Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ba má tôi cưới nhau giữa chiến dịch Điện Biên Phủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Trong lúc mọi người chuẩn bị giúp tổ chức đám cưới, thì ba tôi tranh thủ đi đến tất cả các xưởng quân giới để động viên mọi người sản xuất gấp lựu đạn chuyển lên mặt trận.
Ông Quảng-bà Mừng chụp ảnh sau chiến thắng Điện Biên Phủ.
Ông Quảng-bà Mừng chụp ảnh sau chiến thắng Điện Biên Phủ.

1. Ba của tôi là một trong những người con Liên khu 5 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò tiếp tế đạn dược cho mặt trận. Kỷ niệm đẹp nhất của ba tôi là đã cưới má tôi giữa những ngày khói lửa ác liệt cam go của chiến trường. Họ đến với nhau bằng tình yêu của những người đồng chí, sẵn sàng đi vào cái chết vì chiến thắng của dân tộc.

Ba tôi là Đại tá, Tiến sĩ Đoàn Văn Quảng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học đầu tiên, ông sinh năm 1929 tại xã Xuân Lộc huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ông tham gia phong trào học sinh cứu quốc ở Quy Nhơn từ năm 1944. Sau ngày tổng khởi nghĩa tháng 8/1945, ông được cử làm Trưởng phòng tuyên truyền thị xã Quy Nhơn, sau đó ông vô chi đội Nha Trang. Cuối năm 1946, ông được cử ra Bắc cùng đón cán bộ Liên khu 5 để đi học nước ngoài. Đến chiến khu Việt Bắc, ông được cử là Bí thư chi bộ Viện nghiên cứu Quân giới.

Giữa năm 1953, ông đang làm Thư ký Công đoàn của Quân giới khu 5, thì được đồng chí Trần Đăng Ninh, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp giao nhiệm vụ phụ trách trạm dân công Đèo Khế - Bình Ca. Đèo Khế nằm giữa hai tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, còn Bình Ca thuộc huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Nhiệm vụ chính của trạm dân công do ba tôi phụ trách là vận chuyển lương thực, thuốc men đạn dược từ Đèo Khế lên Bình Ca để từ đó lên mặt trận. Hồi ấy dân công sử dụng xe đạp để thồ đạn đêm đi, ngày nghỉ. Ba tôi có kỷ niệm hút chết khi đang trên đường về Thái Nguyên qua Đèo Khế về báo cáo tình hình thì bị máy bay địch phát hiện, ông đã vứt cả xe đạp, lăn xuống vực, địch trên máy bay bắn đuổi theo nhưng không trúng.

Tháng 11 năm 1953, ông được điều chuyển đi chiến dịch Trần Đình (tên chiến dịch Điện Biên Phủ bấy giờ). Ông hành quân qua Yên Bái, lên Tây Bắc gặp đồng chí Phan Tử Lăng, Cục phó Cục Quân giới tại mặt trận. Ông nhận nhiệm vụ phụ trách bảo đảm vũ khí cho mặt trận. Ông bắt tay vào cùng anh em chuẩn bị các kho tàng chứa vũ khí, đôn đốc việc vận chuyển và bàn giao đạn cho các đơn vị.

Sau khi ta đánh xong Him Lam giữa tháng 3 năm 1954, tình hình mặt trận rất cần lựu đạn để đánh địch. Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Cục trưởng Cục Quân giới gọi ông lên giao nhiệm vụ: “Đồng chí trở về khu 4 để đôn đốc các xưởng vận chuyển gấp lựu đạn lên mặt trận”. Ông Nam quy định cho ba tôi 11 ngày đi, 3 ngày làm việc, 11 ngày trở về. Nghĩa là sau 25 ngày, ba tôi phải có mặt tại mặt trận. Ông biết tình yêu của ba tôi với nữ chiến sĩ sản xuất đạn trong Nhà máy Quân giới MK1 đóng ở Thanh Chương, Nghệ An. Có lẽ vì thông cảm với tình yêu của ba má tôi, mà Cục trưởng Nam đã cho ba tôi tranh thủ đi công tác kết hợp thăm người yêu. Tuy nhiên ông đe ba tôi: “Cậu không được vì mừng mà bịn rịn ở hậu phương. Cậu mà về muộn tớ kỷ luật cậu đấy”.

2. Má tôi tên Huỳnh Thị Mừng, kém ba tôi 3 tuổi, quê ở Huế. Nhà gần ga xe lửa Huế. Cả nhà má tôi đều theo cách mạng. Năm 1946, mặt trận Huế bị vỡ, má tôi theo các anh cùng cả nhà ra chiến khu ATK1 đóng ở Hà Tĩnh. Năm 1947 má tôi đã vào bộ đội tham gia sản xuất lựu đạn trong xưởng quân giới. Năm 1949, trong lúc sản xuất ngòi nổ, bị sự cố cả xưởng bốc cháy, 4 người bị chết, má tôi bị bỏng khắp người. Má tôi được kết nạp Đảng năm 1949. Ba tôi quen má trong dịp từ Việt Bắc về làm phái viên giảng bài trong đợt chỉnh huấn chỉnh quân năm 1952 cho đơn vị của má tôi.

