14 tuổi, cậu bé Nguyễn Văn Vưng đạt giải Khôi nguyên Vọng cổ và được bầu Long của đoàn Kim Chung ký giao kèo, đặt cho nghệ danh Minh Vương.

Khi NSND Bạch Tuyết vừa ngỏ lời mời xuất hiện tại Học viện Cải lương, ông đã đồng ý với mong muốn truyền đạt hết kinh nghiệm cho "hậu bối", nhằm xây dựng nghệ thuật cải lương tiến bộ hơn.

NSND Minh Vương cho rằng bên cạnh những kỹ thuật căn bản, kiến thức nền thì nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo để ghi dấu ấn riêng. Đó là điều ông thường xuyên thực hiện từ khi đặt chân vào nghề ca hát.

Bởi ông tâm niệm đã là nghệ sĩ thì phải chủ động sáng tạo, bằng sự hiểu biết và dòng cảm xúc mà nêu ý kiến để thể hiện rõ nhân vật cũng như bản thân. “Tất nhiên vẫn phải đảm bảo hài hòa với tổng thể” - NSND Minh Vương nhấn mạnh.

NSND Minh Vương hồi tưởng quá trình từ cậu bé đi vớt cá lia thia đến khi thành danh với nghề. Ông cho biết khoảng 12-13 tuổi, thường đi vớt cá lia thia để bán. Ông vốn rất mê và cũng có chút khả năng ca nhưng không nghĩ sẽ trở thành nghệ sĩ. Một ngày nọ, đi ngang qua lớp dạy hát vọng cổ, ông nép ngoài lớp học nhìn vào.

“Thầy Bảy Trạch hỏi tôi cần gặp ai. Tôi nói thích ca vọng cổ thì thầy liền kêu vào thử giọng. Tôi ca xong, thầy nói giọng tốt, có hy vọng. Tôi xin thầy vào học ca. Lớp học có 2-3 nhạc sĩ.

Người dạy tôi ca - đàn trực tiếp là NSND Văn Giỏi. Thầy hướng dẫn, chỉnh sửa cho tôi khi có sai sót. Năm 1964, khi cuộc thi Khôi nguyên Vọng cổ diễn ra, thầy chọn tôi đi thi dù trong lớp cũng có nhiều bạn có giọng ca tốt. Tôi đạt giải ngay năm đó, cuộc đời sang trang mới”, ông nhớ lại.

Sau đó, NSND Minh Vương được đoàn Kim Chung mời về ký hợp đồng. Số tiền 10.000 đồng có được, ông mang một nửa tặng thầy Bảy Trạch để trả ơn thầy, số còn lại đưa cho mẹ. Tuy nhiên, khi vào đoàn Kim Chung, ông chưa thể đóng vai kép, lại quá tuổi đóng vai con nít. Vì thế, có nhiều tuồng ông chỉ chạy ra, ca một câu vọng cổ rồi bước vào.

Nam NSND tâm niệm, làm nghệ sĩ phải sáng tạo, biết chịu đựng. Ảnh: BTC

Nam NSND tâm niệm, làm nghệ sĩ phải sáng tạo, biết chịu đựng. Ảnh: BTC

Nhiều người khuyên ông phải giữ giọng cho thật tốt, vì đây là “vũ khí” quan trọng của nghệ sĩ trên sân khấu. Đặc biệt, thời điểm bé trai vỡ giọng để trở thành thiếu niên rất dễ ảnh hưởng đến giọng ca. NSND Minh Vương cho biết giai đoạn này có nhiều thay đổi trong cơ thể. Ông cũng khá áp lực vì nếu giọng bị vỡ hoàn toàn có thể không giữ được nghề hát.

U80, NSND Minh Vương vẫn chú trọng giữ gìn giọng ca. Ông có lối sinh hoạt nghiêm túc, kỹ lưỡng để giữ sức, giữ mình cho nghề nghiệp.

“Đã đứng trên sân khấu hơn nửa thế kỷ nhưng bây giờ tôi vẫn như ngày trẻ. Cứ lên sân khấu, tôi lại nôn nao, hồi hộp… rất khó diễn tả. Ở tuổi này, tôi cũng mừng vì còn được gặp khán giả, được họ yêu mến. Tôi phải chuẩn bị thật kỹ để tránh những sai sót. Theo tôi, sự bình tĩnh, tập trung cao độ là điều quan trọng hàng đầu”, nam NSND chia sẻ.

Nói về giới trẻ, NSND cho rằng họ tài năng, tiếp thu nhanh những tiến bộ bên ngoài, không có nhiều hạn chế như thế hệ của ông. Ông kỳ vọng họ luôn biết giữ gìn bản thân, sức khỏe, chịu cực khổ… để có thể bám trụ với nghề lâu bền. “Làm nghệ sĩ vinh quang nhiều, nước mắt cũng không ít. Những niềm vui, nỗi buồn cứ nối tiếp nhau. Vì thế, nếu không có sức chịu đựng tốt khó thể vượt qua được”.

Hiện tại, dù có kinh nghiệm làm nghề dày dặn nhưng ông vẫn tập luyện thường xuyên, nghiên cứu những cái mới: “Tuổi tác cũng làm ảnh hưởng nhiều thứ. Vì thế, tôi phải tập ca để xem còn ổn không, chữ này ổn chưa, chỗ kia có đã tai không… Tôi cũng đắn đo, nghe đi nghe lại xem giọng còn “ăn” tiếng đờn hay không”.

Trước khi đến Học viện Cải lương, NSND Minh Vương cũng từng làm giám khảo, truyền dạy kinh nghiệm cho thí sinh ở nhiều sân chơi khác về nghệ thuật cải lương. Ông thường nhận xét thẳng thắn, đôi khi nhận những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ lo ngại.

Nghệ sĩ tâm sự: “Tôi nghĩ việc nói đúng suy nghĩ, nhận biết của mình cho đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ là hết sức cần, trước là cho chính các bạn, sau là vì cải lương. Có thể việc này khiến nhiều người không thích, lời ra tiếng vào, thậm chí giận hờn nhiều nhưng tôi chấp nhận. Tôi từng đi qua nhiều việc, thành công có, thất bại cũng có. Tôi chỉ muốn truyền lại hết cho các em”.

Đọc thêm