Ba tôi khi được thủ trưởng cho về hậu phương công tác thì mừng vô cùng, lại được sự động viên các đồng nghiệp, các “tham mưu con” quân sư: “Cậu về đợt này cưới cô Mừng đi, cậu thấy trận chiến đang ác liệt thế này, biết chết sống lúc nào. Tớ tính cho cậu nhé: cậu tranh thủ đi cả ngày lẫn đêm thì chỉ độ 10 ngày là về đến chỗ Mừng thôi”. Anh em lại còn góp tiền cho ba tôi. Thật cảm động khi mọi người đưa cho ba tôi tới 10 đồng bạc tín phiếu và một chiếc khăn bông to và một số vật dụng khác. Lời tâm sự của đồng đội trong gian khó như tiếp thêm sức mạnh: “Cậu cứ cầm số tiền này lo đám cưới, bọn tớ có cần tiền làm gì đâu, nhớ cưới bằng được vợ mới về đây nhé”.

3. Ba tôi vội tức tốc lên đường vừa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chung, vừa lo chuyện riêng. Có những lúc ông đạp xe cả ngày, cả đêm. Lúc nào mệt thì kiếm bãi cỏ nằm chợp mắt một chút rồi cấp tốc lên đường. Hồi ấy đường ra trận đêm đêm đèn đuốc sáng choang, dân công lên mặt trận đông nghìn nghịt. Ghé thăm người bạn ở Thanh Hóa, nghe tin ba tôi cưới vợ, anh bạn cho 1kg thuốc lá sợi vàng để góp vui. Thế là chỉ chín ngày, ông đã về đến Nhà máy Quân giới MK1. Ba tôi tranh thủ gặp các đồng chí Bí thư, Giám đốc xin phép cưới vợ. Mọi người thấy vậy đều đồng tình ủng hộ.

Ba tôi đưa 10 đồng tín phiếu để nhờ mọi người chuẩn bị giúp. 2 đồng dùng để mua giấy cuốn thuốc lá, còn 8 đồng mua đường, lạc để nấu kẹo cu đơ, còn có người cho cân chè Thái Nguyên tuyệt hảo, không phải mua chè nữa. Trong lúc mọi người chuẩn bị giúp tổ chức đám cưới, thì ba tôi tranh thủ đi đến tất cả các xưởng quân giới để động viên mọi người sản xuất gấp lựu đạn chuyển lên mặt trận. Hồi ấy phương tiện duy nhất là chiếc xe đạp, đi đâu cũng phải chuẩn bị bơm, lọ cồn dán khi thủng săm và một vài chiếc săm xe mới. Ba tôi hẹn mọi người 18h tối 1/4/1954, sẽ về tổ chức đám cưới.

Thế mà bóng chiều đã đổ chưa thấy bóng ba tôi đâu, má tôi lo lắng bồn chồn đứng bên sông nhìn xem có đò sang không. Mãi chiều muộn ba tôi mới về. Một đám cưới tưng bừng vui vẻ được tổ chức tại nhà ăn của nhà máy. Hơn 200 người đã tới chúc mừng, ca hát rất vui bên nồi nước chè to tướng, rổ thuốc lá cuộn và mấy đĩa kẹo cu đơ. Cưới xong chẳng biết sẽ ngủ đâu, may quá có vợ chồng anh đốc công tên Sơn có một túp lều nho nhỏ hai vợ chồng đang ở, quyết định nhường lại cho đôi uyên ương. Anh Sơn thì đưa con vào ngủ trong tập thể, còn vợ anh vào trực trong trạm xá. Thế là ba má tôi được 2 ngày trăng mật. Trong đêm thứ hai chia tay, ba tôi thủ thỉ: “Chuyến này lên mặt trận, chẳng biết sống chết thế nào, em chờ đợi anh nhé”. Má tôi gạt đi: “Anh chỉ nói gở, em tính xin chuyển sang làm y tá để phục vụ thương binh từ mặt trận đưa về”.

4. Sớm ngày thứ 3, ba tôi vội lên đường để lại hậu phương bao niềm thương nhớ. Khi lên đến cơ quan thì mới có 24 ngày vẫn sớm hơn quy định 1 ngày. Khi nghe báo cáo công việc và nhận được vũ khí từ các binh xưởng chuyển lên, Cục trưởng Nam báo cáo lên Thủ trưởng Hoàng Văn Thái, biểu dương ba tôi toàn mặt trận. Còn anh em thì xúm vào hỏi: “Thế nào cậu có gặp Mừng không, hai đứa có cưới nhau không?”. Nghe ba tôi thì thào kể chuyện cưới xin mọi người vỗ tay đôm đốp, chúc mừng cho ba tôi. Còn má tôi sau đó chuyển sang làm y tá điều trị cho các thương binh từ hỏa tuyến trở về.

Đại tá Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM.

Đại tá Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM.

Tròn 60 năm trôi qua, sau khi hoàn thành ước nguyện chung sống hạnh phúc với người mình yêu hết cuộc đời, ba tôi đã “cưỡi hạc về trời” cũng vào một ngày tháng 4.

Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, bài viết này của tôi, như một nén tâm nhang, thành kính cầu mong ba sẽ thanh thản nơi xa!.